Có
một loại vô thường thứ hai tinh vi hơn mà bạn nên quán chiếu, ghi nhận, đó là
"sát na vô thường", tức sự biến chuyển sinh diệt trong từng sát na,
từng giây phút. Bạn đưa tay cử động là vô thường, mỗi bước đi là vô thường, bạn
hít vào thở ra là vô thường, nói chuyện là vô thường, kim giây đồng hồ của bạn
không chịu đứng yên là vô thường (trừ trường hợp hết pin), mỗi mỗi đều vô
thường.
Chúng ta ngoài miệng nói vô thường nhưng trong thâm tâm thì lại cho sự vật rất
là thường (tức luôn luôn là như vậy, không thay đổi, không biến chuyển, sinh
diệt). Ðối với thằng cu Tèo 10 năm về trước và cậu thanh niên Tèo hôm hay ta
vẫn chỉ thấy đó là thằng Tèo. Cô vợ đẹp mới cưới ngày hôm nay, ta vẫn đinh ninh
trong tâm là cô ta sẽ đẹp mãi mãi như vậy 20 năm sau. Cứ như thế, ta luôn luôn
bám víu, chấp cứng vào sự vật, cho rằng nó không bao giờ đổi thay. Ông A là kẻ
thù của ta hôm nay thì không thể nào trong tương lai có thể trở thành bạn ta
được. Ta yêu cô B hôm nay và tưởng rằng sẽ yêu cô ta mãi mãi. Mạng sống của ta
rất mong manh, đụng nhẹ thì sứt da chảy máu, đụng mạnh thì bể đầu gẫy xương, chưa
kể trúng gió, trúng độc, vi trùng xâm nhập, hoặc tai nạn xe cộ, không biết chết
lúc nào? Có thể chết ngày mai, hoặc chiều hôm nay, vậy mà ta cứ tưởng mình sẽ
sống lâu lắm, nên đầu tắt mặt tối làm ăn kiếm tiền để lo mua nhà, mở tiệm, ăn
chơi, v.v...
Thực tướng của sự vật là vô thường, nhưng ta lại lầm tưởng là thường. Sự lầm
tưởng này trong đạo Phật gọi là vô minh, tức không nhìn thấy sự thật. Vì không
biết nước biển là mặn, lại lầm tưởng uống vào sẽ hết khát nên ta cứ uống. Uống
vào một lần chưa hết khát, ta lại uống thêm lần thứ hai, thứ ba..., càng uống
càng khát, để rồi cuối cùng khô cổ mà chết.
Mọi sự đau khổ đều bắt nguồn từ vô minh. Vì vô minh, không thấy được thực tại,
không thấy được tính chất vô thường của sự vật nên chúng ta tự tạo đau khổ cho
mình và người. Nếu thực sự thấy được vô thường thì ta sẽ có thái độ khác đối
với sự vật. Thấy được vô thường thì người bạn của ta hôm nay có thể trở thành
kẻ thù mắng chửi ta ngày mai, nhưng ta sẽ không giận. Một người lầm lỗi với ta
hôm nay, và ngày mai đến xin lỗi ta, ta sẽ sẵn sàng tha thứ. Một người thân lìa
bỏ cõi trần ta sẽ không buồn. Ðược người khen thưởng ta sẽ không mừng. Vì khen
hôm nay ngày mai lại chê, vinh hôm nay ngày mai là nhục, được hôm nay ngày mai sẽ
mất, sung sướng hôm nay ngày mai lại khổ. Thấy rõ vô thường thì ta không còn
tham lam, ham muốn, bám víu vào sự vật, không còn như người gỗ bị giựt dây (bởi
cảnh đời) mà ta sẽ sống tự tại và luôn luôn hỷ xả.
Quan
điểm vô thường trong đạo Phật
Vô
thường là một trong những quan điểm nền tảng của đạo Phật. Bỏ vô thường ra, đạo
Phật sẽ không còn là đạo Phật nữa. Vô thường là một trong bốn “tứ chứng pháp”
mà đức Phật di huấn lại, tức là một trong bốn tiêu chí để xác định lại lời Phật.
Dù được cho là lời Phật nói, nhưng trái ngược với quan điểm vô thường thì có
thể xác định lại đó không phải là lời Phật. Ngược lại, những tư tưởng, phát
biểu, tác phẩm trong thế gian có quan điểm vô thường thì có thể coi là phù hợp
với lời Phật.
Quan
điểm vô thường của Phật giáo cho rằng vạn vật, nhân sinh đều không thường còn,
mà luôn luôn biến đổi, chuyển dịch, vận động, sinh diệt… Ngay cả vũ trụ cũng
thế. Vô thường đối nghĩa với trường tồn, cố định, bất biến, vĩnh cửu.
Trên
quan điểm vô thường, Phật giáo xem tất cả mọi sự vật, hiện tượng gồm cả thế
giới, vạn hữu, sinh vật, đời sống con người… trong quá trình tồn tại đều phải
trải qua bốn giai đoạn:
Thành:
còn gọi là sinh, giai đoạn hình thành, tạo sinh của mọi sự vật, hiện tượng.
Trụ:
giai đoạn tồn tại tạm thời, phát triển của sự vật, hiện tượng.
Hoại:
còn gọi là Dị, giai đoạn suy vong, tiêu hoại, đi đến tan rã, cáo chung của sự
vật hiện tượng. Gọi là Dị vì trong giai đoạn này, sự vật, hiện tượng trong đời
sống vẫn còn tồn tại nhưng đã đổi khác so với giai đoạn thành, trụ, và sự đổi
khác đó diễn biến theo hướng tiêu cực, hủy hoại.
Không:
còn gọi là Diệt. Sự vật, hiện tượng tan rã, cáo chung, hủy hoại hoàn toàn, trở
về trạng thái “không”.
Tác giả bài viết: Tieutang56
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự