Đề
tài tôi nói hôm nay có tên hơi dài một chút Người tìm leo núi chỉ có bản đồ,
không người hướng dẫn. Trong đây tôi chia làm sáu mục:
1.
Học bản đồ:
Ở
đây nói người tìm leo núi vì chưa bao giờ họ thấy núi, nên khao khát muốn thấy
ngọn núi, leo tận tới đỉnh để thỏa mãn sự mong muốn của mình. Nhưng vì ở đồng
bằng không có núi, cũng không có người hướng dẫn, chỉ có tấm bản đồ. Nương theo
bản đồ và được một người giảng cho họ biết vị trí của ngọn núi cách thành phố
bao xa, ở tỉnh nào v.v…
Tuy
nhiên, người giảng ấy cũng chưa chắc đã leo tận đỉnh núi, nhiều khi họ học
trong sách vở, bản đồ rồi giảng cho người chưa học nghe. Sự thật bản thân họ
cũng chưa từng leo núi lần nào.
Tôi
tạm thí dụ cụ thể như một người ở miền Tây, nghe nói ở Vũng Tàu có hai ngọn
núi, một là núi lớn, hai là núi nhỏ. Nghe vậy, họ ước mơ làm sao ra Vũng Tàu
leo lên tận ngọn núi lớn, tận ngọn núi nhỏ để nhìn ra biển cho thỏa lòng khao
khát. Khi đó gặp người có sẵn bản đồ, họ giảng cho biết nếu ở miền Tây muốn đi
ra Vũng Tàu leo núi, thì phải đi từ miền Tây lên thành phố, rồi từ thành phố đi
ra Vũng Tàu… Giảng rõ như vậy, người kia chịu khó học, nhưng khi đi nếu không
có người hướng dẫn thì phải đem theo tấm bản đồ. Vừa đi vừa dọ dẫm, đó là chặngthứ nhất của người leo núi.
2.
Nhắm đúng hướng:
Người
leo núi tuy có sẵn bản đồ trong tay, nhưng không có người hướng dẫn, nếu biết
nhắm đúng hướng thì không sợ lạc đường. Ví dụ từ miền Tây lên thành phố, tới
cầu Bình Điền lên dốc cao nhìn về hướng Đông Nam, thấy có những ngọn núi xanh
xanh xa tí mù, họ bảo đó là núi Vũng Tàu. Khi xe xuống dốc hết thấy núi, lại
phải chạy vô thành phố, qua bao nhiêu ngã ba ngã tư, nếu không khéo họ sẽ bị
lạc. Cho nên tuy có một lần thấy núi nhưng chưa chắc đi được tới núi.
3.
Kiên nhẫn:
Khi
ra khỏi thành phố đi thẳng về Vũng Tàu mà không lạc, đó là có duyên phúc lắm.
Tới khoảng gần Bà Rịa thì thấy rõ núi Vũng Tàu, không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy
thấy rõ núi nhưng với vị trí của họ còn cách mấy chục cây số nữa mới tới, chớ
không phải thấy là tới liền. Thấy rõ mà còn phải qua mấy chục cây số nữa mới
tới núi, đó là chặng thứ ba.
4.
Tới chân núi:
Xe
chạy tới chân núi rồi, khi đó họ phải xuống xe, đi bộ thẳng tới chân núi. Lúc
này tuy đã đứng dưới chân núi, nhưng vẫn chưa leo lên núi. Cho nên chuyện tới
đỉnh còn phải qua nhiều giai đoạn, đòi hỏi sự cố gắng của người leo núi.
5.
Nỗ lực leo núi:
Bây
giờ bước sang giai đoạn nỗ lực leo núi. Từ dưới chân leo lên tới đỉnh núi, phải
đổ mồ hôi ướt áo mới tới được. Trên đường càng phải theo dõi sát với bản đồ để
không lạc đường. Bởi trên núi cây rừng um tùm chắn lối rất khó đi, lại thêm
nhiều đường mòn quanh co, không khéo người leo núi sẽ loanh quanh lẩn quẩn mãi
không tiến lên được. Vượt qua hết những chướng ngại ấy là leo lên tới đỉnh núi,
thấy trời biển bao la, cảnh trí tươi mát, thỏa mãn được nguyện vọng bấy lâu
nay. Đây là giai đoạn hoàn tất quá trình leo núi.
6.
Tới đỉnh núi:
Tới
được chót đỉnh rồi, tận hưởng gió mát trong lành, mây nước thênh thang, cảnh
vắng lòng yên, không ồn ào náo nhiệt bụi bặm như dưới thành thị, mới thích thú
làm sao! Khi hưởng được sự an lạc như thế, chợt nghĩ đến nhiều bạn bè người
thân muốn được leo núi như mình. Vì vậy người này trở xuống núi, trở về hướng
dẫn bạn hữu cùng ra Vũng Tàu, leo núi với họ.
Đó
là sáu chặng đường tôi nói về “Người tìm leo núi chỉ có bản đồ, không người
hướng dẫn”. Bây giờ hợp pháp, học bản đồ dụ cho người tu Phật chúng ta. Ai tu
Phật cũng đều nghĩ tới mục đích cuối cùng là giải thoát sanh tử. Muốn giải
thoát sanh tử thì phải nhận ra nơi mình có pháp thân bất sanh bất diệt. Kinh
Hoa Nghiêm gọi là ngọn núi Diệu Phong. Như vậy đầu tiên chúng ta phải học bản
đồ, học về vị trí ngọn núi đó ở đâu. Đó là lúc chúng ta bắt đầu học kinh,
để biết người tu muốn tiến tới giải thoát phải thế nào? Hiểu cho rõ biết cho
rành đó là chặng thứ nhất.
Đến
chặng thứ hai học kinh rồi, đã nắm vững bản đồ, mình còn biết hướng tu, tức
hướng đi đúng. Bởi đúng nên bỗng dưng có một phút giây nào đó mình lóe sáng
lên. Khi lóe sáng dụ như người lên dốc cầu Bình Điền nhìn xa xa thấy núi Vũng
Tàu. Thấy thì thấy nhưng trên đường đi còn rất xa, có thể mình sẽ bị lạc lối
nếu không cẩn thận. Chỗ này chúng ta cần lưu ý. Nhiều người tự sáng, rồi tưởng
sáng đó là xong, nhưng không ngờ còn xa vời lắm. Bởi trên đường có nhiều khúc
quanh nhiều lối tẽ, cần phải dè dặt chớ không thể thấy như vậy là xong việc. Thấy
núi mà chưa chắc là đến núi được.
Tới
chặng thứ ba là đứng nơi chỗ trống, như ở Bà Rịa nhìn qua núi Vũng Tàu thấy núi
rất rõ. Tuy thấy rõ nhưng vẫn còn cách núi một khoảng. Cũng vậy, khi tu công
phu khá ta nhận ra nơi mình có cái chân thật không còn nghi ngờ, như người đã
thấy núi trước mắt. Trong nhà thiền gọi đây là kiến tánh, tức thấy rõ mồn một
cái mình cần thấy. Ở đây nói “thấy” là tôi tạm dùng chữ, chớ đúng ra là nhận được
không nghi ngờ gì nữa. Như người đứng xa vài chục cây số thấy rõ chót núi,
đường lên núi có những tảng đá hay cây xanh. Thấy rõ nhưng chưa phải đến núi. Người
tu kiến tánh chỉ được không còn nghi thôi, chưa phải rồi việc.
Tới
chặng thứ tư, đến chân núi mà chưa leo lên núi. Chúng ta tu nhận ra được bản
tánh chân thật của mình không còn ngờ vực gì nữa, nhưng công phu chưa xong. Bây
giờ phải cố gắng tiến tu, hôm nào công phu tạm được, giống như người đã đến
dưới núi. Chân đạp trên những hòn đá dưới chân núi, chớ chưa phải đến chót núi.
Như vậy cũng chưa xong, còn phải leo lên tận chót núi. Cũng thế, chúng ta tu
khi thấy được nơi mình có cái chân thật không ngờ vực và sống được với nó phần
nào, gọi là người đã đạp trên đất thật, nhưng chưa phải rồi việc, còn công phu thêm
một giai đoạn khá mệt nữa mới được.
Tới
chặng thứ năm là leo đến đỉnh núi. Từ khi đạp được đất thật rồi, mình biết rõ
công phu đã tiến không lầm, nhưng không dừng ngang đó mà phải cố gắng nỗ lực
hơn. Mọi thứ phiền não vi tế đều gột sạch, tâm hoàn toàn thanh tịnh sáng suốt,
giống như người leo đến đỉnh núi. Bấy giờ sở nguyện đã mãn, trong nhà thiền gọi
là nhập Phật quốc, tức mục thứ chín trong mười mục chăn trâu. Song nếu ta hài
lòng ở đó, mặc tình ngắm mây ngắm biển, như vậy chỉ lợi cho mình, còn bao nhiêu
bạn bè thân thuộc ao ước được như mình, mà chưa có cơ hội. Vì vậy tới đây phải
tiến thêm một chặng nữa.
Chặng
thứ sáu, từ trên chót núi ta trở xuống, dẫn bạn bè cùng leo núi với mình. Giai
đoạn này chỉ cho người khi đạt đạo rồi, phiền não hết sạch thì trở lại trong
bụi trần dìu dắt hóa độ chúng sanh. Đó là mục thứ mười của mười mục chăn
trâu.
Công
phu tu tập cho đến chỗ cứu kính viên mãn phải trải qua nhiều giai đoạn như thế.
Bởi vậy chúng ta mới hiểu chư Tổ khi ngộ đạo rồi, các ngài cũng phải mấy mươi
năm ở yên một chỗ để thực hành công phu cho xong. Trên đường tu chúng ta chớm
thấy một hai cái sáng, tưởng đó là đủ thì lầm. Phải tới chặng thứ sáu mới vuông
tròn, mới xong bổn phận.
Tôi
mượn hình ảnh “người tìm leo núi, chỉ có bản đồ không người hướng dẫn” để dụ
cho sự tu hành của chúng ta. Hiểu rõ như thế mình mới không lầm lẫn, chớ nhiều
khi người có bệnh tự mãn, tu chưa đến nơi mà đã cho là xong việc. Đó là tai hại
khiến công phu mình lui sụt, do đó trên đường tu tất cả phải cẩn thận.
Nhân
tiện đây, tôi nhắc nhở cho Tăng Ni nắm rõ tinh thần tu tập của Thiền viện. Bởi
vì có hai trường hợp thường xảy ra: Thứ nhất, những vị ở Thiền viện lâu quá thì
sanh lờn, quên mục tiêu ban đầu của mình nên tu hành giải đãi. Thứ hai, một số
vị mới tới, ít có cơ hội nghe chúng tôi giải thích kỹ, nên không nắm vững tinh
thần tu học của Thiền viện. Do đó hôm nay tôi nhắc lại cho người cũ nhớ thêm,
người mới hiểu rõ tinh thần tu học ở Thiền viện.
Trước
kia bản thân tôi đã từng học qua trường lớp của Phật giáo, cũng đã từng dạy từ
tiểu học, trung học cho tới cao học Phật giáo. Nhưng tại sao tôi lại không chủ
trương mở lớp dạy giáo lý cho Tăng Ni Phật tử hiểu đạo, mà lại chủ trương lập
Thiền viện để tu? Đó là chỗ tôi muốn nói cho tất cả Tăng Ni hiểu rõ.
Bởi
vì sau khi qua những trường lớp, tự bản thân mình học rồi dạy người khác học,
tôi thấy rất rõ những ưu khuyết điểm của việc này. Trong nhà Phật có tam tuệ
học là Văn, Tư, Tu. Văn tuệ và Tư tuệ là hai yếu tố đầu, nếu người nào muốn
hiểu đạo Phật phải bắt đầu từ đó. Văn tức là nghe, nghe có nghĩa là học. Cho
nên ở thế gian người ta dùng từ đa văn tức là học rộng. Chữ văn có nghĩa là
học, nhưng không phải học để trả bài mà còn phải suy gẫm nữa. Bởi lời Phật dạy
không đơn giản như những môn học thế gian, chỉ cần học thuộc lòng công thức đó
mình có thể làm được những bài toán.
Ở
đây, học rồi phải suy gẫm mới hiểu. Ví dụ Phật dạy chúng ta phải quán các pháp
vô thường. Nói các pháp vô thường ai cũng hiểu, nhưng muốn thâm nhập nó, ta
phải quán như thế nào? Đầu tiên là quán thời gian. Một ngày vừa thức giấc chúng
ta thấy sáng rồi tới trưa, chiều, tối. Ngày nay chuyển biến như vậy, ngày mai
cũng chuyển biến như vậy, thời gian không dừng ở một điểm nào hết, nên nó vô
thường. Chỉ biết thời gian vô thường thôi chưa đủ, phải xét tiếp thời gian vô thường
đó có ảnh hưởng đến con người chúng ta không?
Con
người sanh ra, lớn lên, từ thiếu niên thành thanh niên rồi tới trung niên, lão
niên, cứ nối tiếp thay đổi chớ không ai ở mức thiếu niên hay trung niên hoài.
Như vậy, con người cũng bị thời gian chi phối. Thời gian là một dòng chuyển
biến vô thường, bản thân chúng ta cũng là một dòng chuyển biến vô thường. Đến
sự vật cũng thế, như ta trồng cây, lúc mới trồng là cây con, lần lần cây lớn
lên rồi tới già, tới rụi và cuối cùng cây chết. Chúng ta nhìn tất cả sự vật đều
như thế.
Quán
cho thật thấu đáo rồi, mới thấy con người đang sống trong sự xê dịch vô thường.
Từ ngoại cảnh cho tới bản thân, luôn luôn chuyển biến không dừng. Xét kỹ như
thế, mình mới thấy Phật nói lý vô thường thật hay, thật chí lý. Chớ chỉ nói
suông vô thường là thay đổi, không có sự suy tư của mình, thì chưa thể thấu đáo
được lý vô thường.
Khi
đã biết thân vô thường, cảnh vô thường, thì có gì để tham? Con người tham vì
nghĩ cái mình thích còn mãi, nay đã biết nó là vô thường, thì tham chi nữa. Do
thấy được lẽ thật ấy nên lòng tham tự nhiên giảm, đó là tu rồi. Hoặc khi nghe
ai vừa chửi mình một câu, ta nổi giận liền nhớ thân này mai mốt cũng chết, giận
mà chi? Nhớ thế thì bớt giận. Còn mình nói tôi đường đường như vầy mà dám chửi
hả, đó là ngã mạn, tức nhiên lòng sân tăng trưởng. Cho nên Tư tuệ là thấy được chân
lý từ chính sự suy gẫm của mình tức là thấy được lẽ thật, tu mới dễ.
Người
tu do tưởng tượng sẽ không tu được lâu dài, vì tưởng tượng đâu có đúng sự thật.
Ví dụ người thế gian thấy quí thầy có vẻ thong thả, tới lui tự tại không có
ràng buộc gì hết, nên nghĩ ở trong chùa chắc sướng? Tưởng tượng như thế liền
xin vô chùa. Khi đã vô chùa, thấy sao cũng có nhiều điều phiền toái, mất tự do,
không được như ý, lại nghĩ không chừng ra ngoài sướng hơn. Đó, cứ như vậy mà
đổi chỗ hoài, nhảy vô nhảy ra lăng xăng lộn xộn cả đời không đi tới đâu hết. Cho
nên khi tu là phải suy gẫm cho thật đúng lý Phật dạy. Hiểu tột lý rồi việc tu
mới dễ tiến.
Lý
vô thường đơn giản nhất, cụ thể nhất, hiểu được cho đến nơi là chúng ta tu cũng
đã khá rồi, huống nữa là thấu triệt lý nhân duyên, lý vô ngã v.v… hay biết
chừng nào. Thế nên bước đầu của người tu, Phật dạy phải văn. Văn tức là nghe,
học, kế đó phải tư. Học không chưa đủ mà phải suy gẫm. Nên học là để tu chớ
không phải học suông. Vì vậy trong nhà Phật có vô lượng pháp môn là tùy theo
căn cơ tu tập của chúng sanh khác nhau mà có. Mỗi một pháp môn tức là một lý
thật Phật dạy cho mình thấy, thấy được lý thật đó là có được một pháp môn tu.
Quán vô thường là một pháp môn, quán nhân duyên là một pháp môn v.v… Cho nên
học để tu, đó chính là tinh thần của Thiền viện.
Tăng
Ni ở các Thiền viện học mấy năm cũng không có lên lớp. Học mười năm, hai mươi
năm cũng cứ học để hiểu, hiểu để tu, chớ không có phát bằng cấp nào cả. Chúng
ta nhớ hồi thời đức Phật, có tiểu học, trung học, đại học gì đâu? Khác chăng là
người tu chưa chứng và người đã chứng thôi. Chưa chứng gọi là hàng hữu học, đã
chứng gọi là hàng vô học. Thành ra học đạo mà còn kẹt cấp bằng là một chuyện
hết sức đáng buồn.
Chính
những năm tôi từng chấm thi, tôi rất buồn, vì thấy dường như người lớn gạt kẻ
nhỏ. Bởi học rồi tới thi, cả năm bài vở nhiều quá làm sao nhớ hết. Mà thi thì
tâm trạng Tăng Ni sinh luôn luôn sợ rớt. Rớt thì không được lên lớp nữa, thành
ra họ phải cố gắng làm sao cho đậu. Nếu không thuộc bài phải tìm cách làm bài
được, cách đó là cách gì? Là nhét tài liệu vô túi, vô cặp, chép lên bàn để
quay. Như vậy người học đạo để tu, mà bây giờ lại thành mưu đồ gian lận, còn gì
ý nghĩa của sự tu hành nữa! Chính điều này làm tôi hết sức đau lòng. Mình dạy
là để người ta tu, bây giờ vô tình mình tạo điều kiện cho người ta gian lận,
tức là hết tu rồi. Vì thế thời gian dạy học các trường, các lớp, tôi cảm thấy
rất buồn. Tôi không thích điều đó. Tôi muốn làm sao người học đạo, thật sự
thuần túy là học đạo, chớ không kẹt danh, kẹt lợi như thế.
Do
đó tôi thành lập Thiền viện, bắt Tăng Ni học thì cứ lên lớp học. Hiểu thế nào
trình bày lại cho đại chúng nghe thế ấy, trao đổi kinh nghiệm tu tập thêm. Mấy
năm cũng như mấy năm, cứ học tới hoài, không nói năm nay vị đó đã mãn cấp trung
học, sẽ thi tuyển cấp đại học v.v… Học Phật để hiểu giáo lý cho thâm sâu rồi
tu. Mà muốn hiểu giáo lý thâm sâu thì phải Tư, không Tư thì không hiểu sâu
được. Chúng ta nhớ trong kinh Phật thường hay dạy các thầy Tỳ-kheo thường phải
tìm nơi vắng vẻ, ngồi dưới cội cây để suy tư, hay là chánh tư duy những pháp Phật
dạy. Nhờ tư duy đó mà các thầy hiểu sâu.
Tôi
thấy một số thầy ngày nay rất đáng buồn. Học xong rồi nhóm lại nói chuyện bên
Đông bên Tây, không tư duy gì hết, do đó không thấm, không thưởng thức được
pháp vị chân thật của Phật dạy. Học lối trả nợ, rảnh ngồi nói dóc với nhau, rồi
cười giỡn, không để phút giây nào yên tĩnh ngồi suy tư, bao giờ mới thấu hiểu
lời Phật dạy. Không hiểu Phật dạy thế nào nên cũng không biết ứng dụng tu ra
sao. Thử hỏi như vậy có đáng buồn không? Bây giờ ngoài thời gian lao động ra,
khi nào rảnh, thiếu gì những gốc cây, cây đào, cây tùng, cây vú sữa… Có rất
nhiều chỗ ngồi, mấy huynh đệ ngồi một mình gẫm lại những lời Phật dạy. Gẫm như vậy
gọi là suy tư, thấu hiểu thật chí lý lời Phật dạy, mới thấy hay.
Tôi
ngày xưa lúc ở chùa Phật Quang được học kinh Lăng Nghiêm. Học rồi tôi suy gẫm
thấy quá hay. Những buổi khuya tôi thường dậy trước giờ thức chúng, ngồi học
một mình. Đọc xong đoạn kinh nào rồi, tôi xếp sách lại suy gẫm lời Phật dạy,
thấy hay quá. Mấy chục năm ở ngoài thế gian chưa từng nghe được những lời như
vậy, bây giờ mới được nghe, tự nhiên tôi xúc động rơi nước mắt. Tôi nghĩ nếu
mình không gặp Phật pháp thì chẳng biết thành cái gì, suốt một đời sống vô
nghĩa. Như chúng ta thấy con người sanh ra rồi lớn lên, lo ăn học, kế có gia
đình, có con, nuôi con. Khi con lớn khôn là mình sửa soạn già chết. Mà chết đã
yên đâu, còn sự quyến luyến vợ con, tiền bạc nên trở lại nữa. Cứ như vậy đáo đi
lộn lại trầm luân muôn kiếp.
Bây
giờ chúng ta được học giáo lý chân thật, nhận biết ngoài cuộc sống bình thường,
con người còn có một lý tưởng cao siêu vượt hơn tất cả, tự nhiên mình thấy tâm
hồn siêu thoát. Từ đó mới ý thức giá trị của sự tu là quí, nếu không hiểu như
vậy, tu một lúc sao thấy thường quá. Rồi cũng ăn, cũng mặc, cũng cười, cũng
giỡn, cũng đi chơi như ai, cuối cùng không ý thức được giá trị của sự tu hành
chút nào hết.
Vì
vậy quí vị nên có những phút giây yên tĩnh để suy gẫm về pháp. Suy gẫm thấy hay
mới ứng dụng tu. Như chúng ta ai cũng có ba độc chứa sẵn trong người. Ba độc là
tham, sân, si. Có người nghe ba độc, học hiểu ba độc và giảng được ba độc nữa.
Nhưng thiếu tu nên ai vừa chọc tới liền nổi sân đùng đùng. Như vậy Văn, Tư chỉ
là phương tiện bước một bước hai, mà kết quả thành tựu tốt hay không là yếu tố
thứ ba Tu.
Hồi
xưa thời của chúng tôi, do nhu cầu truyền bá Phật pháp đòi hỏi nhiều, nên chư
tăng học rồi phải đi giảng dạy ngay, không có thì giờ tu. Bấy giờ tôi tự an ủi
mình rằng, ráng dạy một thời gian để đền ơn Thầy Tổ. Thật tình tôi không bằng
lòng làm một cái máy phát thanh, cứ thâu vô bao nhiêu phát ra bấy nhiêu, không
đi tới đâu hết.
Trong
kinh Hoa Nghiêm có một đoạn rất hay. Khi Thiện Tài đồng tử hỏi vị thiện tri
thức nếu chỉ nghe, hiểu đạo thôi có đủ chưa? Thiện tri thức giải thích ví như
có người đi trên bãi sa mạc vào lúc trưa hè, lại không đem theo nước. Bấy giờ
khát nước cháy cổ, người kia muốn tìm chút nước uống cho đỡ khát, nhưng không
biết tìm ở đâu? Bỗng đằng xa có một người đi lại, anh này liền hỏi: “Thưa anh,
chỗ nào có giếng, có bóng mát xin chỉ dùm, tôi khát quá”. Người kia bảo: “Anh tới
ngã ba, rẽ bên phải, đi một đỗi nữa sẽ có bóng mát, bên cạnh gốc cây ấy có một giếng
nước”. Anh chàng khát nước cháy cổ nghe nói thế mừng quá, nhưng chưa đi tới đó
thì hết khát nước không? Như vậy nghe nói, hiểu rõ còn phải đi tới nơi, vốc
nước lên uống, chừng đó mới hết khát.
Cũng
thế, nếu chúng ta chỉ học là Văn, rồi hiểu là Tư mà thiếu Tu thì không đi tới
đâu, vì khổ của phiền não vẫn chưa hết. Cho nên có nhiều vị Giảng sư giảng thao
thao bất tuyệt, mà lâu lâu đùng một cái ra đời. Hỏi tại sao thầy giảng hay quá
mà ra đời? Là vì thiếu tu, cũng như khát nước nhưng chưa uống được thì vẫn cháy
cổ như thường.
Tu
giống như nghe chỗ bóng mát, có giếng nước, mình đang đi tới đó. Trong lúc đang
đi cũng vẫn khô cổ như thường? Chừng nào đi tới đích, thưởng thức được vị mát
của nước rồi mới hết cháy cổ. Hiểu như vậy mới biết đạo lý chân thật không cho
phép chúng ta nói suông mà phải thực hành, có hành mới thấy giá trị của sự
tu.
Hồi
xưa Phật còn tại thế, nhiều thầy Tỳ-kheo khi đắc đạo rồi rất vui mừng, vì thấy
cuộc sống hết sức cao cả. Người tu đáng để cho thiên nhân cúng dường mới gọi là
Ứng cúng. Bởi có tu mới thấy đạo pháp quá cao siêu, không phải tầm thường lẩn
quẩn trong vòng sanh tử luân hồi. Còn chúng ta bây giờ tu hơi yếu. Hồi mới phát
tâm thì mạnh, ở chùa lâu sanh lờn, kế đó yếu dần rồi thối tâm luôn.
Cho
nên học là phương tiện đầu. Thầy giúp cho chúng ta hiểu, nhưng hiểu sâu là phải
do công phu suy tư của mình. Kế đến tu được cũng là công phu của mình, chớ thầy
không làm hai việc sau được. Đạt chân lý là mình, rồi thực hành đến nơi đến
chốn cũng do mình. Hai việc sau đòi hỏi mỗi người phải cố gắng, chớ thầy không
làm thế được.
Như
vậy tinh thần tu học của Thiền viện là tạo điều kiện cho Tăng Ni nghe, suy gẫm,
còn tu là phần của quí vị. Ở đây tôi thường hay nhắc chúng ta không chỉ tu
trong giờ tọa thiền, tụng kinh mà giờ nào cũng phải tu hết. Hoặc ta ngồi chỗ
riêng vắng, suy gẫm lại lời Phật dạy, đó gọi là chánh tư duy. Hoặc khi ngồi
chơi chỗ thanh vắng, nhìn thấy những luồng vọng tưởng dấy khởi, mình biết rõ
không thèm chạy theo nó, đó là tu. Hoặc do suy gẫm, thấy được lẽ thật nơi mình,
nhìn tất cả trò ảo hóa mình cười thôi, không có gì quan trọng hết, đó là
tu.
Quí
vị nhớ nhiều người ngồi tán dóc thì khó tu lắm. Ban đầu cũng nói chuyện tu hành
hoặc chuyện học kinh. Nhưng nói một hồi lảng qua chuyện khác lúc nào không hay.
Thế là chuyện bên Tây bên Tàu, chuyện tiếu lâm, chuyện vui cười rùm lên. Hết
nhóm này vui cười, tới nhóm khác vui cười, rồi cả liêu ồn náo, không có chút
yên tĩnh. Phật tử tới chùa nghe trong liêu quí thầy ồn náo, họ vui không? Họ
đánh giá ra sao? Quí thầy đang tu hay quí thầy đang giỡn?
Phật
tử tới chùa thấy quí thầy rảnh rang, mỗi vị ra ngồi dưới cội cây, gương mặt
thanh thản cười mỉm. Thấy quí thầy sống hết sức thanh tịnh, tự tại, người ta
mới quí kính. Chớ còn ngồi dụm ba dụm bảy cãi nhau hoặc nói chuyện tàu lau rồi
cười, thì ai mà quí kính được! Không phải mình tu làm tướng cho Phật tử thương
cúng dường, nhưng mình phải thật sự sống trong chánh tư duy, suy gẫm về chân
lý. Như vậy mới đúng ý nghĩa người tu, vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho tất
cả mọi người. Đó là điều tôi muốn nhắc tất cả Tăng Ni nhớ, ứng dụng tu có kết quả
tốt đẹp cho bản thân và tập thể.
Những
năm ở Chân Không, tôi rất bằng lòng về việc tu học của chư tăng. Trước tiên tôi
tạo điều kiện cho chư Tăng tu học thuận lợi về mọi mặt. Sau ba năm học, quí
thầy có khả năng được nhập thất đôi ba năm rất yên tĩnh. Mọi sự lo lắng bên
ngoài đều được chu toàn. Người tu mà đa đoan bận bịu nhiều việc quá tu khó
tiến. Những lúc ta rảnh rang chỉ chuyên làm một việc thì mức tiến thấy vượt bực
rõ ràng. Như vậy Tăng Ni mới có đủ lòng tin rằng không tu thì thôi, chớ có tu
là có tiến.
Tôi
tự thấy mình có trách nhiệm là kẻ đi trước, phải làm sao hướng dẫn người đi sau
đừng lòng vòng uổng đi một đời tu. Nếu căn cứ trên lịch sử Phật giáo thì thời
nào có những vị Tăng Ni tu hành ngộ đạo, thời đó là thời thịnh hành của Phật
giáo, chớ không phải đông người tu là thịnh. Ví dụ gần nhất là cuối thế kỷ mười
tám, ở Huế chỉ có Thiền sư Liễu Quán là một vị tăng Việt Nam tu ngộ đạo, mà đến
bây giờ ở Huế cũng như trong Nam vẫn còn hệ phái Liễu Quán. Một người ngộ đạo thôi
mà đã kéo dài cả hai thế kỷ như vậy.
Do
đó muốn duy trì Phật pháp dài lâu phải có người tu thấy đạo, ngộ đạo. Chớ còn
Tăng Ni chỉ chú trọng trên lý thuyết hay cấp bằng thì đạo pháp khó giữ được bền
lâu. Do đó tôi nghĩ mỗi vị cố gắng tu, để mai kia sáng được lý đạo thì bản thân
mình xứng đáng một đời tu, mà đối với Phật pháp mình còn duy trì được lâu dài
nữa. Đó mới thật là người tu sĩ đủ tư cách đền đáp bốn ơn.
Vì
vậy cái học ở Thiền viện là học để tu. Sau thời gian học, chư tăng được nhập
thất, cố gắng tu để thấy rằng những gì Phật dạy chúng ta là sự thật. Kết quả tu
học có được chính là niềm tin vững chắc nơi quí vị. Tăng Ni tin chắc chắn rằng
nếu nỗ lực tu tập, nhất định có ngày mình sẽ thấy đạo, sống đạo và hành đạo
được như các bậc đã giác ngộ giải thoát. Đó chính là mục đích cứu kính của
người xuất gia chân chánh.
*Dưới
đây là Phật tử thưa hỏi thêm:
-
Kính bạch Thầy, mục thứ tư Thầy nói ở đây có phải là mục thứ chín của mười mục
chăn trâu?
-
Không phải.
-
Như vậy là mục thứ tám?
-
Cũng không hẳn. Vì mục thứ tám là không còn trâu, không còn chăn, đó là đứng về
mặt Tiểu thừa mà nói, người tu đến đây đạt quả A-la-hán, hết sạch phiền não.
Nhưng đứng về Thiền tông mà nói, tuy không còn trâu không còn chăn tức không
còn kẹt trong đối đãi, nhưng chưa phải rồi. Còn công phu nhiều nữa mới nhảy
khỏi đầu sào trăm trượng. Tới đầu sào trăm trượng thì trâu và chăn còn ở trên
đầu sào, khi nào nhảy khỏi đầu sào mới vào được Phật quốc. Nhảy phóc một cái
qua khỏi chỗ đó là chết sống chớ không phải chuyện thường. Cho nên nhiều khi
chúng ta tu dễ lầm lắm, tới chỗ nào đó mình tưởng đủ rồi, ngồi thảnh thơi ca
hát vui chơi, đó là không đúng.
-
Kính bạch Thầy, từ lâu con có thắc mắc về trường hợp các vị tu theo Tiểu thừa,
nói rằng chứng A-la-hán thì không còn ưu buồn. Nhưng trong sử nói ngài Mục Kiền
Liên đã là A-la-hán rồi, sau khi gặp mẹ bị thọ khổ hình trong kiếp ngạ quỉ,
Ngài vẫn khóc. Như vậy Ngài vẫn còn buồn?
-
Có hai trường hợp: Thứ nhất, đứng về mặt Tiểu thừa thì như thế là không đúng,
vì còn xúc động là còn hữu lậu. Thứ hai, đứng về mặt Đại thừa thì không có lỗi,
vì Bồ-tát còn khóc kia mà. Bồ-tát khi thấy chúng sanh khổ, mình không giúp được
các Ngài xót xa có khi khóc. Đó, huống nữa ngài Mục-kiền-liên thấy mẹ khổ mà
giúp không được, Ngài khóc là lẽ đương nhiên. Thành ra chúng ta hiểu theo cái
nhìn Nguyên thủy thì như vậy Ngài có lỗi, nên các sư Nguyên thủy nghi bản dịch
Hán tạng không đúng, không biết nguyên bản chữ Phạn thế nào? Nhưng với tinh
thần Đại thừa thì nói ngài Mục-kiền-liên, ngài Xá-lợi-phất chẳng qua chỉ mượn
hình thức Thanh-văn, để thực hành hạnh Bồ-tát. Cho nên gọi ngoại hiện Thanh-văn
nội biến Bồ-tát. Hiểu thế thì nói đúng cũng được, nói không trúng cũng được.
-
Thưa Thầy chỗ lậu tận của A-la-hán với chỗ vô tâm trong nhà thiền có giống nhau
không?
-
Cũng chưa giống nhau. Vì lậu tận của A-la-hán là các Ngài dứt sạch hết nghiệp,
không còn sanh trong tam giới nữa. Còn vô tâm của nhà thiền là không có tâm
phân biệt sanh tử, nhưng còn cái thể chân thật bất sanh bất diệt. Nên tuy không
có tâm sanh tử nhưng các Ngài vẫn lưu nguyện để đi trong sanh tử, thực hành tự
lợi lợi tha cho được viên mãn.
Hai
bên khác nhau. Một bên thì tới chỗ bặt hết mọi nghiệp chướng rồi an trú vô
sanh. Còn một bên tuy không có tâm sanh diệt nhưng còn thể chân thật. Tâm không
dấy động nữa mà vẫn khởi đại bi tâm phát nguyện đi trong sanh tử. Khởi đại bi
tâm phát nguyện tức là còn tâm, do còn tâm mới có thể đi trong sanh tử, nếu
không như thế làm sao độ chúng sanh? Cho nên chúng ta thường nghe nói chư
Bồ-tát hay lưu vi tế hoặc, trần sa hoặc để đi trong sanh tử, độ tận chúng sanh.
(Thiền Viện Thường Chiếu)
Tác giả bài viết: HT Thanh Từ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự