Trả Lời: Ðại
sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Có lẽ có hai hạng người cần xem xét ở đây. Thứ
nhất, những người trẻ tuổi hoặc những người đã nằm chờ chết trong một thời gian
dài. Hạng người này tâm thức rất tinh tế và thần thức của họ sẽ không lưu lại
trong thể xác lâu, có thể chỉ một ngày thôi. Thứ hai là những người mạnh khỏe
và cái chết đến nhanh, thần thức của họ lưu lại trong thể xác đến ba ngày.
Những cái chết khác như bất đắc kỳ tử(chưa đến thời điểm chết mà phải chết),
chết vì tai nạn hay vì bạo lực. Chẳng hạn hai người đánh chém nhau, một người
trong số đó chết đột ngột, thì thần thức của họ không lưu lại trong thể xác
lâu. Nói chung, thời gian bao lâu tùy thuộc vào tâm thức nặng hay nhẹ của mình mà
thoát ra khỏi thân xác sau khi chết.
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Khi hơi thở dứt và tim ngừng đập, nó chỉ rõ rằng phần
thô của thần thức đã tan mất. Tuy nhiên có nhiều trường hợp, phần tinh tế của
tâm thức còn lưu lại trong xác thân người ấy hàng tuần lễ, thậm chí có lúc cả tháng.
Nhưng hầu hết là phần tinh tế của tâm thức rời khỏi thể xác trong ba hoặc bốn
ngày, trong thời gian này thi hài không bốc mùi hoặc thối rữa.
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Chưa thể khẳng định rằng một người bình thường,
sau khi chết thần thức của họ rời khỏi xác trong ba ngày sau đó. Nhiều người
lưu lại lâu hơn, nhưng một số người khác thì trụ lại thời gian ngắn hơn. Có
nhiều ví dụ điển hình trong số các vị Lama Tây Tạng. Như đức Lama Ling
Rinpoche, thầy dạy học của đức Dalai Lama, thần thức của ngài đã trụ lại trong
xác thân cả tuần lễ sau khi viên tịch. Ở trong cộng đồng người Tây Tạng, những
trường hợp tương tự vẫn thường xảy ra.
Tóm lại, việc hỏa táng hoặc tiến hành tang lễ hay di chuyển thể xác tốt nhất
phải đợi ba ngày sau. Tuy nhiên, ngày nay điều này khó thực hiện vì người ta sợ
ô nhiễm, do vậy, nên làm phép chuyển di tâm thức trước khi động đến thể xác của
người quá cố.
Hỏi: Trường hợp của những người chết vì bệnh quá nặng như ung thư và Aids (Sida)
thì thần thức của họ có thoát xác nhanh hơn không?
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Ðiều này không chắc chắn lắm. Việc thoát xác sớm
hay muộn không thực sự tùy thuộc vào người chết bị tai nạn hay bị bệnh nặng, mà
tôi nghĩ rằng việc ấy có liên hệ mật thiết đến thiện và ác nghiệp của người
mất. Ví dụ, đối với một người tu tập theo pháp Dzogchen hay một pháp nào khác
thì sau khi chết họ tiếp tục quán tưởng Tánh không và thần thức của họ duy trì
lại trong thể xác rất lâu, cho dù họ không hề luyến ái tấm thân ngũ uẩn này.
Hỏi: Các ngài có thể cho biết khi nào thì thần thức rời khỏi thể xác? Những dấu
hiệu nào cho chúng ta biết rõ điều này?
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Một lần nữa chúng ta lại thảo luận về hai hạng
người thoát xác sau khi chết. Bây giờ tôi sẽ không đề cập đến hạng người có
thần thức lập tức thoát xác sau khi chết mà chỉ nói đến hạng người có phần tinh
tế thần thức lưu lại trong thi thể nhiều ngày. Người ta nói rằng trước khi thần
thức người ấy thoát ra khỏi xác thì trên thi thể họ sẽ có một điểm nóng được tụ
lại duy nhất có màu đỏ hoặc màu trắng, điểm nóng tụ lại ở đâu thì thần thức sẽ thoát
ra ở chỗ đó. Ví dụ, nếu điểm nóng hội tụ ở đỉnh đầu thì chúng ta tin rằng người
ấy sẽ tái sinh vào cõi lành, điểm nóng tụ lại ở bàn chân thì chắc chắn người ấy
sẽ đọa vào hạ giới. Dấu hiệu cho biết khi thần thức thoát xác sẽ có một ít máu
chảy ra ở lỗ mũi hoặc tinh dịch thoát ra từ bộ phận sinh dục.
Tuy nhiên, có một số người không thấy dấu hiệu này, đó là những người chết đột
ngột vì tai nạn hay bị bệnh tim. Dấu hiệu này chỉ tìm thấy ở những người có
tiến trình chết chậm và lâu.
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Hầu hết người nào bị chết vì bệnh nặng thì khi thần thức
rời khỏi thể xác đều có dấu hiệu máu hoặc chất nước vàng chảy ra từ lỗ mũi hoặc
bộ phận sinh dục. Khi thần thức thoát ra thì thể xác mới có mùi hôi. Ðức Dalai
Lama thứ 14 từng nói chuyện với các bác sĩ nổi tiếng ở phương Tây về vấn đề
thần thức rời khỏi thể xác khi bệnh nhân tắt thở. Các bác sĩ đã trắc nghiệm và
nói rằng họ đã thấy một làn khói trắng nhỏ thoát ra từ một điểm nào đó trên
thân của người chết. Kết quả này được kiểm tra bằng máy móc và phân tích thể
xác một cách cẩn thận.
Những dấu hiệu như giọt máu hoặc nước vàng đều xảy ra đối với những người chết
vì bệnh nặng. Tuy nhiên, thi thể người ấy thường được di chuyển quá nhiều trước
khi thấy những dấu hiệu này, vì vậy những trường hợp như thế tuyệt đối không
bao giờ xảy ra. Ở Tây Tạng, theo tập quán truyền thống phải giữ thi thể trong
ba, bốn hoặc bảy ngày ngõ hầu giúp cho thần thức có đủ thời gian để thoát xác.
Trong thời gian chờ đợi này, các lễ kỵ siêu cho người quá cố được tiến hành một
cách nghiêm mật.
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Bạn có thể biết khi thần thức thoát xác dựa vào
sự biến đổi của thi thể. Khi thần thức còn lưu lại trong thể xác thì bạn cảm
thấy người ấy chưa chết thật sự, nước da của họ còn tươi và sáng lạ thường, giống
như họ đang nằm ngủ. Nhưng một khi thần thức đã thoát xác thì lập tức ta thấy
thi thể thay đổi khác liền, nước da khô, tái xanh đi và bắt đầu có mùi hôi. Lúc
ấy, bạn mới có cảm giác đó là một xác chết chứ không phải là một người nữa.
Những kinh nghiệm về làn khói hoặc giọt máu xuất ra khi thần thức thoát xác không
phải lúc nào cũng nhìn thấy được, chúng ta chỉ gặp ở một số ít người. Trong số
những người này, khi thần thức thoát xác, chất nước vàng chảy ra từ lỗ mũi và ở
hạ bộ. Có một vị cao tăng Tây Tạng viên tịch, khi thần thức thoát xác, lỗ mũi
của ngài liền chảy ra hai dòng chất dịch lỏng, một bên thì màu đỏ còn bên kia
màu trắng.
Hỏi: Có đúng là cho đến khi thần thức thoát xác, thi thể mới bắt đầu có mùi hôi
và có dấu hiệu thối rữa?
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Sự thật đúng như thế.
Hỏi: Khi một người chết nhưng thần thức vẫn còn lưu lại trong thể xác. Vậy người
ấy có cảm giác gì không nếu bị người khác đụng chạm đến?
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Họ sẽ không có cảm giác gì cả. Khi phần khô của thần thức
tan mất thì người ấy không còn cảm giác nữa. Ðối với các vị Tăng chứng đắc và
người Phật tử có tu tập, khi chết, phần tinh tế của thần thức còn lưu lại trong
thể xác, thì họ có thể chết ở trong tư thế ngồi thiền, đến khi thần thức thoát
xác, thi thể của vị ấy mới ngã xuống.
Mấy mươi năm trước, khi những người Tây Tạng đầu tiên đến tỵ nạn tại tỉnh Buxa
của Ấn Ðộ, một Phật học viện của Phật giáo Tây Tạng nọ, có hai vị tăng đánh
nhau và một người chết. Sau đó, vì vụ này mà chính quyền Ấn và người dân địa
phương chỉ trích rất gắt gao đối với người dân Tây Tạng, h? nói rằng các tu sĩ
Tây Tạng chỉ biết chém giết nhau mà thôi. Về sau có một Lama đức hạnh tên là
Gyari Rinpoche, đến từ tu viện Gender ở Tây Tạng, vị này đã viên tịch tại Ấn
với tư thế ngồi kiết già trong bảy ngày; Người Ấn được mời đến chứng kiến cái
chết lạ thường của vị Lama này và họ cố gắng giật mạnh khăn trải giường để làm
cho thi thể của ngài ngã xuống, nhưng ngài vẫn ngồi thẳng như pho tượng, dù
trải qua bảy ngày nhưng thể xác của ngài vẫn không có mùi hôi. Sau sự kiện này,
quan điểm của họ về các Tăng sĩ Tây Tạng đã thay đổi hẳn, họ không còn phê
bình, chê bai nữa.
Hỏi: Nếu đụng chạm và di chuyển thi thể trước khi thần thức thoát xác có ảnh hưởng
gì đến tâm thức của người chết không? Vì ở trong bệnh viện, sau khi người hấp
hối ngừng thở và tim hết đập, còn nhiều thủ tục khác chi phối đến tử thi. Sự
can thiệp này có hại cho thần thức người chết không?
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Trước hết, nếu đó là một người tinh thông có
năng lực thiền định, họ cố gắng luyện tập thiền định sau khi trút hơi thở, nếu
ta lắc mạnh thi thể của họ vào lúc họ ở trong trạng thái thiền định thì sẽ
khuấy rối tiến trình tập trung thần thức của họ. Do đó, tốt nhất là không đụng
chạm đến thể xác họ trong thời điểm ấy. Ngay cả một người thường (người không
có tu tập) cũng không nên đụng đến thi thể của họ cho đến ba ngày sau. Nếu một
người đang ngủ say, nhưng ta lay mạnh thì họ sẽ thức giấc ngay, người chết ở
đây cũng vậy, khi chạm đến họ, không có tác hại gì cho thể xác, nhưng có hại
rất lớn đến thần thức của họ.
Thêm vào đó, nếu chúng ta buộc phải thay tấm khăn trải giường và nệm từ giường
của người vừa chết cho sạch sẽ thì cũng nên thao tác nhẹ nhàng. Tương tự, nếu
người chết còn mở mắt và hả miệng, nên yêu cầu một người thân trong gia đình
đến trước tử thi bày tỏ lòng kính trọng cuối cùng rồi giúp họ khép mắt và miệng
lại để trông dễ nhìn hơn. Ðối với những người bị dị tật, tay chân cong quẹo,
lúc tẩm liệm phải kéo thẳng ra để dễ dàng đưa vào quan tài. Nhưng mỗi cử chỉ đối
với người chết đều phải nhẹ nhàng và thực hiện ba ngày sau khi người ấy trút
hơi thở cuối cùng.
Hỏi: Có lợi ích gì khi chúng ta chạm hoặc kích thích trên đỉnh đầu của người
hấp hối và người chết, đặc biệt là người vừa chết?
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Khi một người vừa chết, chúng ta có thể sờ chạm
vào đỉnh đầu của họ, đó là vùng huyệt đạo tốt nhất để thần thức thoát ra mà
ngài Lama Je Tsong Khapa gọi là "chiếc cổng vàng". Do đó, bạn nên
kích thích vào vùng đỉnh đầu, nếu thần thức của người chết thoát ra ngoài bằng
đường này thì chắc chắn họ sẽ thác sinh vào cảnh giới an lành.
Nhưng nếu thần thức thoát ra bằng các đường ở hạ bộ, từ lỗ rốn trở xuống, người
ấy sẽ thác sinh vào ác đạo, như cõi ngạ quỷ hay loài cầm thú. Vì thế, người Tây
Tạng không bao giờ tiếp xúc phần hạ bộ của thi thể người chết, nếu ta chạm vào
chỗ nào của họ thì thần thức sẽ tụ lại chỗ ấy mà thoát ra ngoài
Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Tiếp xúc vào đỉnh đầu của người hấp hối được
xem như là đang làm phép "chuyển di tâm thức" cho họ. Thực hiện phép
này không phải là một vấn đề đơn giản, phải làm cẩn thận để giúp cho thần thức của
người hấp hối tập trung ở đỉnh đầu, chỗ mái tóc giáp nhau, gọi là cửa Brahma.
Nếu đầu của người ấy không bị sói thì chúng ta phải nhổ năm ba sợi tóc bên trên
cửa ấy và dùng ngón tay trỏ cạo nhiều lần vào chỗ ấy, việc làm này nhằm giúp
cho thần thức của người chết biết chỗ mà thoát ra ngoài. Kỹ thuật này cũng
thường giúp cho chất nước vàng chảy ra từ cửa ấy, dấu hiệu đó chứng minh cho
phép chuyển di tâm thức đã thành công.
Nguồn tin: sách Chết và Tái sinh
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự