Cái
nhọc nhằn an vui người nầy cảm giác được dường như hai mà không phải hai. Chẳng
qua, khi gánh nặng còn đè trĩu trên vai là đau khổ, để gánh nặng xuống thì an vui.
Do hết khổ gọi là vui, chớ không có cái vui từ đâu đem đến. Niết bàn và sanh tử
cũng thế, do hết sanh tử gọi là Niết bàn, không có Niết bàn ngoài sanh tử.
Chúng
sanh tạo nghiệp, lại do nghiệp dẫn chúng sanh, loanh quanh lẩn quẩn, không có
ngày dẫn chúng ta qua lại trong tam giới, lên xuống trong sáu đường không biết
bao giờ ra khỏi. Nếu khéo tu dừng nghiệp thì bánh xe luân hồi sẽ theo đó mà
dừng. Theo nghiệp trôi lăn là sanh tử, dừng nghiệp lặng yên là Niết bàn.
Vì thế
cần được Niết bàn, chúng ta phải dừng nghiệp. Có nhiều người tưởng Niết bàn là
cảnh giới xa xôi đẹp đẽ như cảnh Cực Lạc. Họ cố cầu xin Phật, Bồ Tát cho họ
được Niết bàn, hoặc tìm minh sư đạt đạo nhờ truyền pháp hay điểm đạo cho học được
Niết bàn.
Họ không ngờ sạch nghiệp tức là Niết bàn. Nghiệp lại do mình tạo, chỉ
cần tìm ra động cơ chủ yếu tạo nghiệp, bắt nó dừng lại thì Niết bàn hiện tiền.
Tâm thức lăng xăng của chúng ta là chủ động tạo nghiệp, khéo tu dừng lặng nó
thì Niết bàn xuất hiện. Dừng ngắn thì được Niết bàn ngắn, dừng lâu thì được
Niết bàn lâu, dừng hẳn thì được Niết bàn bẳn.
Sở
dĩ có Niết bàn là do đối với sinh tử mà lập, một khi sanh tử dứt sạch thì Niết
bàn không còn chỗ đứng. Kinh có câu “Niết bàn sanh tử như hoa đốm trong không”,
đã là hai danh từ đỗi đãi mà lập thì đều không thật. Không có Niết bàn thì nói
gì sanh tử.
Như không có khổ thì không có vui, không có vui thì làm sao biết
khổ. Niết bàn và sanh tử không riêng lập và không ngoài nhau, nên nói “Sanh tử
tức là Niết bàn”.
Sẽ
có người bảo sanh tử là do nghiệp dẫn là pháp sanh diệt, hư dối là phải, Niết
bàn là dứt sạch nghiệp là chơn thật, tại sao lại nói hư dối? Quả thật Niết bàn
không hư dối.
Thực tế Niết bàn không có hình dáng để diễn tả, không có ngôn ngữ
để nói, nó vượt ngoài pháp đối đãi thế gian. ngôn ngữ chúng ta để dùng để diễn
đạt tâm tư đều nằm trong đối đãi không thật.
Dù là ngôn ngữ Niết bàn, cũng chỉ
là lớp mây phủ núi chớ không phải là núi, đứng về núi mà nhìn nó thì nó là hư
dối bên ngoài không đáng kể. Thế nên nói “Như hoa đốm trong hư không” mà thực
thể chẳng phải không.
Tác giả bài viết: Thích Thanh Từ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự