Không
ai dại gì chỉ nghĩ tới hiện tại mà quên đi vị lai. Do đó bài pháp hôm nay mang
đề tài Một thứ tài sản không bao giờ bị mất. Ai muốn giàu, muốn sung túc thì
hãy ráng nhớ giữ gìn tài sản này.
Trước
khi nói tài sản không bị mất, chúng ta nên biết số tài sản mình đã bị mất. Như
hiện giờ mọi người đều muốn có tiền của nhiều, giàu sang sung túc. Vì muốn như
thế nên cả đời cứ lo, cứ tạo, cứ giữ nhưng cuối cùng vẫn giữ không được. Trong
kinh Phật dạy tất cả tài sản thế gian đều bị năm thứ cướp mất.
Thứ
nhất là bị lửa cướp mất. Có người ky cỏm dành dụm cất được cái nhà vừa ý, khi
sơ sẩy một chút lửa phát cháy lên thì thiêu rụi hết. Tất cả những gì dành dụm
bao năm chỉ một cơn hỏa hoạn là tan hoại. Cái không giữ được mà cả đời chúng ta
lo lắng bảo vệ, cho nên khi mất nó ta rất khổ sở.
Thứ
hai là bị nước cuốn trôi. Rõ ràng nhất là tình cảnh lũ lụt ở xứ sở mình. Khi
mùa lũ đến nó cuốn trôi tất cả, những gì ta dành dụm bao năm chỉ một cơn lũ là
mất sạch. Chẳng những nhà cửa, đồ đạc bị nước cuốn đi, mà cả sinh mạng con cái
người thân của mình cũng có thể bị hiểm họa. Cảnh tượng đau khổ này, chúng ta
đã từng chứng kiến, từng biết qua rất rõ rồi. Đó là tai họa thứ hai.
Thứ
ba là bị trộm cướp lấy mất. Chúng ta làm lụng cực khổ, dành dụm tiền bạc của
cải được kha khá một chút thì bị trộm cướp rình rập, cướp lấy. Như vậy có của
trong tay, không bị lửa cháy, không bị nước cuốn cũng không bảo đảm gìn giữ dài
lâu được.
Thứ
tư là bị vua quan tịch thu. Ngày xưa thời phong kiến thường xảy ra nạn này. Vì
lý do nào đó, một khi vua quan ra lệnh tịch thu thì bao nhiêu tiền của đều bị
thu tóm hết. Như vậy công lao sức lực của mình chắt chiu, khi gặp kẻ có quyền
lực muốn cướp lấy, ta cũng không có cách gì bảo vệ được. Đó là nói thời phong
kiến.
Thứ
năm là bị con bất hiếu tiêu phá. Có nhiều bậc cha mẹ cực nhọc biết bao nhiêu,
làm ra được đồng tiền đổ mồ hôi sôi nước mắt. Tất cả đều vì thương yêu lo lắng
cho con cái về sau. Không ngờ lớn lên, chúng ngỗ nghịch bất hiếu vô đạo, đã
chẳng nghĩ đến công ơn trời biển của cha mẹ, lại còn hung hăng trịch thượng với
song thân, yêu sách thế này thế nọ. Chúng tập bè tập bạn theo thói hư tật xấu,
về nhà kiếm chuyện đòi tiền cha mẹ. Nếu không có, chúng chẳng từ nan mọi
việc tàn ác để thực hiện mục đích của mình, phá hoại tài sản, hãm hại cha
mẹ. Chuyện này kể ra biết bao nhiêu cho hết.
Phật
dạy của cải thế gian bị năm nhà chực lấy như thế, ta có thể giữ được sao? Vậy
mà cả đời mình lo cho có tiền, có của. Khi có tiền của rồi phải lo giữ, giữ
không được thì đau khổ. Con người si mê lo mãi như thế cho tới khi tắt thở mới
thôi. Sống năm bảy chục năm, chúng ta dồn hết sức để lo tạo, giữ gìn một cái
không giữ được, có đáng buồn đáng thương không?
Như
vậy cả hai trường hợp chúng ta đều không thể giữ gìn tài sản được: Trường hợp
thứ nhất bị ngoại cảnh làm tiêu tan. Trường hợp thứ hai bị thân nhân phá hoại.
Vậy mà ít ai thức tỉnh, ít ai quan tâm đến một thứ của cải còn mãi mãi không
mất. Do đó đức Phật mới chỉ bảo cho chúng ta biết mình có một thứ tài sản không
bao giờ mất, lửa đốt không cháy, nước cuốn không trôi và trộm cướp cũng không
rình rập nổi nữa. Tài sản này được chia ra hai phần. Một là tài sản từ trong
nội tâm mình gầy dựng. Hai là tài sản do giúp đỡ cho người mà được.
Trước
hết nói về tài sản từ nội tâm của mình. Phật dạy chúng ta tu hành cho có công
đức. Làm thế nào tu hành cho có công đức? Khi hiểu Phật pháp rồi, thì tu hành
là việc dành dụm của cải của mình đó. Công đức là của cải. Như bình thường ta
tốt với mọi người, nhưng một cơn giận thì người chung quanh không còn khen chị
đó hiền lành nữa, mà họ nói chị đó dữ quá. Vậy nóng giận làm tan hoang hết công
đức của mình. Vì vậy trong nhà Phật nói: “Một đóm lửa sân thiêu hết cả rừng
công đức”.
Thật
ra nóng giận làm thương tổn chính mình, chớ không phải thương tổn người khác.
Tại sao? Bởi vì khi nóng giận, ta có những lời nói không hiền lành, tay chân
không đàng hoàng, mặt mũi trừng trợn rất dễ sợ. Ai dù đẹp cách mấy khi nóng
giận cũng biến thành hung dữ, ghê tợn. Rõ ràng nóng giận làm cho mình mất đẹp
mà lại còn khiến cho người ghét nữa. Như vậy thương tổn nhiều ít? Cái làm cho
mình thương tổn quá nhiều, tai hại quá lớn như vậy tại sao ta không bỏ? Có
nhiều người còn dọa thiên hạ: “Tánh tôi nóng lắm à, đừng chọc tôi!”
Chúng
ta biết tu rồi thì phải khôn ngoan, sáng suốt. Những gì tai hại phải chừa bỏ.
Như xử sự với người trong nhà, với hàng xóm lúc nào cũng ôn hòa, hiền lành, tử
tế, không bao giờ nổi nóng, thì mọi người đâu có giận ghét mình. Khi ta có tai
nạn gì, mọi người đều giúp đở. Như vậy việc làm hiền lành của mình cảm được
người khác mến thương. Đó chính là tài sản ta để dành mà không có gì cướp được.
Chúng
ta tu để tìm giữ những gì quí báu của chính mình, chớ không phải tu để cầu Phật
cho cái này cái kia. Người không biết chuyển tâm niệm tai họa của mình trở
thành một tâm niệm tốt đẹp cho mọi người mến quí thì dù có tài sản bao nhiêu
cũng mất hết. Chỉ lo tu tâm sửa tánh hiền thiện mới thật là người biết gìn giữ
tài sản muôn đời.
Thứ
hai nữa là phải tập tâm từ bi. Từ bi là thương người. Phần nhiều Phật tử cứ
nghĩ ai hiền lành là dễ thương, còn kẻ hung dữ thì dễ ghét. Như vậy tâm mình
còn thương người này, ghét người kia thì đâu thể gọi là lòng từ bi bình đẳng
được. Bây giờ làm sao người hiền mình thương, mà người dữ mình cũng không ghét.
Chúng ta khéo tu như vậy công đức mới tăng trưởng.
Tại
sao người hung dữ ta không ghét? Ta thử đặt lại câu hỏi những người hung dữ có
khổ không? Họ khổ nhiều hơn ai hết, bởi vì họ nổi nóng làm bậy nên thiên hạ
chung quanh đều ghét bỏ. Tới nhà nào người ta cũng trốn, cũng xua đuổi, đó là
khổ rồi. Họ đã khổ nên ta thương họ, tìm cách giúp đỡ, chẳng lẽ họ khổ mình để
mặc hoặc làm họ khổ hơn thì đâu còn gọi đạo Phật là đạo cứu khổ nữa.
Cho
nên từ bi là tập tình thương dành cho tất cả mọi người, bất luận hiền lành hay
hung dữ, ta đều thương đều giúp đỡ như nhau. Người đã tạo những điều xấu xa, ai
cũng ghét bỏ nên rất khổ. Đôi khi chính sự ghét bỏ này làm cho họ càng dữ hơn,
nên ta cần phải thương họ. Còn những người hiền lành ai cũng thương mến, mình
thương nữa là dư. Vì vậy đối với người hung dữ, chúng ta tìm cách nhắc nhở
khuyến dụ cho họ trở thành người hiền. Như vậy mới thực là người có tâm từ bi,
không bỏ một ai. Nếu chúng ta ghét bỏ nữa vô tình đẩy họ vào chỗ tội lỗi không
có ngày thoát khỏi.
Cho
nên biết con cái mình dở thì cha mẹ phải thương phải khéo, tìm cách này cách
khác để khuyến dụ, nhắc nhở. Tùy theo hoàn cảnh, tùy theo trường hợp giúp cho
nó thức tỉnh. Từ bi trong đạo Phật là thương tất cả, chớ không phải là chỉ
thương người tốt. Nhờ tâm từ bi chúng ta mới tạo được nhiều công đức.
Như
vậy nhờ nhẫn nhục, nhờ từ bi, chúng ta mới tăng trưởng công đức. Từ bi và nhẫn
nhục đâu phải tốn tiền tốn của gì mới có, chỉ trong nội tâm mình phát ra. Công
đức chân thật ấy không ai rình rập lấy được. Nhà Phật gọi đó là nghiệp lành. Ý
nghĩ lành, miệng nói lành, thân làm lành đó là nghiệp lành. Đời này chúng ta
sống với nghiệp lành, khi thân hoại mạng chung nó cũng theo mình không bao giờ
rời. Đây là vấn đề hết sức thiết yếu. Cho nên chúng ta phải làm sao tạo được
những công đức, nó là tài sản miên viễn của mình. Đó là công đức nội tâm của
mình tạo ra.
Công
đức thứ hai là bố thí giúp đỡ bằng hình thức bên ngoài. Ví dụ thấy người đói
không có cơm ăn, chúng ta có cơm ăn thì chia xớt cho họ. Bố thí như vậy tạo
thành công đức, tức là tài sản không bao giờ mất của mình. Bố thí có chia ra
tài thí, pháp thí và vô úy thí.
Tài
thí là bố thí tiền của. Thấy người nghèo thiếu, ta có dư giúp đỡ gọi là tài
thí. Người bị buồn khổ, ta dùng giáo lý Phật khuyên giải cho họ bớt khổ đó là
pháp thí. Người đang lo sợ, hoảng hốt, không được an ổn, ta kề cận khuyên nhắc
hoặc bảo vệ cho họ được an ổn, đó là vô úy thí. Ví dụ như mấy đứa nhỏ muốn qua
đường mà xe cộ nhiều quá, nó sợ không dám qua, chúng ta nắm tay đưa nó qua. Đó
cũng là bố thí. Thế nên tất cả chúng ta đều có khả năng bố thí. Người có tiền
của thì bố thí tiền của. Người không có tiền của thì bố thí lời nói. Người
không khéo nói thì bố thí bằng hành động giúp đỡ.
Trong
kinh kể đức Phật còn mót từng chút phước xỏ kim, huống gì chúng ta kém phước
thiếu trí mà lại không biết làm các việc công đức! Ngày xưa, có một thầy
Tỳ-kheo mù muốn vá y. Ngài xỏ kim để khâu mà xỏ hoài không được. Đức Phật đi
ngang thấy hỏi:
-
Ông làm gì đó?
-
Bạch Thế Tôn, con đang xỏ kim.
-
Ông xỏ được không?
-
Con xỏ hoài không được.
-
Đưa ta xỏ dùm cho.
Rồi
đức Phật ngồi xuống xỏ kim dùm cho Ngài. Các thầy Tỳ-kheo thấy chuyện xỏ kim
nhỏ nhặt mà đức Thế Tôn còn làm để bòn mót từng chút phước, nên không ai dám
xem thường. Ta giúp người được việc gì thì giúp bất luận việc lớn nhỏ. Tu không
phải làm việc gì cho to, cho quan trọng, mà từ việc nhỏ nhất chúng ta thấy ai
cần cũng sẵn sàng giúp đỡ. Giúp cho người khỏi khó, khỏi khổ, đó là bố thí.
Chúng ta bố thí trong mọi phương tiện.
Ngày
xưa, có một cô gái mồ côi cha mẹ, không ai nuôi. Cô phải đi ăn xin ngoài chợ.
Tối lấy chiếu quấn nằm ngủ. Một hôm nghe nói rằm tháng bảy cúng dường Tam bảo
có phước lắm, cô tự nghĩ làm sao mình tạo phước để khỏi nghèo khổ nữa.
Hôm đó xin được có hai xu, cô muốn cúng cái gì mà chư tăng trong chùa đều hưởng
được hết. Nghĩ vậy cô mua hai xu muối, đem vô chùa năn nỉ vị nấu cơm: “Con xin
được có hai xu để mua muối, xin được cúng hết chư Tăng trong chùa, mong người
giúp cho”. Vị ấy liền bỏ nắm muối của cô vào nồi canh to, thế là chư Tăng đều
được hưởng đầy đủ. Bẵng đi một thời gian, cô cũng không còn nhớ chuyện cúng
muối ấy nữa.
Lần
lần lớn khôn, cô càng xinh đẹp lạ thường. Khi đó trong triều đình nhà vua muốn
chọn người cưới cho Thái tử làm vợ. Thấy mỹ nhân nào Thái tử cũng từ chối. Vua
mới ra lệnh cho các quan tìm người nào Thái tử vừa ý sẽ được trọng thưởng.
Bấy
giờ một ông quan đi ngang vùng đó, thấy trên trời có vầng mây đỏ, ông nghĩ nơi
đây chắc có dị nhân phước lớn. Giờ trưa, trên đường trở về, ông thấy cô bé mười
sáu, mười bảy tuổi đang trùm chiếu ngủ. Ông đến gần nhìn, bất chợt cô bé thức
dậy tốc chiếu ra. Thấy người con gái đẹp đẽ phi thường lại sống đầu đường xó
chợ như vầy, ông tội nghiệp đem về nuôi. Được vài năm, cho ăn mặc dạy dỗ đàng
hoàng, tới cô mười tám tuổi ông dẫn đến trình nhà vua.
Vua
gọi Thái tử lại, vừa thấy cô bé Thái tử đẹp lòng ngay. Cô được Đông cung Thái
tử cưới làm vợ. Thời gian sau nhà vua mất, Thái tử lên ngôi vua và cô bé trở
thành Hoàng hậu. Khi làm Hoàng hậu cô cứ nghĩ, không biết mình đã làm phước gì
được thế này. Chừng ấy mới nhớ chắc do việc cúng muối năm xưa mà ra.
Một
hôm Hoàng hậu sắm đủ thứ vật dụng sang trọng truyền chở vô ngôi chùa ngày xưa.
Nhưng lúc trước chỉ với hai xu muối của cô bé ăn xin, mà thầy Trụ trì nói bữa
nay có đại thí chủ đến cúng dường, bảo chư Tăng đánh chuông trống đón. Bây giờ
Hoàng hậu đem rất nhiều tài vật đến nhưng thầy Trụ trì không đánh chuông trống
đón. Lấy làm lạ, Hoàng hậu gặp thầy Trụ trì hỏi:
- Thưa
thầy ngày xưa con là đứa ăn mày, chỉ cúng dường có hai xu muối mà nghe chuông
trống đánh rình rang. Ngày nay con là Hoàng hậu cúng cả xe trân bảo mà sao
không nghe chuông trống gì hết?
Thầy
Trụ trì nói:
- Ngày
xưa hai đồng xu quí vì đó là mạng sống của con. Muốn cúng chùa con phải nhịn
đói, nên hai xu ấy lớn vô cùng. Ngày nay con là Hoàng hậu, của cải đầy xe nhưng
đó là của dân chớ đâu phải của con. Lấy của người làm phước cho mình thì đâu có
gì quan trọng.
Nghe
vậy Hoàng hậu giựt mình, thức tỉnh.
Qua
câu chuyện trên chúng ta thấy không phải cúng nhiều tiền, nhiều của mới có
phước mà một vật nhỏ nhoi nhưng với tâm rộng lớn, hy sinh tánh mạng của mình,
phước ấy mới lớn. Thế nên chúng ta tu đừng đợi có tiền nhiều cúng chùa mới có
phước. Mà chính lòng thành, tâm tốt dù ít dù nhiều cũng đều có phước lớn. Công
đức đó không ai thấy, không ai biết, chỉ những bậc giác ngộ mới thấy biết được.
Do đó ai cũng có thể làm việc phước hết.
Phước
đức do chính chúng ta gây tạo mới thật là sản nghiệp của mình, còn tất cả những
tài sản thế gian sẽ mất hết, chúng không bền. Chúng ta lâu nay có gom nhóp tài
sản công đức đó không, hay chỉ gom nhóp tiền bạc để dành hoặc gởi ngân hàng?
Cái có thể mất mà chúng ta cứ lo, cứ giành giựt. Còn cái không mất thì ngó lơ,
bỏ quên. Đó là người chưa biết tu.
Người
biết tu phải nhìn thấy được cái gì thật cố gắng làm, cái gì tạm bợ thì đừng
quan tâm. Đây là vấn đề hết sức thiết yếu. Hai thứ tài sản bên ngoài và công
đức bên trong, chúng ta nên chọn cái nào? Đa số chọn tài sản, vì công đức không
thấy được. Đâu ngờ chính cái không thấy được mới không bị lấy mất, còn tài sản
thấy được sẽ bị người ta chia sớt, lấy bớt.
Chúng
ta làm những việc hiền lành có phước đức, người khác bắt chước theo, như vậy có
lợi cho thế gian biết chừng nào. Còn có tài sản nhiều dùng không hết, người
thiếu hụt chắc chắn họ sẽ dòm ngó, rình rập ăn cắp, tạo nghiệp xấu cả hai đều
khổ.
Hiểu
rõ như vậy, mong rằng tất cả chúng ta đều cố gắng làm những việc tốt đẹp. Mọi
người gặp nhau ai cũng vui tươi, cười nói thân thiện, chớ không có nóng giận
nói bậy, làm bậy, gây khổ cho nhau. Được vậy cả cuộc đời ta không giàu sang dư
dả nhưng vui vẻ, an lành. Ta có của nhiều mà chung quanh thiếu thì càng khổ,
chớ có vui gì đâu. Cho nên công đức chân thành luôn đem đến an vui cho mình. Ta
an vui mà chung quanh cũng được tốt đẹp, được sung sướng theo.
Đa
số Phật tử đi chùa chịu xin hơn là chịu tu. Chỗ nào xin được về nói Phật ở đó
linh lắm, rủ nhau đi. Chỗ nào xin không được về nói Phật ở đó không linh, lại
miếu Bà linh hơn. Thế là Phật tử theo Phật mà vô tình theo quỉ thần hồi nào
không hay. Đó là những sai lầm của chúng ta. Hiểu rồi, ta đừng để những sai lầm
đó tiếp diễn nữa, mà phải thật tu, thật hiểu đạo mới được
Chúng
ta kiểm lại xem cuộc đời mình sống được bao lâu? Có ai dám nói tôi sống đến
chín mươi tuổi mới chết không? Không ai dám quyết định như thế cả. Mạng sống
của con người không có gì bảo đảm, được lúc nào mừng lúc đó. Giả sử bảy tám
mươi tuổi ta mới chết, bây giờ nhìn lại thì đã bốn mươi, năm mươi hoặc sáu mươi
rồi, thời gian còn lại đâu có bao nhiêu. Như vậy cái chết luôn rình đón,
chờ cơ hội chụp mình, không ai tránh khỏi.
Nhưng
hiện giờ chúng ta lo cho sự sống mà không nghĩ đến cái chết ở một bên. Nếu có
nghĩ thì nghĩ khi chết chôn chỗ nào đó, chớ không bao giờ nghĩ mình chết có đủ
phước đức không? Bởi vậy chúng ta phải chia hai phần, một phần lo cho sự sống,
một phần chuẩn bị cho sự chết, vì cái chết đâu ai trốn được. Bây giờ không
chuẩn bị ngày mai nhắm mắt, mình sẽ đi đâu? Lúc sống không nghĩ tới khi chết,
thì chết tới sẽ hoảng hốt, lo sợ không biết mình sẽ ra sao, thật đau khổ.
Bây
giờ Phật tử đến chùa qui y Tam bảo và phát nguyện giữ tròn năm giới, khi chết
quí vị đi đâu? Chúng ta qui y Tam bảo, tức là qui y Phật nên khi chết
khỏi đọa địa ngục, qui y Pháp nên khỏi đọa ngạ quỷ, qui y Tăng nên khỏi súc
sanh. Qui y Tam bảo một cách chân chánh đúng đắn thì khỏi đọa ba đường ác địa
ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Người nguyện giữ năm giới, không sát sanh, không trộm
cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, hút á phiện v.v… sau khi
chết được trở lại làm người tốt hơn đời này.
Nhà Phật gọi đó là Nhân thừa Phật
giáo, tức đạo lý Phật dạy tu để được làm người. Vậy tu có hai lợi lớn. Lợi thứ
nhất trong đời này chúng ta là người tốt, xứng đáng. Thứ hai đời sau có ta một
hướng đi rõ ràng, tốt đẹp hơn không nghi ngờ, không sợ sệt gì cả. Người không
biết tu, hiện tại dù có tiền của nhưng sắp chết không biết mình sẽ ra sao nên
hoảng hốt, kinh hoàng, sợ sệt đủ thứ. Đó là vì không chuẩn bị, không lo cho
ngày mai. Cho nên người biết lo xa khi còn sống, phải lo cho ngày mai mình nhắm
mắt.
Trong
kinh Phật dạy có sáu đường luân hồi tức lục đạo luân hồi là: địa ngục, ngạ quỷ,
súc sanh, người, a-tu-la, trời. Trong sáu đường đó, chúng sanh hoặc lên hoặc
xuống, đảo đi lộn lại không có ngày cùng. Ngày nay chúng ta biết tu, làm sao
khi mất thân này, trở lại trong ba đường lành, tránh được ba đường dữ.
Như
vậy giữ năm giới là điều kiện giúp cho chúng ta sống đúng với con người tốt đẹp
trong hiện tại và mai sau. Người qui y Tam bảo, thọ trì năm giới rồi, khi tuổi
thọ gần hết tự biết mình sẽ đi đâu, không nghi ngờ. Cho nên lúc ấy vui vẻ cười
nói với người thân: “Chiếc xe cũ đã hư, tôi chuẩn bị xe mới tốt hơn. Đừng lo”.
Như vậy chết rất an ổn. Còn bây giờ chúng ta không biết lo, không nghĩ gì về
ngày mai, tới chừng chết hoảng hốt, sợ sệt không biết đi đường nào cũng muộn
rồi.
Chúng
sanh tối tăm, không biết lo cho chính mình nên Phật mới thương xót chỉ dạy. Kế
đến quí thầy là những người thay Phật, chịu trách nhiệm truyền đạt lại những gì
đức Phật đã chỉ dạy, giúp cho chúng sanh biết rõ đường đi của mình, tránh khổ
đau ở ngày mai. Cho nên chư Tăng chỉ giúp chúng ta bằng cách nhắc nhở, còn làm
được hay không là ở mỗi người, quí thầy không thể làm hơn được.
Phật
tử bây giờ có bệnh chờ chết mời thầy đến tụng kinh. Nhờ thầy tụng kinh để đưa
về Cực Lạc, điều đó tôi không tin trăm phần trăm. Vì sao? Bởi vì Phật đã dạy
nghiệp đã tạo thì nó dẫn mình đi, chớ không ai có khả năng dẫn ta cả. Nếu có,
chỉ phần nào thôi. Nhiều người dẫn trong kinh Vu Lan, nói mẹ ngài Mục Kiền Liên
bị đọa làm ngạ quỷ nhưng Ngài vẫn cứu thoát được. Nhưng họ quên trong kinh Vu
Lan nói sơn lâm thiền định, thọ hạ kinh hành, lục thông La-hán. Nghĩa là phải
mời chư vị chứng A-la-hán, đi kinh hành dưới gốc cây, trong rừng cầu mới được.
Tại
sao cầu được? Đâu có gì lạ, khi chúng ta có người thân ở xa không gặp. Bỗng
dưng hôm đó ta nghe lòng bối rối, nóng nảy liền tìm đến thăm, mới hay người đó
đang bị tai nạn hoặc bệnh sắp chết. Đó là do người ấy tưởng nhiều về mình,
những luồng tư tưởng ấy tạo mối giao cảm, nhắc nhở mình nên nó rất có ảnh
hưởng. Cũng vậy, những vị đang kinh hành dưới cội cây, đang thiền định trong
rừng núi hoặc người đã chứng lục thông La-hán. Tinh thần các Ngài mạnh lắm, các
Ngài chú tâm hướng về ai thì chuyển được tâm của họ. Do đó mẹ ngài
Mục-kiền-liên nhờ sự chú tâm của các Ngài, từ tâm tham lam bỏn sẻn chuyển thành
tâm thanh tịnh sáng suốt nên bà được sanh cõi trời.
Phật
tử ngày nay lấy cớ đó chờ người thân sắp chết, thỉnh thầy về cầu nguyện. Nhưng
lại quên thầy có chứng được lục thông La-hán chưa? Nếu quí thầy cũng phàm phu,
chỉ khác hơn là tu hơi kỹ kỹ hơn Phật tử một chút, thì sự việc cầu nguyện ấy
rất khó. Chi bằng chúng ta tu cho mình tốt hơn. Nếu chết rồi nhờ quí thầy quí
cô cầu, cầu không được lúc đó mình làm sao? Có xuống địa ngục cũng phải chịu,
làm ngạ quỷ cũng không thể thoát. Thôi thì tự ta rèn luyện để tâm được tốt,
tích chứa nhiều công đức, mai kia đầy đủ tư lương đi một cách thảnh thơi, khỏi
lo sợ gì hết, như vậy bảo đảm hơn không, sướng hơn không. Thế nên chúng tôi
nhắc quí Phật tử phải thực tu, chớ đừng chờ đợi ai.
Tất
cả chúng ta vì thương mình, muốn lợi ích cho đời mình phải cố gắng tu tạo những
công đức lành. Tạo nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Bởi đó là cái của mình, không
lấy được, lửa không cháy, nước không trôi, đó mới thực là của mình. Cái thực mà
mình không màng tới, lo những cái không thực, đó là không sáng suốt. Chúng ta
tu phải tỉnh sáng chớ không thể mù tối được. Nên ai là người chân chánh tu hành
phải chuẩn bị cho mình ngay trong đời này.
Người
giữ giới không sát sanh đời sau sống dai, ít bệnh tật. Giữ giới không trộm cướp
đời sau giàu có. Giữ giới không tà dâm đời sau đẹp đẻ, trang nghiêm. Giữ giới
không nói dối đời sau nói lưu loát, ai cũng tin cũng quí. Giữ giới không uống
rượu, không hút á phiện v.v… đời sau trí tuệ minh mẫn. Chuẩn bị cho mình để đời
sau mình đủ điều kiện làm một người tốt hơn bây giờ, đó là tu. Qui y Tam bảo,
giữ năm giới đó là người biết tu.
Nếu
một gia đình, chồng vợ con cái đều qui y Tam bảo, giữ năm giới hết thì gia đình
đó hiền lành lương thiện. Nếu một xóm, một làng ai cũng giữ năm giới hết thì
xóm làng đó yên ổn vui vẻ, không sợ trộm cướp, tà dâm bởi vì người nào cũng
tốt, cũng tu hành. Tu Phật là đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho
xã hội.
Ngày
nay Phật tử nhiều buồn khổ vì gia đình con cái hút á phiện, xì ke, ma túy. Đó
là tại không giữ giới. Cha mẹ buồn, xóm giềng cũng lo sợ nữa. Như vậy khuyên
nhau tu để chúng ta được bình an, xã hội được tốt đẹp. Đó là điều hết sức thiết
yếu trong cuộc sống hiện tại và mai sau.
Người
khéo tu biết tránh nhân, người không biết tu chỉ tránh quả. Hiện nay ngành y
luôn luôn khuyến khích ngừa bệnh hơn trị bệnh, đó là phù hợp với đạo Phật dạy
tránh nhân hơn tránh quả. Nhân xấu chúng ta không tạo thì quả xấu đâu có, còn
nhân xấu đã tạo có sợ quả cũng không khỏi. Như kẻ xách dao đào hầm, móc vách
của người không sợ, tới chừng gặp cảnh sát thì run. Đó là sợ quả mà không sợ
nhân. Nếu biết làm việc đó có ngày ở tù thì đâu dám làm, không làm thì sợ ai.
Đó là sợ nhân chớ không sợ quả.
Hiểu
rõ như thế, trên đường tu rất có lợi vì chúng ta sáng suốt không tạo nghiệp
nhân ác, chắc chắn không bị quả xấu. Phật nói Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả.
Vì Bồ-tát biết nhân ác liền tránh nên không sợ quả xấu. Còn chúng sanh sợ quả,
hồi làm không sợ, tới chừng gặp kết quả xấu thì hoảng hốt. Cho nên nói tới tu
là nói tới người tỉnh sáng, chớ không phải người si mê.
Nhiều
Phật tử cứ ngỡ rằng người tu là tiêu cực ích kỷ, cứ lẩn quẩn trong chùa nói
pháp, không giúp ích cho ai hết. Hiểu thế là sai lầm. Chính vì muốn cho mọi
người được sáng suốt, biết lỗi lầm để tránh, biết nhân xấu để chừa nên quí thầy
luôn thuyết pháp nhắc nhở cho Phật tử. Như bình thường không ai nhắc, chúng ta
đâu biết nóng giận là tật xấu, nên cứ nóng hoài bỏ không được. Bây giờ nhờ quí
thầy nhắc mình biết đó là xấu, có hại cho bản thân và mọi người nên cố gắng
chừa bỏ. Đó là tu.
Được
vậy chúng ta sống trên đời này không uổng phí. Chớ nếu sống bảy tám mươi năm mà
chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp v.v… tới già tắt thở, thành cái gì không biết, có phải
uổng phí không? Như vậy lo cho thật nhiều, rốt cuộc chỉ nuôi dưỡng cái thây
thối thôi, có gì cao thượng đâu. Vậy mà hầu hết mọi người đều mắc kẹt trong đó.
Cho nên chúng ta phải biết tìm sống với những gì chân thật, không quan tâm đến
các thứ hư dối. Tu sống như thế mới quí.
Chúng
ta biết tu là chúng ta biết sống. Còn người không biết tu sống cũng như kẻ say.
Cứ loanh quanh, lẩn quẩn rồi ngã đùng ra chết không biết gì, chừng ấy hối hận
cũng không kịp. Vì vậy chúng ta cần sớm tỉnh thức, trau dồi tích lũy sự nghiệp
chân thật của mình. Được vậy khi sống cũng như lúc sắp lâm chung đều thanh thản
an vui.
Thời
gian ít, bài pháp tới đây chấm dứt, mong quí Phật tử nghe hiểu ứng dụng tu. Đó
là điều mong mỏi lớn nhất của chúng tôi
Tác giả bài viết: HT Thanh Từ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự