Đối
với hành giả tu tập pháp môn niệm Phật, một lòng tha thiết trì niệm danh hiệu
Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tịnh độ mà có những giấc mơ thấy Phật, Bồ tát và
hoa sen là điều rất quý hóa, chứng tỏ bạn có duyên lành với pháp môn niệm Phật.
Theo
Duy Thức học, khi những hạt giống thiện lành (niệm danh hiệu Phật, quán tưởng
cảnh giới Cực lạc, hình ảnh Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế Âm) được gieo trồng
lâu ngày trong tâm thức thì chúng rất dễ dàng thể hiện qua những giấc mơ thấy
Phật và Bồ tát. Tuy chỉ là những giấc mơ do các chủng tử trong tâm thức hiện
hành, nhưng chúng đã mang lại cảm giác rất bình an, tin tưởng sâu sắc vào Phật
pháp nên những giấc mơ này được xem là một trong những thụy tướng, hảo tướng,
có tác dụng trợ duyên rất tích cực cho tu tập.
Sau
khi trải nghiệm qua các giấc mơ thấy Phật và Bồ tát, bạn đã thành tựu niềm tin
tưởng vô biên, lòng tin bất động vào pháp môn niệm Phật nên đã cố gắng niệm
danh hiệu Phật A Di Đà ở mọi lúc mọi nơi. Hành trang tu tập pháp môn niệm Phật
cần phải hội đủ ba yếu tố căn bản đó là Tín-Nguyện-Hạnh. Tín là niềm tin tưởng
tuyệt đối vào cảnh giới Cực lạc và năng lực tiếp độ vãng sanh của Phật A Di Đà.
Nguyện là sự phát nguyện sanh về Cực lạc. Hạnh là thực hành trì niệm danh hiệu
Phật A Di Đà. Hiện bạn đã có niềm tin khá sâu sắc vào Cực lạc (Tín), đã thực
hành trì niệm danh hiệu Phật (Hạnh), và bạn cần chí thành phát nguyện sanh về
Cực lạc nữa (Nguyện). Sự phát nguyện này xuất phát từ tâm nguyện chí thành, chí
thiết và bền bỉ của bạn, chọn Cực lạc làm nơi thú hướng duy nhất để sanh về.
Chư
Tổ tông Tịnh Độ đã khái quát về yếu chỉ của pháp môn niệm Phật để thành tựu
vãng sanh là “Tín thâm, Nguyện thiết và Hạnh chuyên”. Nghĩa là niềm tin phải
sâu sắc, tâm nguyện phải chí thành và niệm Phật phải tinh chuyên. Hội đủ ba yếu
tố này thì hành giả chắc chắn sẽ thành công trong tu tập, đạt đến nhất tâm bất
loạn, thành tựu vãng sanh.
Trong
trường hợp của bạn, như đã nói, bạn cần thêm sự thành tâm phát nguyện sanh về
cảnh giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Sau đó là trì niệm danh hiệu Phật, càng
liên tục không gián đoạn càng tốt. Bạn băn khoăn về phương thức niệm Phật trong
lúc làm việc là điều cần thiết, bởi niệm Phật cần được thực hiện liên tục.
Trước hết, bạn cần thiết lập ít nhất hai thời khóa niệm Phật cố định trong
ngày. Có thể là trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, mỗi thời niệm Phật trung
bình từ 30 phút cho đến 1 giờ. Chính hai thời khóa này là nền tảng quan trọng
cho việc gia tăng chánh niệm của công phu niệm Phật trong ngày.
Kế
đến, bạn nỗ lực nhiếp tâm niệm danh hiệu Phật trong các sinh hoạt khác cũng như
công việc hàng ngày. Tâm của con người thường hay phan duyên, bị chi phối bởi
các nhân duyên bên ngoài nên dễ dàng đánh mất chánh niệm về trì niệm danh hiệu
Phật. Điều này rất bình thường, không có gì phải lo ngại cả. Quan trọng là bạn
phải chú tâm, luôn chú ý tâm của mình để khi tâm khởi niệm xao lãng hướng ngoại
thì phát hiện ngay, và lập tức đem tâm trở về với câu niệm Phật.
Nếu
bạn kiên trì và nỗ lực không ngừng như trên, thì công phu niệm Phật của bạn
ngày càng tăng tiến, khả năng tự chủ ngày càng mạnh mẽ hơn. Sự ồn náo hay các
hấp dẫn của trần cảnh bên ngoài chỉ là khách. Bạn là chủ nên nếu không tiếp thì
khách đến rồi đi. Duy trì sự chú tâm, đem tâm về chánh niệm danh hiệu Phật mỗi
khi xao lãng là phương thức tu niệm trong mọi hoàn cảnh. Vấn đề ở chỗ là sự bền
bỉ và cố gắng không ngừng. Lâu dần, bạn sẽ thấy tâm mình định tĩnh và chánh
niệm về danh hiệu Phật được duy trì liên tục, khả năng niệm Phật nhất tâm có
thể thành tựu.
Chúc
bạn tinh tấn!.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự