ĐÁP:
Bạn Dương Quỳnh Anh và Diệu Nhân thân mến!
Pháp
bảo là tất cả những lời dạy của Đức Phật, được kết tập trong Tam tạng kinh điển
Phật giáo. Thế Tôn trước khi nhập Niết bàn đã di huấn: “Này Ananda, sau khi Ta
diệt độ, chính Pháp và Luật này sẽ là Đạo sư của các ngươi” (Kinh Đại Bát Niết
Bàn, Trường Bộ I). Như thế, kinh điển sẽ tiếp tục vai trò Đạo sư của Thế Tôn
sau khi Ngài nhập diệt, chỉ dạy cho chúng sanh phương thức tu tập, chuyển hóa
khổ đau, thành tựu giải thoát, an lạc. Kinh điển có vai trò rất quan trọng, là
kim chỉ nam cho sự tu tập cũng như ấn chứng thành quả giác ngộ. Vì vậy mà cúng
dường Pháp bảo, làm cho Chánh pháp được trường tồn có công đức vô lượng.
Kinh
Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Trong các cách cúng dường, pháp cúng dường là hơn tất
cả. Pháp cúng dường nghĩa là cúng dường bằng cách hành động như lời Phật dạy,
bằng cách lợi ích tất cả chúng sanh, nhiếp hóa chúng sanh, chịu thay thế hết
thảy đau khổ cho chúng sanh, siêng tu thiện căn, không rời sự nghiệp Bồ tát,
không bỏ tâm Bồ đề rộng lớn. Thực hành cúng dường như thế, mới là chân thật
cúng dường”.
Như
vậy, cúng dường Pháp bảo có nhiều ý nghĩa và cấp độ khác nhau, mỗi người tu
Phật đều có thể vận dụng thực hành trong đời sống hàng ngày. Trước hết là thỉnh
kinh sách, băng đĩa, các ấn phẩm văn hóa Phật giáo nói chung đem cúng dường, ấn
tống rộng rãi giúp Chánh pháp ngày càng được lan rộng, mọi người được thấm
nhuần giáo pháp. Trong vấn đề này, trước khi khởi sự ấn tống hay cúng dường
kinh sách, băng đĩa nên thỉnh ý chư Tăng hoặc những đạo hữu tu hành lâu năm để được
sự góp ý và hướng dẫn cụ thể trong việc chọn lựa cúng dường những ấn phẩm thích
đáng. Bởi hiện nay, có khá nhiều kinh sách, băng đĩa của ngoại giáo lưu hành,
ấn tống nhưng không thuộc Chánh pháp của Phật giáo.
Kế
đến là nghiên cứu kinh điển, tìm hiểu nghĩa lý rồi ứng dụng thực hành Chánh
pháp. Hiểu và sống đúng theo giáo pháp để thiết lập một đời sống an lạc cho bản
thân và cộng đồng cũng là một cách cúng dường. Sau khi đã thể nhập, hiểu biết
sâu sắc giáo pháp, người Phật tử có ý nguyện cúng dường pháp phải phát tâm thực
hành lợi tha, đem những hiểu biết của mình giảng giải, truyền đạt cho người
khác biết và noi theo. Những người có khả năng hơn, nguyện đem sở học của mình
dịch thuật, chú giải Tam tạng kinh điển hoặc biên soạn, toát yếu giáo pháp nhằm
phổ cập Chánh pháp sâu rộng, hạnh nguyện ấy chính là sự cúng dường pháp.
Sự
cúng dường Pháp bảo còn được thể hiện qua việc trao truyền, hướng dẫn những
pháp môn tu tập cho mọi người. Đạo Phật có rất nhiều pháp môn như Thiền, Tịnh,
Mật v.v… Mỗi pháp môn tuy có những phương cách thực hành riêng, song đều đem
đến hạnh phúc, an vui cho người thực tập. Chia sẻ kinh nghiệm thực tập nhằm trợ
duyên cho những người đi sau là điều vô cùng cần thiết. Bởi hiểu biết giáo lý
và nắm vững phương pháp thực tập là chìa khóa quan trọng nhất để nhập đạo.
Pháp
bảo, ngoài những lời dạy của Đức Phật còn có ý nghĩa thâm diệu là chân lý, thực
tướng, pháp thân. Do vậy, sự cúng dường pháp cao cả nhất là phát tâm Bồ đề,
hành Bồ tát đạo cho đến ngày giác ngộ, thành tựu trí tuệ, chứng ngộ chân lý,
thể nhập Pháp thân. Sau khi giác ngộ, đem từ bi và trí tuệ làm lợi ích cho vô
lượng hữu tình.
Cúng
dường Pháp bảo có ý nghĩa rất sâu rộng và đa dạng như thế, thiết nghĩ người con
Phật nào, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tùy duyên có thể thực hành được.
Cúng dường Pháp bảo là sự chia sẻ trí tuệ và kinh nghiệm giác ngộ, giúp cho mọi
người tìm ra con đường diệt khổ, đem đến hạnh phúc an vui không chỉ trong hiện
tại mà cả tương lai. Vì lẽ đó, cúng dường Pháp bảo được ca ngợi là tối thượng.
Nguồn tin: theo giacngo.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự