Việc
tu hành quan trọng ở sự điều chỉnh tâm sở của chúng ta. Và trong tâm sở, cần
loại bỏ nhất là sáu căn bản phiền não và 20 tùy phiền não. Sáu căn bản phiền
não còn được gọi là thập triền, thập sử. Vì nó ràng buộc và sai khiến con người
tạo ra vô số tội lỗi trong sinh tử luân hồi. Trong Sám Quy Mạng, Duy Nhiên
Thiền sư dạy rằng: “Thập triền, thập sử, tích thành hữu lậu chi nhơn…” . Thập
triền, thập sử tạo thành nhân hữu lậu, nghĩa là nguyên nhân làm cho mọi người
đau khổ.
Vì
vậy, cắt bỏ sáu căn bản phiền não thì không còn gì sai sử, ràng buộc chúng ta;
ở ngay trên cuộc đời này, chúng ta vẫn được giải thoát. Tất cả đệ tử Phật thực
hiện được lời dạy này của Phật, ở hoàn cảnh nào cũng được an vui, giải thoát.
Trái lại, nuôi lớn sáu căn bản phiền não, thì ở tình huống nào cũng khổ, mà
chùa lớn càng khổ, chúng đông càng phiền hơn.
Loại
trừ được căn bản phiền não trong lòng chúng ta, đối với tôi, trước tiên là bằng
lòng chấp nhận thực tế cuộc sống của mình và sống tri túc. Nói cách khác, sống
với phước báo mình có, với nghiệp quả mình đã tạo; không thể khác.
Sống
trên cuộc đời này, chúng ta không mong cầu nên không khổ. Không mong cầu nên
không ai có thể bắt chúng ta làm gì được. Có tiền hay không, có chùa hay không,
không quan trọng. Giữ tâm thanh tịnh là việc chính yếu của người tu.
Không
tham cầu, chỉ sống với những gì thực có của chính mình. Một số huynh đệ của tôi
có nghiệp thích ăn ngon, mặc đẹp, sống sang trọng nên đã vay mượn, nhờ cậy Phật
tử. Một thời gian sau, không tu được nữa; vì tâm trở thành thế tục đã khiến thân
cũng thành thế tục và việc làm sai trái.
Từ
thuở tôi còn trẻ, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương đã dạy tôi nên
sống với những gì mình có, để lo phát huy đạo đức và tri thức cao thì phước lạc
sẽ tự đến. Phước lạc trước nhất của người tu là do khắc phục được lòng tham của
chính mình. Lòng không muốn, đói thì ăn món gì cũng được. Còn muốn ăn mà không
có thì chính lòng tham này hành hạ mình. Lòng tham phần nhiều dẫn đến thọ quả
báo xấu. Phải khắc phục được lòng tham, mới phát sinh công đức.
Việc
này tôi từng trải, biết rõ, xin chia sẻ với quý vị. Phước báo đến đâu thì sống đến
đó. Hoặc sống dưới mức mình có thì càng được an lạc hơn. Ta không làm được việc
gì nhưng hưởng đời sống vật chất nhiều, tất nhiên phải mang nợ. Đến khi hết
phước, nợ này đưa chúng ta về đâu?
Mỗi
ngày chúng ta tự kiểm xem làm được bao nhiêu công đức, hưởng thụ của đàn na tín
thí bao nhiêu, độ được bao nhiêu người, giúp cho bao nhiêu người phát tâm, v.v…
Làm thiếu, phải trả quả báo. Tuổi càng lớn, người càng lánh xa, bệnh càng sinh
ra, yêu cầu càng nhiều mà sự cung cấp càng giảm thiểu, là biết đã tổn
phước.
Thực
tế cuộc sống cho thấy rõ, một số người mới tu được phước lạc đầy đủ, nhưng với
thời gian, mất phước dần. Có người mới tu gặp khó khăn, về sau lại tích lũy được
công đức. Làm nhiều, yêu cầu ít, nên có thặng dư. Không biết thì cứ dùng của
Tam bảo, nợ đàn na thí chủ, không thể trả nổi. Tôi lấy một thí dụ nhỏ mà cảm
thấy sợ. Tôi đánh chuông cho một Phật tử lạy Phật. Họ để vài đồng bạc vào
chuông, nhưng họ cầu xin đủ thứ chuyện, nghe thôi cũng sợ. Vì vậy, Phật dạy
rằng đồng tiền của đàn na thí chủ nặng lắm. Dùng tâm thanh tịnh mà nhìn vào
những đồng tiền của thùng phước sương, chúng ta thấy nặng nề vô cùng, trả rất
khó.
Chúng
ta mặc áo tu, nhờ phước đời trước. Phước hết mà nghiệp tới thì không thoát được
khổ. Các vị Tổ sư cũng thường dạy rằng đời này không đắc đạo, đời sau phải trả
nợ, có món nợ nặng đến nỗi phải trả bằng cách “mang lông, đội
sừng”. Người ta yêu cầu nhiều, nếu chúng ta tu hành tạo được công đức lớn
cho họ nương nhờ thì xóa được nợ. Ý này được diễn tả trong kinh Pháp Hoa rằng
“Giả nhiêu tạo tội quá sơn nhạc, bất tu Diệu Pháp lưỡng tam hàng”.
Tôi
thấm thía ý này, chỉ có công đức lớn và đắc đạo, mới trả nợ Tam bảo được. Vì
thế, phải nỗ lực tu để thoát ly tam giới; nghĩa là tâm chúng ta vượt ra ngoài
ba cõi : dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Phải giữ tâm thanh tịnh bằng cách
khắc phục ba nghiệp thân khẩu ý, mà ý nghiệp là quan trọng nhất.
Đối
với ý nghiệp: tham, sân, si, chúng ta phải đảo ngược lại thành không tham,
không giận, không buồn, không lo sợ; vì tất cả đều là Không. Từ tâm tội lỗi,
khắc phục, chuyển đổi thành tâm không tội lỗi để tâm được thanh thản; đó là
bước đầu. Và từ không có tâm tham, tâm giận, chúng ta phát Bồ đề tâm, không
nghĩ đến bản thân mình nữa, mà quan tâm đến người khác để giúp đỡ. Quý vị phát
Bồ đề tâm theo Bồ tát, giữ được tâm đã không tham, mà những gì mình có, nên
phục vụ cho đời. Tặng tiền của, hiểu biết và dùng sức lực của mình cống hiến
cho mọi người là công đức bắt đầu sinh ra.
Và
đạt được tâm không sân hận, chấp nhận người khác đổ lỗi cho mình. Vì bước theo
dấu chân Phật, chúng ta nghĩ rằng người đau khổ, buồn phiền, khó khăn, họ đổ
cho ta thì họ được nhẹ lòng. Trong khi ta đã không sân hận, nên dễ dàng chịu
đựng thay cho họ. Nghĩ và làm như vậy, công đức sinh ra. Đó cũng là kinh nghiệm
của riêng tôi, nhờ người trút giận, mà tu nhẫn nhục và chịu đựng được, tạo
thành quả báo tốt; nên người thấy tôi tốt thực và quý mến. Người trút giận rồi
cũng phải xin lỗi, vì chẳng ai công nhận họ đúng.
Thể
hiện tinh thần Phật dạy, sống với những gì mình có, hoặc sống tri túc và luôn
giữ tâm thanh tịnh, nỗ lực diệt trừ phiền não, tham sân si. Công đức theo đó
lớn dần, tạo thành sức cảm hóa được nhiều người cùng đi chung con đường Phật
đạo với chúng ta. Hàng đệ tử Phật thành tựu được như vậy, sẽ thấy Phật giáo mới
là chất liệu quý báu, cần thiết giúp thế giới loài người hạ bớt ngọn lửa thù
hận, sát hại, để có thể cùng nhau xây dựng hòa bình, an lạc trên trái đất này.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự