Ðáp:
Nếu bảo lời dạy nào đúng, theo tôi, thì lời dạy nào cũng đúng cả. Nói như thế,
mới nghe dường như là “ba phải”, nhưng nếu xét kỹ thì không phải như thế. Căn
cứ vào câu hỏi của Phật tử nêu ra, thì tôi thấy lời khuyên bảo của vị thầy A (
xin tạm gọi là thầy A ) cũng rất hợp lý.
Bởi, việc làm nào mà người ta ý thức
tự nguyện, không vì sự khuyên bảo hay bắt buộc của người khác, thì việc làm đó
sẽ có kết quả tốt đẹp cao hơn. Ðó là do vì, họ tự ý thức được trách nhiệm hành
động hoặc lời phát nguyện tự đáy lòng của họ. Còn nếu mình khuyên bảo người ta,
đôi khi vì họ nể tình mình, vả lại, họ cũng chưa có sự tìm hiểu kỹ càng về vấn
đề mà mình khuyên bảo, nên họ dễ gây ra thối tâm và bất như ý sau nầy.
Từ
đó, họ có thể gây ra những điều xấu ác lỗi lầm và rồi đổ trút hết mọi lỗi lầm
đó cho người khuyên bảo họ. Chính lời khuyên đó lại phản tác dụng và có hại cho
người khuyên. Chúng ta nên nhớ, bệnh đổ thừa cho kẻ khác đó cũng là căn bệnh
nặng trầm kha của con người. Ðược tốt đẹp, thì họ mặc nhiên thụ hưởng, không
nói chi.
Ngược lại, khi thất bại, thì họ lại đổ thừa “tại bị” cho kẻ khác. Tại
ông đó, thầy đó, tôi mới như thế nầy. Nếu không có lời khuyên của ông đó, thầy
đó, thì đời tôi đâu có đến đổi tàn hại như thế nầy. Chuyện đời là thế đó! Ðó là
một tâm lý rất thường tình. Bất cứ ai đã từng trải chút ít kinh nghiệm cũng đều
thấy rõ như thế.
Cho
nên, ta thấy có nhiều vị Tổ sư cả đời tu không bao giờ các Ngài khuyên một
người nào quy y hay xuất gia. Và có những vị không bao giờ thâu nhận đệ tử dù
tại gia hay xuất gia cũng thế. Ðiều nầy là do quan niệm và bản nguyện của mỗi
người. Vì khi mình khuyên bảo người khác, tất nhiên là mình phải có trách nhiệm
ít nhiều với họ. Vì chính họ nghe theo lời mình khuyên bảo nên họ mới làm theo.
Có
nhiều vị thầy gặp ai cũng khuyên người ta nên bỏ tục xuất gia, làm đệ tử của
mình. Nhưng khi họ xuất gia rồi, thì mình lại thờ ơ không quan tâm lo lắng dạy
dỗ cho họ. Làm thầy mà thiếu trách nhiệm dạy dỗ, thì thử hỏi người đệ tử
đó làm sao thành người tốt hữu dụng cho được? Có nhiều vị thâu nhận đệ tử cho
thật nhiều mà không hề dạy dỗ chi hết. Miễn sao người ta nhìn vào thấy mình có
đệ tử đông đảo rậm đám là được rồi.
Thân ai nấy lo, nên hư, thành bại, do tự
mỗi người quyết định lấy. Từ thiếu sự chăm lo dạy dỗ của thầy, nên có nhiều vị
đệ tử đâm ra hư hỏng và tiêu hoại cả cuộc đời. Ðó là vì họ vội nghe theo lời
khuyên bảo mà làm, kỳ thật họ chưa có một ý thức hiểu biết gì đến vấn đề
trọng đại quyết định cả cuộc đời của họ sau nầy. Thật quả đó cũng là một tai hại
vô cùng. Ðiều gì, tự họ ý thức tìm đến, thì điều đó mới có quý giá.
Mình chỉ
đóng vai trò giải thích phân tích cho họ thấy rõ được điều lợi và hại của vấn
đề, rồi để họ tự suy nghĩ quyết định lấy. Mình không nên can dự vào sự quyết
định của họ. Như vậy, chúng ta sẽ tránh được hậu quả không tốt sau nầy. Cho nên
qua lời dạy của vị thầy A, ta thấy cũng rất là hợp tình hợp lý.
Ðến
lời khuyên giải của vị thầy B ( tạm gọi như thế ) thì ta thấy cũng không sai
trái. Nói như thế dường như có sự mâu thuẫn, như là mắc vào cái lỗi “tự ngữ
tương vi”. Nghĩa là lời nói trước chống trái lại với lời nói sau.
Nhưng, chúng
ta cứ hãy bình tâm mà suy xét, thì mới thấy sự hợp lý của nó và không có gì
chống trái nhau cả. Như có những kẻ suốt đời chuyên làm những việc ác đức, hành
hung cướp của giết người, lường gạt dâm ô, hút xách, gian lận, trộm cắp, ăn
trên đầu trên cổ kẻ khác v.v… đối với những hạng người nầy, nếu không có những
lời khuyên bảo của những người khác, thì việc tạo ác của họ càng ngày càng lún
sâu dữ dội mạnh bạo hơn. Xã hội càng ngày càng rối loạn xáo trộn bất an nhiều
hơn. Và như thế, thì thử hỏi xã hội loài người sẽ ra sao?
Cho
nên, đối với những hạng người xấu thường gây ra tội lỗi, tất nhiên phải cần đến
sự khuyên bảo của kẻ khác. Nếu một người chịu thức tỉnh quay về với con đường
lương thiện, thì xã hội sẽ giảm bớt đi một gánh nặng.
Vì thế, nên lời khuyên
bảo rất có giá trị trong trường hợp nầy. Ðó là nói những người đã gây ra tội
lỗi. Lời khuyên bảo của người khác có tác dụng như là chữa bệnh. Ngược lại, đối
với những người chưa gây ra tội ác, thì những lời khuyên bảo của người khác có
tác dụng như là phòng ngừa bệnh trạng xảy ra. Cả hai lời khuyên đều có tác dụng
lợi ích thiết thực cả.
Lịch
sử đã chứng minh rất nhiều cho những lời khuyên có giá trị thiết thực nầy. Như
Phật đã từng khuyên anh chàng Vô Não đã từng hạ sát nhiều người, sau khi xuất
gia trở thành một vị Sa môn gương mẫu.
Khuyên một vị đồ tể buông dao, sẽ cứu
thoát được rất nhiều con vật. Khuyên một người biết tu hành làm lành lánh dữ,
thì sẽ bớt đi một chỗ giam cầm trong nhà tù. Nếu như ai nấy đều tu thân hành
thiện hết, thì làm gì có nhà tù trên trái đất nầy. Do đó, đứng về mặt chỉ ác
hành thiện, tạo cho xã hội có đời sống tương đối an bình, thì lời khuyên của
các nhà đạo đức chân thật rất có giá trị.
Tóm
lại, theo tôi, thì qua hai lời giảng giải trên, mỗi người đứng mỗi khía cạnh
của một vấn đề để lập luận. Cả hai đều có lý lẽ của nó và đều có tác dụng xây
dựng xã hội tốt đẹp cả.
Nguồn tin: Quang Minh Buddhist
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự