Hà Nội: Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng Vu Lan- Báo Hiếu tại chùa Kim Long

Chủ nhật - 15/08/2010 11:52
Ngày 14 tháng 08 năm 2010 , tại chùa Kim Long – thôn Phú Đa – xã Cần Kiệm - huyện Thạch Thất – Tp Hà Nội, Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS TW GHPGVN - Trưởng Ban Hoằng pháp TW - Trưởng BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội đã thuyết giảng về ý nghĩa Vu Lan - Báo Hiếu. Nhân dịp Đại lễ Vu Lan 2554 – DL 2010.

Tham dự buổi lễ có chư Tôn đức Ban hoằng pháp Trung ương, BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội, ban đại diện Phật giáo các quận huyện trong toàn thành phố  và hơn 1000 phật tử địa phương cùng đến tham dự.

 

Sau nghi thức cài hoa hồng và tặng quà mừng tuổi các cụ cao niêm, nghi thức dâng y cúng dàng chư Tôn thiền đức được diễn ra long trọng tràn đầy đạo vị.

 


Nhân dịp Đại lễ Vu Lan chùa Kim Long  TT Thích Bảo Nghiêm đã thuyết giảng về ý nghĩa mùa Vu Lan - Báo Hiếu

Mở đầu Thượng toạ đã nói đến địa danh, mảnh đất linh thiêng của chùa Kim Long "Đây là một thắng địa Tây Phương Cực lạc hiện tiền là một khu di tích thắng cảnh của Phật giáo Việt Nam nói chung và của Phật giáo Hà Nội nói riêng, bên cạnh đó là ngôi thánh tích chùa Tây Phương và Cực Lạc hướng chúng ta về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà".

 


Thượng toạ đã giải thích về tứ trọng ân " Với một sự kiện quan trọng mừng Đại lễ Vu Lan  tất cả những người con Phật  nhớ về 4 ân cao cả đó là Tứ trọng ân, một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Báo đáp Tứ trọng ân là bốn ân lớn nhất, trọng đại nhất của đời người mà bất cứ ai cũng không thể quên: Ân Tam Bảo Sư Trưởng – Ân quốc gia Xã Hội – Ân cha mẹ và Ân chúng sanh vạn loại".


Đặc biệt đối với 4 ân đó trong tiết Vu Lan này, Thượng toạ đã nói đến lòng biết ơn của người con đối với 2 đấng sinh thành đó là ân cha nghĩa mẹ. "Ca dao tục ngữ, tổ tiên, ông bà cha mẹ luôn dạy chúng ta phải nhớ tới «Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra».

Trong Kinh địa tạng đức Phật đã từng ví « Cha mẹ như Phật », « Phụ mẫu tại đường như chư Phật tại thế », cha trong nhà là Phật Thích Ca, mẹ trong nhà là Phật Di Lặc, nếu hai đấng sinh thành đó ta chưa báo đáp, phụng dưỡng và hiếu kính thì chúng không bao giờ đến chùa gặp được Phật. Tâm Hiếu là tâm Phật, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Đạo Phật luôn lấy chữ Hiếu làm đầu".

Thượng toạ đã minh chứng về lịch sử Đức Phật Thích Ca "Đức Phật xuất gia từ bỏ hoàng cung, dũ bỏ quyền uy của thế sự, dứt trừ ham muốn của con người để tìm chân lý giác ngộ, giải thoát cho chúng sinh, nhưng không phải thành Phật với cương vị đấng Thế Tôn Ngài quên đi tất cả mà Ngài luôn nhớ tới bậc cha lành, những người sinh thành ra mình. Do vậy khi vừa hành đạo xong, đức Phật đi về Hoàng cung để thăm hỏi Phụ hoàng.

Khi đứa vua Tịnh Phạm đau yếu, đức Phật bưng cháo cho Phụ hoàng ăn, khi Đức vua băng hà, đức Phật nén vai khiêng Kim quan của Phụ hoàng... Trong một mùa an Cư, đức Phật đã lên cung trời đao lợi, an cư trên đó 3 tháng để thuyết pháp cho Mẫu thân nghe.

Đó là tấm gương cao cả để dạy cho chúng ta bài học ngàn vàng dù ở đâu, dù cương vị nào và dù hoàn cảnh  thế nào chúng ta cũng không thể quyên ơn cha mẹ. Đức Phật đã dạy «Cha mẹ trong nhà như Phật ở đời» "

Thượng toạ đã chia vui với những ai còn cha, còn mẹ "Chúng tôi rất vui mừng trong pháp hội Vu Lan này có những vị cao tuổi vẫn còn diễm phúc cài trên ngực bông hoa đỏ. Bông hồng đỏ là diễm phúc còn mẹ, còn mẹ là còn tất cả, mẹ là tình thương bao la của chúng ta, hình ảnh của mẹ luôn bên ta, cho nên người dân Việt Nam trong tín ngưỡng của mình đã thần thánh hoá hình ảnh của mẹ bằng 3 toà vương mẫu, có nghĩa rằng dù con ở đâu mẹ cũng luôn ở bên con. Ngày mẹ qua đời là ngày đại hạn nhất của đời con, còn mẹ là còn diễm phúc lớn nhất cho con...’’

Trong đại lễ này nhằm mục đích tưởng nhớ và đền đáp công ơn sinh thành của cha sinh, Thượng toạ đã chúc mừng và cầu nguyện cho những ai có cha mẹ còn tại thế "hãy hướng cha mẹ về làm điều lành, quay về chính tín, tu nhân tích đức làm việc thiện, sống lâu với chúng con hơn nữa"

Bên cạnh đó Thượng toạ cũng đã chia sẻ  với những ai đã mất mẹ‘‘Quy luật sinh tử tuần hoàn là việc bình thường, có sinh thì sẽ có tử. Chúng ta cũng ngậm ngùi  với những ai có bông hồng trắng cài trên ngực, hãy nắng lòng một giây phút để tưởng nhớ đến mẹ, tưởng nhớ tới tất cả tổ tiên ông bà và tứ ân của chúng ta trong giờ phút trọng đại thiêng liêng này.

Mẹ mất nhưng mẹ không phải mất

Mẹ mãi muôn đời mẹ của con

Dù Nam Hải cạn, Thái Sơn mòn

Hình mẹ trong con không bao giờ mất

Sắc thân của mẹ mất nhưng tinh thần, hình ảnh, lời dạy của mẹ không bao giờ phai trong lòng con".

Thượng toạ cũng đã nhắn nhủ và khuyên bảo "Những ai đã trót gây cho cha mẹ những lối lầm đau khổ, trong những ngày này hãy về quỳ dưới chân cha mẹ nói lời xin lỗi, một lời tạ tội, một lời sám hối để được bao dung và tha thứ và từ này không bao giờ làm cho cha mẹ khổ đau, buồn phiền vì con nữa.

Chúng ta hãy khơi dậy, tập tục truyền thống, thuần phong mỹ tục, dạy cho con cho cháu biết hiếu dưỡng và nghe lời cha mẹ, giữ gìn truyền thống tổ tiên của cha ông ta đó mới là phụng dựng và tiếp nối tinh thần tri ân và báo ân của đạo Phật trong tiết Vu Lan này." 

Đúng vậy, mùa Vu Lan là mùa của tình thương tri ân và báo ân, không phải bằng lời nói xuông mà chúng ta hãy hành động bằng cử chỉ, lời nói để trở thành một con người con ngoan trò giỏi, một phật tử thuần thành và một người công dân tốt trong xã hội.

Bài pháp thoại của Thượng toạ kết thúc đã để lại nhiều cảm xúc và tình cảm của hơn 1000 phật tử tại chùa Kim Long nhân dịp mùa Vu Lan Báo Hiếu PL2554 –DL2010. Đó chính là sự tưởng nhớ đến ân sinh thành dưỡng dục cũng như hướng trọn tâm mình về hai đấng đã tạo nên hình hài và vóc dáng của mỗi chúng ta.

 

Cuối buổi lễ Chư tôn đức làm lễ tụng Vu Lan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây