Thiện
Tâm từ một tấm lòng
Nằm
dưới chân cầu Lê Văn Sỹ, quán cơm chay Thiện Tâm là một địa chỉ đặc biệt, bởi
vào các buổi trưa thứ ba, năm, bảy những người ghé chân đến đây sẽ được phục vụ
bữa cơm miễn phí. Khách hàng của quán là những người buôn bán ve chai, vé số,
người tàn tật, sinh viên… và ai cũng được nhân viên trong quán phục vụ tận tình
như nhau, không có sự phân biệt. Khách đến, tự lấy chén đĩa, muỗng nĩa để sẵn,
đưa cho nhân viên xới cơm và lấy thức ăn. Mỗi phần sẽ gồm cơm, thức ăn mặn và
canh. Nhận cơm xong mỗi người tự tìm chỗ ngồi, là các bàn kê dưới bóng cây rợp trong
công viên và dọc con hẻm của khu dân cư. Ăn xong khách tự rửa chén đĩa trong 6
thau nước để sẵn và xếp gọn gàng vào rổ. Bình trà đá cũng để sẵn cạnh bên hết
sức chu đáo.
Quán
cơm Thiện Tâm được mở từ giữa năm 2007. Chủ quán là bác Lê Công Thượng, được
mọi người gọi bằng cái tên thân mật là bác Sáu. Tuổi thơ cơ cực từ Sóc Trăng và
lăn lộn kiếm sống nhiều năm ở thành phố khiến bác luôn đồng cảm với người nghèo
và luôn mong có điều kiện để giúp những người nghèo. Mãi đến gần 70 tuổi, khi
có chút tiền "dưỡng già" bác mới thực hiện được ước mơ ấp ủ hàng chục
năm của mình là giúp người nghèo được no lòng bằng việc mở một quán cơm mà
khách chỉ đến ăn chứ không phải trả tiền. Ghé vai gánh vác trách nhiệm tài
chính với bác là anh Nguyễn Tấn Thịnh, một nhà hảo tâm ở quận Gò Vấp. Đều đặn
mỗi tuần 3 buổi, bác Sáu và anh Thịnh đều có mặt tại quán để cùng nấu nướng,
chăm sóc bữa ăn và trò chuyện với những thực khách ở đây.
Hiện
mỗi ngày tiệm cơm của bác Sáu phục vụ khoảng 500 suất cơm. Trước đây, khi quán
mới khai trương, chưa được nhiều người biết đến, bác Sáu đã phải đi đến các
chân cầu, vỉa hè, chợ… để "mời" bà con đến ăn cơm. Và ngay bây giờ,
khi tới đầu cầu Lê Văn Sỹ, đã thấy có tấm biển dẫn đường: "Thiện Tâm - Ăn
cơm miễn phí, cách 30m" để mọi người dễ tìm thấy hơn.
Cô
chủ trẻ và quán cơm 2.000
Quán
cơm 2.000 mà chị Dung nhắc đến nằm ở đường số 3, Cư xá Lữ Gia, quận 11. Tên
quán cơm cũng chính là giá tiền mỗi suất ăn ở đây. Quán mở cửa vào các trưa thứ
hai, tư và sáu. Và mặc cho giá cả lên xuống, từ ngày quán cơm hoạt động (15-9-2008)
đến nay, giá mỗi phần gồm cơm, thức ăn mặn, canh và cả một trái chuối tráng
miệng vẫn chỉ có 2.000 đồng.
Làm
nghề thu mua ve chai, hai vợ chồng chị Dung là "khách ruột" của quán
Thiện Tâm và cả Quán cơm 2.000. Chị bảo, "chịu khó" chạy qua chạy lại
giữa hai quán, mỗi ngày vợ chồng chị tiết kiệm được ít nhất 20.000 đồng, một
món tiền không hề nhỏ với người nghèo. Còn em Nguyễn Văn Quang, quê ở Hà Tĩnh, sinh
viên năm thứ hai của Trường Đại học Bách khoa cho biết, từ khi có quán cơm giá
chỉ 2.000 đồng, em rất mừng và trở thành khách "ruột" của quán. Suất
cơm 2.000 đồng theo em ngon không thua gì cơm bình dân 10.000 đồng ở xung
quanh. Không chỉ em, mà cả gia đình và nhiều bạn sinh viên khác cũng rất cảm
kích tấm lòng cô chủ quán.
Khá
ngạc nhiên là chủ nhân của Quán cơm 2.000 là một cô gái còn rất trẻ, chỉ vừa
bước qua tuổi 30. Từng trải qua cuộc sống khó khăn thời sinh viên, cô gái này
ấp ủ ước mơ giúp đỡ những sinh viên nghèo có những bữa ăn tươm tất để yên tâm
học hành. Năm 2008, khi đã có chút vốn liếng trong tay và với sự giúp đỡ của
bạn bè, cô đã lập ra quán này. Hiện mỗi ngày quán phục vụ khoảng 500 suất ăn,
phần đông là sinh viên các trường đại học. Giá 2.000 đồng cho bữa cơm chỉ là
tượng trưng, để thay vì miễn phí, người đến ăn vẫn có cảm giác tự nhiên của
người đi "mua" chứ không phải đi "xin".
Trên
bức tường của Quán cơm 2.000 còn có dòng chữ: "Chúng tôi phục vụ các bạn,
thành công mong các bạn nhớ đến những anh em còn khó khăn". Đây là mong
ước của cô chủ quán trẻ cũng như bác Sáu và anh Thịnh, những người làm từ thiện
không cần mong được đáp lại, chỉ mong cho mọi người biết quan tâm đến những người
nghèo khổ hơn mình.
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự