Tịnh Độ Tông có những cuốn kinh dành riêng cho
việc lễ lạy như:
-Kinh Hồng Danh: 108 lạy, kinh sám hối căn bản.
-Kinh Ngũ Bách Danh: 500 lạy, gồm tên của 500 vị Phật hay Bồ Tát.
-Kinh Thiên Phật: 1.000 lạy, danh hiệu của một ngàn vị Phật.
-Kinh Ngũ Thiên Phật: 5.000 lạy, danh hiệu của năm ngàn vị Phật.
-Kinh Vạn Phật: 10.000 lạy, danh hiệu của mười ngàn vị Phật.
-Thủy Sám: sách sám hối, vừa tụng vừa lạy, do ngài Ngộ Đạt soạn.
-Lương Hoàng Sám: bộ sách sám hối, do hòa thượng Chí Công đời vua Lương Võ Đế
soạn để sám hối cho hoàng hậu Hy Thị.
Sự Lợi Ích
Phương pháp Lạy Phật là kết tinh của những kinh ngiệm tu tập sâu sắc từ những
truyền thống đạo học đông phương. Do đó những lợi ích mang lại từ sự hành
trì pháp môn này vô cùng lớn lao. Sự lợi ích đó đạt được cả trên hai phương
diện thân xác cũng như tinh thần.
Về Thân: phương pháp Lạy Phật mang lại những hiệu quả sau:
1. Trước hết, động tác lạy Phật là một phương pháp thể dục tốt. Với những
cử động nhẹ nhàng, nhưng tất cả các bắp thịt trên toàn thân đều được vận động tối
đa. Khác với lúc tập thể dục, vì thông thường khi thể dục chúng ta không
vận động tất cả các bắp thịt đồng đều cùng một lúc. Ví dụ: khi đi bộ, chúng ta
vận động nhiều bắp thịt ở chân. Chỉ có bơi lội chúng ta mới cử động toàn
thân. Trong lúc lạy Phật, tất cả các bắp thịt trên cơ thể đều hoạt động làm khí
huyết toàn thân lưu chuyển giúp chúng ta chữa trị các chứng thấp khớp, cũng như
phòng ngừa các chứng bệnh hiểm nghèo khác..
2. Các huyệt đạo quan trọng trên cơ thể được tác động. Từ huyệt bách hội trên đỉnh
đầu xuống đến huyệt đan điền, các huyệt dọc theo xương sống và các huyệt ở tay
chân. Chúng ta cảm thấy có một luồng khí nóng chạy đều khắp cơ thể và mồ
hôi theo các lỗ chân lông tuôn ra. Theo y học đông phương, một khi các
huyệt đạo trên cơ thể được tác động, khí huyết sẽ lưu chuyển và bệnh tật sẽ tiêu
trừ.
3. Sau khi lạy Phật xong, hãy ngồi xuống chừng mười lăm phút, chúng ta sẽ có cảm
giác an lạc thư thái ngay vì các huyệt đạo được tác động. Sự an lạc này rất
sâu sắc, một kinh nghiệm rất đặc biệt mà chúng ta chỉ đạt được trong lúc thiền định.
Sự an lạc này mang lại cho chúng ta niềm hoan lạc suốt ngày. Từ đó những phiền
não, những ưu tư, những đau buồn… cũng nhanh chóng tan biến.
4. Các trọng huyệt này tương ứng với các luân xa trong truyền thống yoga Ấn
Độ. Các luân xa này nằm dọc theo xương sống từ đỉnh đầu xuống đến bàn tọa
gồm bảy luân xa. Một khi được tác động, các luân xa này giúp chúng ta
khai triển được những năng lực mầu nhiệm tiềm tàng trong mỗi người, tạo điều kiện
thuận tiện cho việc phát triển tâm linh.
Về Tâm: phương pháp Lạy Phật là phương pháp điều tâm để thanh tịnh ba nghiệp:
thân, khẩu và ý (tư tưởng, ngôn ngữ và hành động). Phương pháp này giúp
ta:
1. Tiêu trừ nghiệp chướng: Trong sự sám hối, thành tâm đảnh lễ mười phương
chư Phật bằng cả thân tâm của mình. Quán chiếu sâu xa nguồn gốc tội lỗi, cùng bản
tánh của tội lỗi. Quán tưởng hào quang chư Phật mười phương hiển hiện trước
mắt, cũng như Phật tánh trong tự tâm tỏa rạng. Nhờ Phật lực hộ trì cùng nỗ lực
tu tâm để thanh tịnh ba nghiệp. Với sự sám hối đó các ác nghiệp và chướng
duyên đều được chuyển hóa.
2. Thiện căn tăng trưởng: trong khi lễ lạy, hồi hướng cho kẻ thân người thù đều
được lợi lạc, đều được thành tựu sự nghiệp giác ngộ giải thoát. Như thế Bồ
Đề Tâm (thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh) được nuôi dưỡng, lòng từ bi được
phát triển. Sự lễ bái hàng ngày đem lại cho chúng ta nguồn an lạc vô biên.
Sự an lạc này giúp cho phiền não tiêu tan, sự trầm tĩnh trở lại trong tâm hồn và
lòng thương cũng phát sinh đối với người ghét.
3. Đức khiêm cung phát sinh: trong khi hạ mình xuống sát đất để lạy Phật, để thấy
những thành đạt của mình chỉ là những giọt nước trong đại dương bao la. Bác Vũ
Xuân Hoài phát biểu trong buổi thảo luận Phật pháp, để chuyển hóa tâm kiêu mạn
của mình, mỗi ngày bác lạy Phật để hồi hướng công đức về thiên, về địa, về sư
trưởng, về ông bà cha mẹ… để cảm nhận trùng trùng ân nghĩa. Để thấy sự thành
tựu của mình hôm nay là công ơn của nhiều người. Để từ đó tâm khiêm nhường
phát sinh. Trong Kinh Đức Phật thường dạy, tâm khiêm nhường là cửa ngõ của
trí tuệ và là con đường đưa đến giải thoát.
Sự Hành Trì
Trong truyền thống Việt
Cách đơn giản nhất, chúng ta lạy theo hơi thở. Cứ hít vào chúng ta đứng lên
và thở ra chúng ta lạy xuống. Cứ lạy chậm rãi. Mỗi lạy chúng ta niệm
một danh hiệu Phật và đếm một, cứ như thế cho đến đủ số. Hoặc chúng ta có
thể theo dõi đồng hồ và lạy đủ thời gian ấn định thì ngưng. Hoặc mười lăm
phút, hai mươi phút hay nửa giờ. Đó là những phương cách đề nghị để chúng
ta tùy nghi thực hành.
Sự lễ lạy có thể thực hiện bất kỳ chỗ nào. Miễn là chúng ta có được khoảng không
gian bằng chừng chiếc chiếu là đủ để lạy rồi. Tốt nhất là trước bàn Phật,
nếu không thì ở chỗ nào cũng được, miễn tâm thành là được. Ngay cả trong phòng
ngủ, mỗi sáng lúc thức dậy hay mỗi tối khi đi ngủ chúng ta có thể thực tập.
Khi lạy hai tay chắp ngang trán, đưa xuống ngực rồi lạy xuống sát đất. Điều
này biểu tượng cho “thân tâm cung kính lễ” (đem thân đoan nghiêm và tâm thành kính
để lễ lạy). Lúc lạy xuống hay tay, hai đầu gối và trán phải chấm đất). Chúng ta
nên đứng thẳng người rồi lạy xuống, sau đó đứng thẳng lên. Như thế các bắp thịt
khắp châu thân được vận động tốt hơn (trừ khi yếu chân, có thể quỳ lạy).
Trong khi lạy cố gắng kết hợp cả ba phương diện:
Thân: đứng nghiêm chỉnh cử động nhịp nhàng hòa hợp, hơi thở đều đặn.
Miệng: niệm danh hiệu Phật hay Bồ Tát.
Tâm: quán tưởng đến Phật, Bồ Tát hay cảnh giới của chư Phật và Bồ Tát. Ví
dụ: có thể quán tưởng đến Đức Phật A Di Đà đang ở trước mắt, hay cảnh Tịnh Độ
chung quanh ta.
Kết Luận:
Phương pháp lạy Phật là một phương pháp rất đơn giản, nhưng mang lại những lợi ích
rất lớn. Ai tập cũng được, bất kỳ nơi đâu và không cần phải sắm dụng cụ gì
cả. Đây là kết tinh của những kinh nghiệm tu luyện quý báu của chư tổ, đã
kết hợp các phương pháp tu tập của Thiền gia và vũ thuật gia để chế tác thành.
Sự thực hành pháp môn này mang lại lợi ích rõ rệt
cho cả thân lẫn tâm. Thân thể cường tráng chữa trị và phòng ngừa các chứng
bệnh hiểm nghèo như bệnh tim, áp huyết cao, ung thư… Tinh thần an lạc thư thái.
Sống an vui hạnh phúc trong hiện tại. Tạo điều kiện thuận tiện khai triển
khả năng tâm linh vô biên để tiến tới giải thoát hoàn toàn.
Đây là một pháp môn mầu nhiệm, những niềm hoan lạc
sâu sắc chúng ta kinh nghiệm được trong lúc hành trì là những bước tiến vững chắc
trên bước đường tu tập. Qua những thành tựu đó giúp chúng ta tăng trưởng tín
tâm đối với những pháp môn chư tổ truyền lại.
Nguồn tin: Sách Con đường phát triển tâm linh
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự