Giác ngộ đó chưa phải
nghĩa giác ngộ của đạo Phật. Đạo Phật nói giác ngộ là thấu triệt được lẽ thật
nơi con người từ ban sơ cho tới cuối cùng, tìm được cái từ xưa đến giờ chúng ta
chưa từng biết.
Đọc lịch sử đức Phật, chúng ta thấy Thái tử bỏ ngôi vua quyết chí đi tu là do
thấy cái gì? Thấy cảnh sanh, già, bệnh, chết của con người. Ngài tự biết rõ
rằng người kia già rồi ta cũng phải già, người kia bệnh rồi ta cũng phải bệnh, người
kia chết rồi ta cũng phải chết. Sanh, già, bệnh, chết là một qui luật không ai
chối cãi được.
Thấy rõ như vậy nên Ngài quyết chí đi tu, với mục đích phăng tìm
cho ra con người có mặt đây là lần số một hay đã vô số lần? Mai kia nhắm mắt đi
về đâu? Muốn ra khỏi sanh tử phải làm sao? Đó là những thắc mắc băn khoăn lớn
của đức Phật. Như vậy, Ngài xoáy thẳng vào con người, trước khi có mặt và sau
khi mất thân này, phăng cho ra manh mối đó.
Khi tu gặp các vị tiên dạy từ Sơ thiền tới Tứ thiền, Ngài chứng qua hết nhưng
chưa giải quyết được ba vấn đề trọng đại của con người mà Ngài đang phăng tìm,
nên Phật bỏ đi. Đến thầy khác dạy Ngài tu chứng định Tứ không là Không vô biên
xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Chứng được Tứ
không rồi Ngài vẫn chưa giải quyết được vấn đề con người, nên cũng bỏ đi. Rõ ràng
đức Phật đi tu là để giải quyết vấn đề con người, chớ không muốn tỏ ra mình là
một nhà bác học gì hết, mà phải tìm cho được manh mối của con người.
Những vấn đề của Phật nêu lên ngày xưa, bây giờ chúng ta có thắc mắc không? Có
người thắc mắc, có người thờ ơ. Đa số chấp nhận thôi phải sao chịu vậy, có mặt
đây thì cứ ở đây, mai kia đi đâu cũng mặc. Đó là thái độ thờ ơ cho thân phận
mình. Đức Phật không đành lòng như vậy, Ngài quyết tâm phải phăng tìm cho ra
manh mối.
Đến dưới cội Bồ-đề, Ngài nhập định bốn mươi chín ngày đêm. Đêm cuối
cùng, canh thứ nhất đức Phật chứng được Túc mạnh minh, bừng sáng chuyện của
mình từ vô lượng kiếp tới giờ. Trong kinh kể, Ngài nói: “Ta nhớ vô số kiếp về
trước như nhớ chuyện mới xảy ra hôm qua”. Ngài biết rõ rằng con người không
phải chỉ có mặt ở đây một lần, mà đã có vô số lần.
Quí vị tin điều đó không? Nếu không tin thì chúng ta sẽ không giải quyết nổi
tại sao cùng một gia đình, cùng một cha mẹ sanh ra năm bảy anh em, mà không ai
giống ai. Nói theo khoa học ngày nay, gien nào sanh ra giống hệt gien đó như
khuôn đúc. Nhưng trên thực tế có khuôn đúc không? Không. Đó là nói về thể xác.
Còn tinh thần, người thì thích cái này, người lại ưa cái khác, không ai giống
ai hết. Vậy những ưa thích đó từ đâu ra? Cha mẹ không dạy, xã hội không dạy,
nhưng ta lại ưa thích. Người ưa văn học, người ưa toán học, nên vào trường mỗi
người giỏi mỗi môn, không ai giống ai. Như vậy để thấy sự tích lũy từ trước vẫn
còn đó, bây giờ ra đời nhớ lại những cái cũ mình thích.
Do thích nên học hành
đúng sở thích thì giỏi, thế gian thường gọi là khiếu thông minh. Như người tu
chúng tôi, cha mẹ có dạy lớn lên đi tu đâu, sao lớn lên lại đi tu. Để thấy
rằng, những gì chúng ta mang từ quá khứ vẫn còn đây, nên gặp duyên ta thích
việc đó, chớ không phải ai dạy hết. Con người không phải mới có mặt lần này, mà
đã vô số lần rồi, vì vậy trong mỗi chúng ta mang mỗi quá khứ còn tồn động từ
trước.
Từ canh hai đến canh ba, Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy rõ chúng sanh
sau khi chết theo nghiệp đi trong sáu đường luân hồi, như người đứng trên lầu cao
nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng. Như vậy, chúng
ta chết rồi có mất không? Không mất, mà đi theo nghiệp. Nên nhà Phật nói nhân
quả, nghiệp báo để cho chúng sanh tu. Những gì Phật thấy mới dạy, chớ không
phải Ngài suy lý như những nhà triết học. Do thấy rõ nên Ngài nói không một
chút ngờ vực.
Từ canh ba tới canh năm, khi sao mai mọc Ngài chứng được Lậu tận minh, dứt hết
mầm sanh tử tức là giải thoát sanh tử. Từ đó Ngài mới dạy chúng sanh phương
pháp tu để giải thoát sanh tử. Đức Phật đã chứng, đã biết, đã thấy rõ ràng, mới
đem ra dạy cho mọi người.
Đức Phật xoáy thẳng nơi con người, tất cả đều xoay lại nhìn ở con người. Cho
nên, cái giác của Ngài là giác ngộ thẳng về con người. Chúng ta mê cũng là mê nơi
con người, thấy thân này thật, trong khi Phật thấy thân này giả. Phật thấy thân
giả nên Ngài giác, chúng ta thấy thân thật nên mê.
Bởi cho thân này thật nên
quí thân, những gì nó ưa thích đều muốn được thỏa mãn. Mình muốn thân mình thỏa
mãn, người khác cũng muốn thân họ thỏa mãn, tất cả đều muốn vậy thành ra giành
giựt nhau. Nhỏ giành giựt theo nhỏ, lớn giành giựt theo lớn. Như anh em trong
gia đình, cha mẹ chết chia của cải, anh nhiều em ít không chịu, phải giành phần
cho bằng cho hơn, không chịu thua. Vì vậy thấy thân thật là nhân đau khổ.
Ngược lại, nếu thấy thân giả thì sao? Đa số sẽ nói tiêu cực. Giả thì lo chi, cần
gì làm việc. Bồ-tát thấy thân mình giả, thân chúng sanh giả, các Ngài lăn xả
vào đời cứu độ chúng sanh không niệm ngán sợ. Tại sao? Cái giả mà chúng sanh
lầm cho là thật nên giành giựt, giết hại lẫn nhau, các Ngài có bổn phận phải
đánh thức họ, chỉ cho biết giả đừng lầm lẫn nữa.
Như vậy các Ngài càng biết giả
càng thương những người mê. Chúng ta thấy thân thật nên ít thương ai. Chỉ
thương những người thân thuộc của mình, còn chung quanh mặc kệ, không thương.
Bồ-tát thấy cuộc đời tạm bợ, con người có đó rồi mất đó, không bền lâu mà chúng
sanh lại chìm đắm đau khổ trong ấy nên các Ngài dấy khởi lòng từ bi muốn cứu độ
chúng sanh. Nhờ giác ngộ mới có từ bi, nếu không giác ngộ sẽ không có từ bi.
Chúng ta làm việc thiện nhưng không phải từ bi mà là ích kỷ. Ví dụ nói bố thí giúp
người nghèo, sau sẽ được phước giàu sang. Như vậy bố thí vì mình chớ không phải
vì người. Bố thí ấy không phải từ bi. Từ bi là vì người chớ không vì mình.
Chúng ta mê lầm ở chặng thứ nhất là thấy thân này thật, nên cấu xé giành giựt,
làm khổ cho nhau.
Nếu thấy thân giả thì anh em trong nhà có mặt đây tạm bợ vài
chục năm rồi cũng đi, tranh gia tài làm chi, thôi thì chia nhau sống tạm mà.
Đối với xã hội cũng vậy, mọi người cùng sống trong cõi tạm, biết rõ như vậy thì
phải bảo bọc nhau sống ngày nào vui ngày ấy, giành giựt chi cho khổ. Nhờ biết
đúng lẽ thật, chúng ta dễ thương nhau hơn. Đó là lẽ thật người Phật tử phải biết.
Mê thứ hai là mê tâm mình. Chúng ta nghĩ tâm là phần tinh thần. Khi thương ai
nói tôi thương người đó, ghét ai nói tôi ghét người đó, giận ai nói tôi giận
người đó. Một trăm thứ, nghĩ cái gì cũng tôi hết, khởi nghĩ là tôi. Chấp thân
tạm bợ là tôi, chấp tâm sanh diệt đổi thay là tôi. Tâm sanh diệt đổi thay cho
là tôi thì có bao nhiêu cái tôi? Vô số.
Tâm ấy là một dòng suy nghĩ sanh diệt,
không phải cái thường còn. Cái sanh diệt làm sao chân thật được. Tâm sanh diệt
không thật mà chấp thật nên khi nghĩ điều gì cho là đúng, ai phản bác mình giận,
ai hoan nghênh mình vui. Thế gian không biết bao nhiêu cái đau khổ, vì người ta
cho là lý tưởng. Thọ, tưởng, hành, thức, Phật bảo là không, chúng ta lại nói
thật, rồi đặt thành lý tưởng.
Thế là lý tưởng này chống lý tưởng kia. Một hai
người chống nhau chỉ mới là luận chiến, nhiều người chống nhau thì kéo quân
đánh ầm ầm. Như vậy con người chấp thân nên giành vật chất để hưởng, chấp tâm
nên giành lý tưởng tốt về mình, do đó mà tranh đấu không dừng nghĩ. Đó là cái
khổ của nhân loại.