Thế
giới Niết bàn hoàn toàn đối lập với thế giới hữu hạn mà chúng ta đang sống.
Thật vậy, tất cả vạn vật hiện hữu ở thế giới Ta bà đều bị sự chi phối của định
luật vô thường, khổ, không, vô ngã, không thể khác. Loài người sống trong thế
giới sinh diệt cũng không thể thoát khỏi định luật này, gọi là sinh, già, bệnh,
chết.
Các loài thực vật cũng có bốn tướng là sinh, trụ, hoại, diệt và thế giới
cũng trải qua bốn giai đoạn là thành, trụ, hoại, không. Ví dụ trái đất của
chúng ta đang ở trong kiếp trụ và khi kiếp trụ chấm dứt, nó bắt đầu bị hư hoại.
Thực tế cho thấy loài người đang xả chất độc làm ô nhiễm không khí, sông biển,
đất đai, khai thác bừa bãi núi rừng, các túi dầu hỏa trong lòng đại dương, làm
thủng tầng ozone, tất cả những việc khai thác quá mức của con người đã gây ra
sự thay đổi thời tiết bất thường, lũ lụt, hạn hán, v.v… rõ ràng trái đất này
đang bị suy thoái. Đến một lúc nào đó, bước vào kiếp hoại, trái đất sẽ vỡ tung
thì tất cả thế giới hữu hình đều trở thành cát bụi và chuyển sang kiếp không
của vũ trụ.
Với
tuệ giác, Đức Phật quán sát thấy rõ tất cả vạn vật đều chịu sự chi phối của vô
thường và con người khổ đau chỉ vì muốn mọi thứ thường còn. Căn bản nhất, Phật
dạy ngũ uẩn thân làm chúng ta khổ, vì bản chất của thân ngũ uẩn vốn là vô
thường nên mới bị định luật vô thường chi phối. Phật dạy các Tỳ kheo tu hành
phải xả ngũ uẩn, nghĩa là không để vướng mắc với thân này, chỉ cung cấp cho
thân những nhu cầu tối thiểu để giữ mạng sống, không đáp ứng vô điều kiện cho
nó và không tạo thêm nghiệp ác của thân. Không chấp thân và sở hữu của thân, hay
không chấp ta và sở hữu của ta, sẽ đạt được vô ngã. Và đạt được vô ngã là có
Niết bàn.
Tỳ
kheo thể nghiệm sự vô ngã, nên không lập gia đình, tức xuất thế tục gia, không
còn vướng bận nhà cửa, nếp sống hữu hạn của gia đình theo thế nhân. Bỏ được những
thứ này giúp cho tâm chúng ta nhẹ bớt. Phật dạy Tỳ kheo chỉ có một bát, một ca
sa, ăn uống đơn giản, sống phạm hạnh, đầu đà, để không lo giữ gìn tài sản, tâm
không bị kẹt vào vật chất sở hữu, tâm được thanh thản.
Về
sau, chư vị Tổ sư dạy rằng tuy không có sở hữu vật chất, nhưng thầy trụ trì
phải giữ gìn của Tam bảo để có phương tiện giúp cho đại chúng tu hành. Thật sự,
gánh vác việc này, trụ trì cũng bận tâm lắm, mà vô tâm để hư hỏng hay đánh mất
của Tam bảo lại phạm tội.
Khi
sở hữu cá nhân không có, thì ham muốn, bực tức, giận dữ, si mê…, tức những tánh
xấu cũng không có. Nhưng vì các thầy trụ trì, hay thầy tri sự phải giữ gìn, bảo
vệ của Tam bảo nên thất thoát cũng buồn khổ. Và các thầy xây dựng chùa cũng khổ
vì có chùa. Vì vậy, tuy xuất gia mà họ không thoát khỏi phiền não, nghiệp
chướng; chúng ta nên khởi tâm thương những người này.
Trên
bước đường tu, hướng đến Niết bàn, cần dứt bỏ bốn tánh: buồn, giận, sợ, lo.
Riêng tôi, thường quán tất cả pháp do nhân duyên sinh diệt, nên thấy mọi việc
bình thường. Trong duyên sinh, tự nó phát triển và trong duyên diệt, mọi việc
tự chấm dứt.
Thí dụ quán sát một triều đại, một ngôi chùa, thấy rõ sự tồn tại, hưng
suy, đều tùy thuộc vào sự vận hành của pháp sinh diệt; vì thế, chúng ta không
vướng mắc, buồn phiền, lo lắng. Điển hình là Hòa thượng Thanh Từ miên mật tu
hành, không bận tâm xây chùa, nhưng nhiều ngôi chùa trang nghiêm được hoàn
thành tốt đẹp nhờ công đức của Hòa thượng.
Hành
giả bước theo dấu chân Phật, trước nhất phải từ bỏ sở hữu vật chất và kế tiếp
là đoạn trừ phiền não trong tâm bằng cách quán vô thường, khổ, không, vô ngã.
Để đạt được vô ngã, bước thứ nhất vào đạo, hành giả hướng đến Niết bàn phải
thâm nhập Sơ thiền, được ly sanh hỷ lạc.
Sống với ly sanh hỷ lạc, hành giả
không tìm nguồn vui lệ thuộc vào sự vật bên ngoài; vì vui theo vật chất càng
nhiều càng khổ, có cái vui nào mà không tàn. Thú vui do vật chất, do nhà cao
cửa rộng, do ăn ngon mặc đẹp, do người khác mang đến… thì khi người và vật sở hữu
mất rồi sẽ khổ. Niềm vui lệ thuộc vào vật chất luôn dẫn đến nỗi buồn tiếp theo
là thế.
Nguồn
vui trong lòng chúng ta thì không bao giờ mất. Và an trụ được nguồn vui của nội
tâm, chúng ta có được tự thọ dụng thân khác với tha thọ dụng thân. Sống với tha
thọ dụng thân nghĩa là sự sống luôn bị ràng buộc bởi thân vật chất, đơn giản nhất
là phải ăn uống, ngủ nghỉ.
Nhưng đối với người tu, nhất là người được ly sanh
hỷ lạc thì ăn uống ngủ nghỉ không thể bức ngặt thân tâm họ; vì họ đã hoàn toàn
chủ động bốn thứ này. Với tha thọ dụng thân, ngoài sự lệ thuộc vào thân vật
chất, người ta còn chịu sự chi phối của gia đình, bạn bè, xã hội, thiên nhiên.
Tập
sống vui với nội tâm bằng cách vui nghe pháp, vui suy nghĩ lời Phật dạy, lời
của Tổ và nhận ra những tinh ba làm cho chúng ta thích thú, mỉm cười. Đó là
nguồn vui từ trong lòng hiện ra tạo thành Pháp thân, hay tự thọ dụng thân của chúng
ta. Dù tu theo Phật giáo Nguyên thủy hay Bắc tông đều phải được thành quả như
vậy.
Các thiền sư ẩn cư trong núi rừng, tràn đầy sự hỷ lạc của nội tâm, mới
sống thanh thản được. Và từ cuộc sống nội tâm được phát huy, bỏ lần vật chất
phía sau, đến lúc có tự thọ dụng thân hay đời sống tâm linh thật sự là bước thứ
hai, quên mất thân vật chất này, cũng như không bị hoàn cảnh bên ngoài tác
động. Riêng tôi, sống với tư duy pháp Phật, mới cảm nhận rằng “Nghiệp chướng
nhiều đời bỗng lắng yên”.
Sống
với hoàn cảnh bên ngoài, nên thích việc này, ghét việc nọ, làm chúng ta khổ.
Nhưng bỗng đến một lúc nào đó, phiền não không sanh khởi, tâm trí lắng yên đến
độ mạng sống cũng quên. Ý này được Duy Ma dạy rằng đem mạng sống ngắn ngủi của con
người đổi lấy mạng sống vô cùng như Phật Di Đà gọi là Vô Lượng Thọ.
Còn chúng
ta chỉ có mạng sống giới hạn, nhưng theo bước chân Phật, nhận chân được mạng
sống vô cùng và sống với mạng sống rất quý báu này, nên có tâm trạng ly sanh hỷ
lạc. Nói cách khác, trên bước đường tu, sử dụng mạng sống ngắn ngủi, sinh diệt,
chứng được vô sanh, quên cả tuổi tác, thời gian, vui buồn vinh nhục của cuộc
đời.
Được như vậy, đã chuyển đổi ngũ uẩn thân thành Pháp thân thì “Tâm họ là
Thiền, thân làm giống Phật, giảng pháp chân thật, khai thị nhứt thừa, được Phật
xoa đầu và trao y bát”. Đạt thành quả này là đạt được vô ngã, sống được với
mạng sống vô cùng của chính ta; người khác trông thấy sinh tâm kính mến và phát
tâm tu theo. Trái lại, nếu người không chấp nhận, không quý mến, mà bực bội,
buồn phiền là sai lầm lớn, vì đã tu trên ngũ ấm ma, lạc vào đường tà mà cứ
tưởng là đúng.
Tu
đúng pháp, từng bước chân dẫm lên Tịnh độ hay Niết bàn, nghiệp chướng chúng ta
lắng yên thì trần duyên thuận nghịch tâm không thiết. Thật vậy, đối trước cảnh
thuận hay nghịch cũng không sao; vì đang sống với vô sanh, nên cảnh sinh diệt không
quan trọng đối với chúng ta. Một vị thiền sư Nhật Bản nổi tiếng với hai chữ
“Thế à”.
Ông đã thành tựu pháp vô sanh, dòng sinh diệt không thể tác hại tâm
ông. Một phụ nữ đem con đưa cho ông với lời bịa đặt rằng đó là con của ông. Ông
bình thản nói “Thế à” và nhận nuôi đứa trẻ này. Một thời gian sau, đứa bé lớn
lên, người phụ nữ này dẫn chồng đến đòi lại con. Ông lại bình thản nói “Thế à”
và giao trả đứa bé.
Đi
lần vào thế giới vô sanh, hay Niết bàn để an trụ mạng sống vô cùng thì ta và
Phật, Bồ tát cùng hiện hữu trong một Tịnh độ; còn sống với ô trược Ta bà thì
phiền não tràn đầy. Từ nguồn vui ngoài cuộc sống vật chất, tiến sang giai đoạn hai,
không bị cuộc sống vật chất chi phối, tâm an định, có được nguồn vui không dao
động, gọi là định sanh hỷ lạc.
Và
tiến xa hơn nữa, chẳng những vui sống trong định, mà cả khi rời định vẫn giữ
được nguồn vui trong lòng; đó là ly hỷ diệu lạc. Bồ tát trên bước đường cứu
nhân độ thế luôn có nguồn vui nội tâm, dù làm việc từ thiện cực nhọc, vẫn vui;
thể hiện ý nghĩa ly hỷ diệu lạc, một nguồn vui lúc nào cũng có, không phải nhập
định mới được.
Cuối
cùng xả niệm thanh tịnh, nguồn vui trong lòng cũng tự mất, tâm vắng lặng như
mặt nước hồ thu, tất cả hình ảnh đều hiện rõ trên mặt nước, hay vạn tượng sum
la từ quá khứ cho đến hiện tại và vị lai, tâm hành giả đều nhận biết rõ ràng.
Cũng
như chim nhạn trên bầu trời bay ngang hồ nước, hình ảnh của nó được in rõ trên
mặt nước; nhưng nó bay qua rồi, mặt nước không lưu giữ dấu tích gì. Tâm của
thiền sư cũng vậy, biết rõ mọi việc một cách chính xác, nhưng việc trôi qua
rồi, không lưu lại trong tâm, không làm vẩn đục tâm. Ý này được một vị thiền sư
diễn tả rằng:
Nhạn
quá trường không
Ảnh
trầm hàn thủy
Nhạn
vô vi tích chi ý
Thủy
vô lưu ảnh chi tâm.
Thiền
sư nhận biết được mọi việc, không bị sự việc chi phối, tâm an nhiên tự tại
trước mọi vận hành sinh diệt của cuộc đời; đó là cảnh giới Niết bàn, quả vị cao
tột của A la hán theo Phật giáo Nguyên thủy.
Tác giả bài viết: HT Trí Quảng
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự