Không nên biến lễ Vu Lan thành ngày mê tín

Thứ tư - 02/09/2009 06:36
Những chiếc Vespa cổ sang trọng và lịch lãm, những con "Mẹc" bóng loáng bên cạnh những tòa nhà chung cư cao ngất ngưởng, hay những vật dụng thông thường như ti vi, tủ lạnh, quần áo, giầy dép… đều có mặt tại các khu làng làm vàng mã có truyền thống.
“Trần sao âm vậy”

Cũng như mọi năm, vào mùa Vu Lan thị trường vàng mã thật sôi động, không những phong phú về chủng loại, mà còn đa dạng về màu sắc. Ở những làng vàng mã có tiếng phải kể đến làng Đông Hồ, (Thuận Thành, Bắc Ninh), làng Phúc Am, Duyên Thái ( Thường Tín, Hà Nội) hay làng Cót (Cầu Giấy) vào những ngày này nhộn nhịp như vào mùa trẩy hội.

Chị Đỗ Thị Thoa, ở Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh nói: “ Ở làng tôi, mỗi nhà chuyên làm một vài mặt hàng chứ ôm đồm làm sao hết được, quanh năm làm không hết việc nhưng vào rằm tháng 7 hay ông Công, ông Táo thì thở cũng chả kịp ý chứ ”.

Những mặt hàng như ông thần linh, thần tài, tivi, tủ lạnh, bộ trang sức, quân phục, rùa, ngựa … vẫn là những mặt hàng truyền thống như mọi năm là vẫn bán chạy bởi giá hợp lý khoảng 12 nghìn đồng/ bộ. Còn hững mặt hàng cao cấp hơn như nhà lầu, xe hơi cũng khá ăn khách, nhưng không đắt hàng như mọi năm.

Năm nay, thị trường vàng mã xuất hiện thêm một loại tiền vàng mới mà thoạt nhìn nhiều người lầm tưởng đó là tiền thật. Thay vì hình ảnh Bác Hồ thì ở loại tiền mới này được in hình Diêm Vương, được bán với giá 5 nghìn đồng/ 100 tờ các mệnh giá.

Vì vậy, với khoảng trên dưới 50 nghìn là có thể sắm đủ bộ cúng lễ ngày rằm, tuy nhiên theo chị Nguyễn Thu Hiền nhà ở Khâm Thiên cho hay:  "Tôi cũng đốt mất khoảng 500 nghìn đồng vào ngày rằm, vì còn nhiều thứ lắm. Mà mình cũng muốn biếu các cụ dùng cho đầy đủ”.

Giá một chiếc SH hay @ có giá dao động từ 90 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng/ chiếc, còn những chiếc Jupiter hay Aiblade thì từ 20 đến 30 nghìn / chiếc.  Anh Nguyễn Đức Tiến ở xã Song Hồ cho biết: “ Giá cả cũng không theo giá thị trường lắm, giá chung thôi nhưng có thể dao động tùy từng khách nữa. Khách quen lại khác”.

Chị Tạ Phương Hà, nhà ở Văn Điển cho hay: “ Tôi đến đây mua tranh, nhưng thấy có nhiều vàng mã nên alo cho bạn bè xem có chuẩn bị cho rằm thì tôi mua buôn luôn một vài thứ ở đây cho rẻ, về nhà chia cho mỗi nhà một ít, đằng nào chả phải mua”.

“Trung bình một ngày nhà tôi làm được khoảng trên dưới 100 cái xe máy các loại, mà cũng phải chuẩn bị trước mấy tháng mới có đủ hàng rằm đấy”. Anh Tiến nói thêm.

Vì ngày rằm tháng 7 năm nay không trùng với ngày nghỉ, và cũng muốn chuẩn bị cho chu đáo nên hầu như mọi nhà đều đi sắm Vu Lan sớm. Dạo một vòng quanh phố Hàng Mã, vẫn cái không khí ồn ã phố xá thị thành nhưng cũng chỉ lẻ tẻ một vài người đi mua lẻ.

Chị Hạnh, số 2 Hàng Mã cho biết: “ Hầu như những người mua buôn là bọn tôi chở hàng về tận nhà, bây giờ sát ngày rồi muốn đặt hàng  sợ hơi khó”.

Hứa hẹn nhiều hiểm họa.

Ngày rằm tháng 7 lễ xá tội vong nhân hay ngày Vu Lan, đều là những nghi thức cúng bái của nhà Phật, đưa con người ta vào thế giới tâm linh với sự bình an trong tâm hồn, nó được gìn giữ và tồn tại bao đời nay.

Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là những suy nghĩ muốn cho các cụ đủ đầy dưới cõi âm mà nhiều người đã vô tình biến ngày lễ Vu Lan làm mất đi ý nghĩa của nó.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ, chùa Quán Sứ chia sẻ: “Tôi không tán thành việc đốt vàng mã quá nhiều trong ngày lễ Vu Lan, nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì ngược đãi thế mà khi cha mẹ mất đi lại đốt rất nhiều vàng mã và cho rằng đó là báo hiếu cha mẹ. Không nên biến ngày Đại lễ Vu Lan trở thành ngày mê tín dị đoan, gây lãng phí”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều là nhờ có nghề làm mã mà rất nhiều hộ gia đình trong các làng nghề truyền thống khi chuyển sang làm vàng mã đều có “của ăn của để”, đời sống khấm khá lên trông thấy.

“Có cung ắt có cầu”, đó là lẽ đương nhiên, đây cũng phải lễ Vu Lan đầu tiên mà vàng mã lại được tiêu thụ với số lượng lớn mặc dù nó đã được các cơ quan chức năng lên tiếng phê phán vì những mặt trái của nó.

Những vụ cháy vì đốt vàng mã xảy ra không phải ít, nhưng nó cũng không cảnh tỉnh được người dân đốt vàng mã trong nhà. Vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi thì thay vì đốt vàng mã thì họ lại đốt chính nhà mình.

Phải chăng, khi cuộc sống vật chất đủ đầy thì sự nghèo nàn trong tâm hồn ngày càng hiện rõ? Người ta lao vào vòng xoáy của sự mê tín với việc mua tiền giả, đốt tiền thật hòng có được sự bình an. Xin hãy để một mùa Vu Lan đúng nghĩa với cái chân giá trị của nó.

Nguồn tin: Người Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây