ĐÁP: Thầy
Thích Trí Tuệ thân mến!
Theo
lịch sử Đức Phật Thích Ca, sau khi vượt thành Ca-tì-la-vệ, Ngài đã xuống tóc
xuất gia. Đến khi đắc đạo, hóa độ đệ tử, thành lập Tăng đoàn, Thế Tôn và các Tỷ
kheo, Tỷ kheo ni đều mang hình tướng “đầu tròn, áo vuông”. Tuy nhiên, Đức Phật
có tướng tốt nhục kế và tóc xoăn thành vòng theo chiều bên phải nên khi tạc
tượng hay vẽ tranh ảnh Ngài, tướng nhục kế và tóc xoăn (hình trôn ốc) được khắc
họa nổi bật khiến chúng ta thấy như chỉ có các Tỷ kheo và Tỷ kheo ni mới cạo
tóc, còn Phật thì không.
Nhục
kế, theo Từ điển Phật học Huệ Quang (tập IV, tr.3384), Phạn ngữ Usnisa, Hán
dịch Phật đảnh, Đảnh nhục kế tướng, Đảnh phát nhục cốt thành tướng… là thịt
xương (có sách nói búi thịt-nhục) trên đảnh của Phật nổi cao lên như búi tóc
(kế), 1 trong 32 tướng Đại trượng phu của chư Phật.
Theo
Phật Bản Hạnh Tập Kinh (q.9), nhục kế trên đảnh Phật cao rộng, bằng phẳng tốt
đẹp. Kinh Tam Thập Nhị Tướng (Trung A Hàm) ghi, trên đảnh của bậc Đại nhân có
tướng nhục kế tròn đầy. Kinh Quán Vô Lượng Thọ (q.thượng) mô tả nhục kế trên
đảnh Phật như hoa Bát-đầu-ma, trên nhục kế có một bình báu đựng các thứ ánh
sáng, hiện tất cả Phật sự. Kinh Brahmayu (Trung Bộ kinh), kinh Tướng (Trường Bộ
kinh) đều ghi nhận tướng tốt nhục kế nhô lên trên đỉnh đầu của Phật.
Chư
Phật và Bồ tát đều có tướng nhục kế, nhưng tướng nhục kế của chư Phật thù thắng
hơn chư Bồ tát rất nhiều lần. Tướng nhục kế hình thành nhờ công đức tu hành
trong vô lượng đời kiếp ở quá khứ. Kinh Bảo Nữ Sở Vấn (q.4) ghi, chư Phật có
tướng nhục kế nhờ các đời quá khứ biết kính thờ hiền Thánh và các bậc tôn
trưởng. Kinh Vô Thượng y (q.hạ) ghi, ngoài việc tu thập thiện, Bồ tát còn hóa
độ dẫn dắt chúng sanh tu hành, thấy người tu hành liền hoan hỷ khen ngợi, lại
dùng bốn tâm vô lượng từ bi hỷ xả mà phát tâm hoằng hóa, nhiếp dẫn chúng sanh trở
về Chánh pháp. Nhờ những nghiệp nhân này mà thành tựu tướng tốt nhục kế nổi cao
lên tự nhiên thành búi tóc. Ngoài ra, một số kinh luận khác nói nhờ các nhân
duyên như bố thí, trì giới, thiền định… mà thành tựu tướng hảo này.
Trong
tướng nhục kế, có cái đỉnh điểm mà tất cả trời người đều không thể thấy được
nên gọi là vô kiến đảnh tướng. Quán Phật Kinh (q.3) ghi, búi tóc thịt trên đỉnh
đầu Đức Phật sinh ra vạn ức ánh sáng, lớp lớp ánh sáng lần lượt chiếu rọi tới
vô lượng thế giới. Các trời người và thập địa Bồ tát cũng không thể thấy. Vô
kiến đảnh tướng cũng là một trong 80 vẻ đẹp của Thế Tôn. Kinh Ưu Bà Tắc Giới (q.1)
cho biết, vô kiến đảnh tướng có được nhờ công đức trong vô lượng đời kiếp đều
lễ bái tất cả Thánh hiền, sư trưởng, cha mẹ, tôn trọng khen ngợi, cung kính
cúng dường.
Nhục
kế và vô kiến đảnh tướng là tướng hảo biểu thị trí tuệ của chư Phật. Cùng với
tướng nhục kế (búi thịt nhô cao) và vô kiến đảnh tướng là một tướng tốt khác,
tóc xoăn thành vòng theo chiều bên phải. Vì thế, khi tạo hình tượng Phật thì
những nghệ nhân phải thể hiện được các tướng tốt này (nhục kế nhô cao, tóc
xoăn), cùng các tướng tốt khác. Do đó, nhìn vào tranh tượng Phật, ta thấy Ngài
có tóc, còn các vị đệ tử xuất gia thì chỉ thuần túy “đầu tròn, áo vuông”.
Chúc
thầy an lành và tinh tấn!
Nguồn tin: giacngo
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự