Ðáp:
Lăng nghiêm, tiếng Phạn là Suramgama, nói đủ là “Thủ Lăng Nghiêm”, Trung Hoa
dịch là “Ðại Ðịnh Kiên cố”. Nghĩa là cái bản thể chơn tâm sẵn có của tất cả
chúng sanh và chư Phật. Vì thể của nó rộng lớn không có giới hạn ngằn mé, bao
la trùm khắp cả pháp giới, nên gọi là “Ðại”.
Tâm thể nầy xưa nay vốn là thanh
tịnh, không có tán loạn, thường hằng vắng lặng, không lay động dời đổi, nên gọi
là “Ðịnh”. Vì tính chất của nó không dời đổi, thấu xưa suốt nay, thường hằng
bất động, ở nơi thánh không tăng, ở nơi phàm không giảm, hằng hữu bất hoại, nên
gọi là “Kiên cố”. Ðại khái, đó là nghĩa của ba chữ “Thủ Lăng Nghiêm”, tức là
“Ðại Ðịnh Kiên Cố”.
Nguyên
nhân Phật nói thần chú Lăng Nghiêm là vì Tôn giả A nan mắc nạn Ma đăng già.
Ngài A nan bị nàng Ma đăng già dùng chú thuật Ta tỳ ca la tiên Phạm thiên ép
buộc tình duyên … Lúc đó, Tôn giả A Nan rất buồn rầu, thành kính hướng về
đức Phật, mong đức Phật đoái hoài thương xót cứu độ giải nạn cho Ngài.
Phật biết Ngài A Nan bị nạn, nên sau khi thọ trai, Phật không thuyết pháp như
thường lệ mà trở về tinh xá ngay và rồi Ngài ngồi kiết già, trên đảnh phóng hào
quang, có hoa sen ngàn cánh, trên hoa sen có đức Hóa Phật ngồi kiết già, nói
thần chú Lăng Nghiêm.
Phật bảo Ngài Văn Thù đem thần chú ấy đi đến chỗ nàng Ma
đăng già , để phá trừ tà chú, cứu nạn cho A Nan. Ngài A nan được kịp thời cứu
thoát và sau đó Phật độ luôn cho nàng Ma đăng già tu hành trở thành bậc A la
hán. Ðó là nguyên nhân có ra năm đệ thần chú Lăng Nghiêm mà chư Tăng Ni cũng
như quý Phật tử thường trì tụng vào mỗi buổi khuya.
Ở nhà có tụng chú Lăng Nghiêm được không? Hỏi:
Thường thì ở trong chùa chư Tăng Ni hay tụng Chú Lăng Nghiêm và Ðại Bi Thập Chú
vào buổi khuya. Vậy xin hỏi không biết hàng cư sĩ tại gia chúng con có trì tụng
được không?
Ðáp:
Tất nhiên là được. Chỉ sợ chúng ta lười biếng không tụng trì đó thôi. Tụng kinh
trì chú là điều rất tốt. Như đã nói, sở dĩ có chú Lăng Nghiêm là do Ngài A Nan
bị mắc nạn Ma đăng già, nên Hóa thân Phật nói thần chú và Bồ tát Văn Thù lãnh
sứ mạng tụng chú để giải nạn cho tôn giả A Nan.
Chính vì lý do đó, nên trong
các thiền môn thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, còn gọi là Phật giáo Phát triển
( Ðại thừa ), đều có trì tụng vào mỗi buổi khuya. Tại sao không trì tụng vào
những thời điểm khác mà phải trì tụng vào buổi khuya? Trong thiền môn có hai
thời khóa căn bản, gọi là nhị thời khóa tụng. Buổi tối là thời Tịnh độ, tức
tụng Kinh A Di Ðà. Buổi khuya thì tụng năm đệ chú Lăng Nghiêm và Ðại bi thập
chú.
Vì buổi khuya khí trời mát mẻ trong lành và cảnh vật yên tĩnh. Thần khí con
người mới ngủ thức dậy cũng tỉnh táo mạnh mẽ hơn. Thần chú có năng lực rất
mạnh, nên rất thích hợp với sự định tỉnh của thời điểm nầy. Do đó, người tụng
chú ngoài phần tự lực nhiếp tâm ra, còn có sức gia hộ mạnh mẽ của long thần hộ
pháp.
Như
thế, thì bất luận Phật tử xuất gia hay tại gia, tất cả đều có thể trì tụng được
hết. Phật tử đừng có lo ngại chi cả. Ðiều quan trọng là khi trì tụng chú, chúng
ta cần phải nhiếp tâm thật kỹ. Như thế, thì rất dễ nhiếp phục vọng tưởng phiền
não. Phiền não vọng tưởng không có, thì ngay lúc đó tâm ta sẽ được an định
thanh thoát, nhẹ nhàng. Ðó là ta đã có được hạnh phúc phước báo rất lớn vậy.
Tác giả bài viết: TK Thich Phuoc Thai
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự