Giáo dục Phật giáo ở Thái Lan ngày nay

Thứ tư - 26/08/2009 07:45
Theo truyền thống, học tập, rèn luyện, nghiên cứu, và giáo dục hợp thành nòng cốt của Phật giáo. Chính việc nỗ lực tìm hiểu Phật giáo là một hình thức giáo dục. Hơn nữa, thuật ngữ ‘Buddha’ không chỉ có nghĩa là người có trí tuệ mà còn có nghĩa là người đem trí tuệ của mình truyền trao cho người khác. Vì vậy, Phật giáo là một tôn giáo của những người hết lòng học hỏi những lời Đức Phật dạy, tự giáo dục mình và đem những gì mình đạt được truyền trao cho người khác.
Bài viết này trình bày cả hai hệ thống giáo dục: giáo dục truyền thống và giáo dục chính quy mới thành lập gần đây dành cho chư Tăng ở Thái Lan, cũng như đề cập đến một sự kiện có tính báo động về tình hình giảm sút số lượng người xuất gia ở Thái Lan hiện nay.

Mặc dù nhu cầu giáo dục ở các trường đại học Phật giáo ở Thái Lan rất cao, chi nhánh của các trường đại học cũng phân bố khắp cả nước, và bất kể là nhiều trường trong số các đại học Phật giáo này có liên kết với các trường Phật giáo nước ngoài. Sự giảm sút về số lượng chư Tăng học ở cấp trung học trở lên đã trở thành vấn đề đáng lo ngại cho tất cả các bộ phận có chức năng, bao gồm tổ chức Tăng đoàn, các bộ của chính phủ và các tổ chức tư nhân. Tôi tin rằng đây cũng là trường hợp của các nước chính thức được xem là cái nôi của truyền thống và giáo dục Phật giáo. 

Nhiệm vụ của một tu sĩ Phật Giáo

Theo truyền thống, học tập, rèn luyện, nghiên cứu, và giáo dục hợp thành nòng cốt của Phật giáo. Chính việc nỗ lực tìm hiểu Phật giáo là một hình thức giáo dục. Hơn nữa, thuật ngữ ‘Buddha’ không chỉ có nghĩa là người có trí tuệ mà còn có nghĩa là người đem trí tuệ của mình truyền trao cho người khác. Vì vậy, Phật giáo là một tôn giáo của những người hết lòng học hỏi những lời Đức Phật dạy, tự giáo dục mình và đem những gì mình đạt được truyền trao cho người khác. Phật Giáo và giáo dục luôn luôn đồng hành với nhau và gần như là một.

Theo Đức Phật, có hai trách nhiệm hoặc bổn phận chính mà một người tu sĩ phải gánh vác một khi vị đó đạt được trình độ tâm linh cao và được quần chúng tin cậy có thể mang lại hạnh phúc và lợi ích cho đời. Hai nhiệm vụ này được giải thích như sau:

Thứ nhất, một vị tu sĩ cần phải học, phải có trách nhiệm học tất cả những lời dạy của Đức Phật. Một vị tu sĩ phải học kinh điển trong Tam tạng mà ngày nay chúng ta gọi là Tạng kinh Pāli. Mỗi vị đều có thể tự do lựa chọn, tùy vào khả năng của mình mà có thể học một tạng, hai tạng, hay cả ba tạng kinh điển nếu vị ấy muốn. Một khi nắm vững và có khả năng ghi nhớ giáo pháp trong kinh điển, vị ấy nên thuyết giảng kinh pháp cho người khác. Nhiệm vụ này gọi là ganthadhura, tức là nhiệm vụ học; nhiệm vụ này thích hợp với tất cả, chư Tăng cũng như tập sự, dù là người cư trú ở thành thị hay núi rừng, là người mới nhập đạo, hay là vị sư mới thọ giới hoặc đã thọ giới pháp trong thời gian lâu. Trong lịch sử các vị đệ tử lớn của Đức Phật, ngài La-hầu-la (Rahula) được biết đến là một vị đệ tử chuyên tâm học hành nhất và được Đức Phật ngợi khen là một trong những vị có sở học uyên thâm nhất thời bấy giờ.

Để thực hiện mục đích học này, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của một vị tu sĩ, ít ra là trong các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, là học Pāli. Pāli là ngôn ngữ gốc Đức Phật dùng để thuyết pháp, và đây là ngôn ngữ người dân miền Trung Ấn sử dụng trong thời Đức Phật. Muốn hiểu được thật sự Đức Phật đã dạy những gì, học Pāli là một điều kiện tất yếu, vì với ngôn ngữ Pāli, chúng ta có thể đọc được những lời kinh điển gốc bằng chính ngôn ngữ Đức Phật nói ra thời ấy. Pāli là thánh ngữ, giáo pháp nguyên thuỷ của Đức Phật và một số tác phẩm Kinh điển khác, cả cho xuất gia và tại gia, được lưu giữ bằng ngôn ngữ này. Ở Thái Lan, cả hai hệ thống giáo dục truyền thống và giáo dục học đường đều chia việc học ra thành hai nhóm: học pháp (có ba cấp độ từ lớp I đến III) và học Pāli (có 9 cấp độ từ lớp I, II đến IX). Có hai trường đại học do Tăng đoàn điều hành, đó là đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, thuộc trường phái Mahānikāya, và đại học Phật giáo Mahamakut thuộc trường phái Dhammayut. Cả hai trường đều có chương trình học chính thức cho chư Tăng, tập sự cư sĩ và cả hai đều được Hội đồng Tăng già tối cao cũng như chính quyền hoàng gia Thái hỗ trợ.

Thứ hai, một tu sĩ phải thực hành thiền định. Chư Tăng và Sa-di phải thức dậy sớm, tụng kinh hay cầu nguyện buổi sáng trước khi đi trì bình khất thực. Buổi chiều tối, thời khóa cũng tương tự như vậy. Sau khóa lễ tụng kinh buổi tối, là giờ trau dồi pháp hành với mục đích phát triển tuệ quán về ba đặc tính phổ quát, đó là vô thường, khổ và vô ngã. Yêu cầu này chính là thực hành thiền quán, một pháp tu thích hợp cho các vị tu sĩ theo truyền thống tu ở núi rừng và những vị lớn tuổi mới xuất gia, vì với pháp tu thiền định, chư vị này dễ hành trì lời Phật dạy hơn là cố gắng ghi nhớ đọc tụng và học thuộc lòng Kinh điển. Lý tưởng nhất là tu sĩ thực hiện cả hai nhiệm vụ học và thiền định song song với nhau; được như vậy thì Phật Giáo mới thịnh hành trong tương lai. Tuy nhiên, thỉnh thoảng một số tu sĩ, một khi chú tâm vào việc học, phàn nàn rằng họ không còn thời gian để thực hành thiền định và ngược lại, một số vị thực hành thiền định nhiều quá cũng than rằng họ không còn thời gian để học Tam tạng kinh điển.

Học Phật theo truyền thống

Trong kinh điển Phật giáo, sikkhā là thuật ngữ Pāli chỉ cho khái niệm ‘học’. Sikkhā chỉ cho những gì chúng ta cần học thuộc và tiếp đó là áp dụng thực hành. Có ba phương diện cần phải trau giồi: thân, khẩu và ý nhằm có được trí tuệ và dần dần chứng đạt Niết Bàn. Ba phương diện trau giồi này gọi là tisikkhā, ba pháp học theo truyền thống Phật Giáo.  

Phương diện thứ nhất là trau giồi đạo đức, giới hạnh của người xuất gia, sử dụng lời nói và hành động một cách chuẩn mực và đứng đắn, tự điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với mô phạm xã hội. Đạo đức là phương diện thực hành bên ngoài, hướng đến một cuộc sống an lành với những người xung quanh và đem lại trật tự cho xã hội.

Phương diện thứ hai là tu tập thiền định và phát triển định lực cao hơn. Đó là thực hành thiền, huấn luyện tâm để tâm ý được thuần thục, như có khả năng tập trung cao độ. Định là phương diện tu tập bên trong. Như Đức Phật dạy, người nào tự huấn luyện được mình là người tuyệt vời nhất. Định giúp cho thân thể tráng kiện, tăng trưởng trí nhớ và có khả năng làm việc hiệu quả để đạt đến thành công.

Phương diện thứ ba là trau giồi trí tuệ, phát triển trí tuệ đến mức cao hơn và nỗ lực để đạt được trí tuệ cao nhất. Chỉ có những người nào có được trí và tuệ viên mãn mới có thể vượt qua khổ đau. Người có trí tuệ sẽ hiểu được bản chất như thật của các pháp và không còn tâm chấp trước. Các vị ấy sẽ thấu hiểu được ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã một cách rốt ráo.

Sự phát triển việc học Pāli ở Thái Lan

Từ khi ngôn ngữ Pāli mới được giới thiệu và được học bằng cách đọc thuộc lòng thông qua đọc tụng hoặc bằng văn bản viết, nó đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng ở Thái Lan. Người ta học Pāli sớm nhất là từ thời Sukhothai, khi Phật Giáo du nhập qua Nakhon Si Thammarat, vào phía nam vương quốc này. Theo các nguồn truyền thống, tiếng Pāli đầu tiên được truyền vào Thái Lan do một nhóm tu sĩ người Tích Lan đến truyền bá giáo lý cao siêu của Đức Phật trên đất nước này. Truyền thống của Thái Lan cũng tin rằng người nào học được ngôn ngữ Pāli sẽ là người có khả năng giữ gìn kho tàng giáo lý của Đức Phật trong hiện tại cũng như tương lai. Từ thời vua Rāma thứ V, tập sự nào dưới 20 tuổi mà có thể đậu kỳ thi Pāli IX sẽ vinh dự được nhà vua bảo trợ cho thọ giới trong tu viện hoàng gia.

Những đổi thay trong giáo dục Thái Lan

Thái Lan là một đất nước Phật Giáo được mệnh danh là “đất của y vàng”. Hầu hết dân chúng Thái Lan, khoảng 94 %, tự coi mình là Phật tử. Trên khắp đất nước, có 35.237 ngôi chùa với 328.244 Tăng sĩ và sa di đang tu học. Mỗi một người công dân nam Thái Lan, ít nhất một lần trong đời, có một thời gian xuất gia làm tu sĩ ở tu viện, thường là khoảng ba tháng. Cho đến thời gian gần đây, tu viện luôn là trung tâm giáo dục và là nơi cho các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, tình hình này bây giờ đã thay đổi đáng kể, do quá trình thành thị hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là ảnh hưởng từ phương Tây khi kỹ thuật tiên tiến và khoa học hiện đại được đưa vào Thái Lan. Nhiều nhà phê bình cho rằng thay đổi là điều tất yếu và truyền thống Phật Giáo hiện tại không thể nào chống chọi nổi với những thử thách mà Phật Giáo đang phải đối mặt hiện nay. Một ví dụ điển hình là, Phật Giáo dạy con người tránh tham lam, trong khi đó, chính lòng tham ngự trị ngay trong lòng của thế giới tư bản và hiện đại.

Lầu đài và tu viện

Trước đây, thanh niên trẻ ít có cơ hội để học lên bậc đại học, đặc biệt là những người sống ở các miền quê, vì chỉ có cung điện hoàng gia và tu viện ở thành phố đào tạo lên đến bậc đại học. Những cung điện hoàng gia nhận và đào tạo cả nam lẫn nữ và những ai được sự giáo dục từ hệ thống này đều có một tương lai đầy hứa hẹn. Trong khi đó, giáo dục tu viện chỉ dành cho người nam và hầu hết người học, nếu không nói là tất cả, đều là chư Tăng và tập sự xuất gia thọ giới để được học ở hệ thống trường này. Không thiếu những người còn trẻ, năng nổ nắm lấy cơ hội vào tu viện để được học nâng cao. Bây giờ, tình hình đã thay đổi nhiều, từ khi chính quyền thiết lập hệ thống giáo dục phổ cập và miễn phí cho trẻ đến tuổi 12. Do đó, trẻ em ngày nay thích học ở hệ thống giáo dục đời thường do nhà nước hỗ trợ hơn là giáo dục tu viện. 

Đây chỉ là biểu hiện nhỏ của vấn đề còn tiềm ẩn và trầm trọng hơn.

Hiện nay, không có mấy ai tìm đến tu viện để thọ giới xuất gia nữa. Đây chỉ là một biểu hiện nhỏ của vấn đề tiềm ẩn trầm trọng hơn với mức độ ngày càng tăng mà Phật Giáo Thái Lan cũng như các nước khác đang gặp phải. Nếu hiện tượng này tiếp tục cho đến thế kỷ sau, Phật Giáo chắc hẳn phải đương đầu một thử thách to lớn về sự giảm đi nhanh chóng số lượng tu sĩ. Một vấn đề khác nữa là, ngày nay, những người nào đến tu viện thọ giới xuất gia, họ cũng tu thời gian ngắn hơn nhiều so với trước. Theo truyền thống, những người mới thọ giới, nếu các tập sự này quyết định chỉ xuất gia gieo duyên ở tu viện một thời gian ngắn, sẽ duy trì hình thức xuất gia này trong ba tháng. Thường thì những người này gia nhập Tăng đoàn vào đầu mùa An cư và xả y vào ngày Tự tứ cuối mùa An cư năm ấy, ngày mà chư Tăng được cúng dường y mới.

Ngày nay, những thanh niên trẻ, được sự cho phép của các tổ chức nhà nước hoặc tư nhân, xuất gia thọ giới chỉ trong thời gian ngắn hơn nữa, rồi sau đó xả y hoàn tục sau một thời gian ngắn ngủi ở tu viện. Nhiều người xuất gia chỉ trong 15 ngày, quá ít so với truyền thống. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự bất ổn ngày càng tăng của Tăng đoàn, đặc biệt là không có một hệ thống quy chế luật lệ, không có một chương trình học có thể thu hút chư Tăng ở lại tu viện lâu hơn cho đến khi hoàn thành chương trình học.

Kết luận

Chư Tăng, người tiếp nối giáo pháp của Đức Phật, đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và tiếp tục thắp sáng ngọn đèn chánh pháp. Một nghiên cứu gần đây của trung tâm nghiên cứu nhân loại học Sirindhorn ở Bangkok về số lượng và chất lượng của Tăng đoàn Thái Lan, đưa ra kết luận rằng thành viên trong Tăng đoàn ngày càng giảm đi và xu hướng này tiếp tục diễn ra từng ngày.

Nghiên cứu này đưa ra thông tin rằng vào năm 1960, tỉ lệ chư Tăng và tập sự đối với dân số toàn quốc là 200 ngàn / 28 triệu. Ngày nay, chỉ có 300 ngàn chư Tăng và tập sự trong một cộng đồng có dân số 64 triệu người. Hơn nữa, số chư Tăng và tập sự này phần lớn cư ngụ tại thành phố và thị trấn, nơi họ có thể được học hành, trong khi đó, nhìn chung, không có nhiều hơn 5 người xuất gia trong một làng và số lượng ít ỏi này không đáp ứng nổi nhu cầu của Phật tử địa phương.

Trước đây, chư Tăng rất được cư sĩ Phật tử tôn kính và ngưỡng mộ, đặc biệt những vị nào có thời gian tu tập lâu năm, sẽ thâm nhập giáo điển sâu sắc hơn thì sẽ có khả năng giao tiếp với xã hội rộng hơn. Thế nhưng ngày nay, khi nhiều người gia nhập Tăng đoàn làm tập sự trong thời gian quá ngắn như vậy, có một mối quan ngại rằng, rồi đây, ai sẽ là người thừa kế Giáo pháp của Đức Phật? Mặc dù đã có một vài nỗ lực để chỉnh đốn tình trạng này, như là chương trình thành lập mỗi một làng xã có một người thọ pháp, thế nhưng chương trình này cũng không phát triển được như mong đợi ban đầu.

Thống kê:

Tu viện tính đến ngày 31/12/2007:

Tổng số tu viện trên toàn quốc: 35.271

Trường phái Mahānikāya: 32.979

Trường phái Dhammayut: 2.265

Trường phái Chinese Nikāya: 13

Trường phái Anan Nikāya: 14

Tổng số tu viện Hoàng gia ủng hộ: 281

Trường phái Mahānikāya: 225

Trường phái Dhammayut: 56

Tu viện bình thường tính đến ngày 31/12/2007

Tổng số tu viện trên toàn quốc: 34.990

Trường phái Mahānikāya: 32.754

Trường phái Dhammayut: 2209

Trường phái Chinese Nikāya: 13

Trường phái Anan Nikāya: 14

Số lượng chư Tăng và sa-di tính đến ngày 31/12/2007

Tổng số chư Tăng và tập sự: 328.244

Chư Tăng

Tổng số trên toàn quốc: 258.163

Trường phái Mahānikāya: 230.910

Trường phái Dhammayut: 27.253

Tập sự: 70.081

Trường phái Mahānikāya: 59.956

Trường phái Dhammayut: 10.125

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây