Đi làm đám cưới cho... ma

Thứ hai - 21/09/2009 10:56
"Số cháu lấy vợ tuổi này là không hợp, vợ cháu cao số lắm, không hoá giải kịp thì trước sau cháu cũng chết yểu…”. Thôi, thương con, “thầy” sẽ làm lễ “giải hạn”. Đã vào tay "thầy" là xong tuốt". Cứ đưa đây 2 triệu, “thầy” lo chu đáo hết. Anh Thành, sinh tuổi Quý Hợi, gặp vợ tuối Bính Dần (tuổi Hổ). Theo quan niệm của bố mẹ thì hai đứa không hợp.

Dù biết vậy nhưng Thành vẫn phải cắn răng mà “ép” bố mẹ vì vợ tuơng lai đang “lùm lùm”, chờ ngày “nổ”. Tìm đủ cách, cuối cùng bà Châu, mẹ Thành cầu kiến đến thầy bói nhờ hoá giải.

“Thầy” Đ. quê xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Mấy năm nay nổi lên như cồn. Mỗi ngày có hàng trăm người khắp nơi ùn ùn kéo đến cầu xin phước lộc. Khẩu hiệu của “thầy” được truyền dụ: “Đã ra tay thì “hạn” nặng đến mấy cũng hoá giải được tuốt”.

Nghe qua câu chuyện bà Châu, “thầy” phán xanh rờn: “Nếu không hoá giải sớm thì cậu quý tử nhà bà sẽ chết non. Mất người nối dõi tông đường như chơi. Tốt nhất cứ “cưới âm” cho cháu”. Bà Châu tái mặt khẩn khoản nhờ “thầy” ra tay cứu sinh độ thế.

“Thầy” không quên dặn dò bà Châu phải chuẩn bị lễ "giải hạn". Hỏi bao nhiêu, miệng “thầy” buông gọn: “Hạn cháu nặng lắm, sắm nhiều lễ. Cứ đưa đây 2 triệu, “thầy” lo chu đáo hết. Gặp “thầy” là… đứt điện liền. Nếu làm thì trước khi cưới, “thầy” làm chung luôn cùng mấy đứa nữa. Gớm! Giờ lớp trẻ “máu” thế, có cấm mấy nó vẫn yêu. May cho bà là sớm gặp tay  "thầy" đấy”.

Hành xác hầu “thầy"… pê đê

Cuối tháng 8/2009, “thầy” hành hương về Đền Cờn (xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Theo sau là đám “đệ tử” tay kèn, tay trống. Từ sáng sớm, hàng chục người đã háo hức có mặt, đi kèm là những cặp uyên ương đến chùa diện kiến.

Chuẩn bị vào đại lễ, “thầy” búng tay dặn dò: Các con ai có nhu cầu “gửi tình yêu vào đất” thì giải quyết luôn đi, vào rồi cấm được ra, mất linh.

8h sáng, không khí đang ồn ào bỗng tĩnh lặng. Gian đền chính có hàng chục người ngồi chen chúc, hai tay chắp lạy, nét mặt tôn nghiêm. Một lúc dàn nhạc đồng thanh vang lên chói tai, khiến nhiều người nhăn nhó.

Quan sát xung quanh gian đền chính, chúng tôi thấy hàng chục “đôi uyên ương” được làm bằng giấy, trong trang phục áo cưới màu hồng, vàng, tay nắm tay, được xếp vào góc. Cạnh bên những khay đựng tiền lễ được đặt trước mặt của đám cầu sinh.

Sau khi ghi họ tên khách vào sổ, "thầy" bắt đầu gõ mõ cốc cốc, thưa bẩm huyên thuyên, gọi tên đủ các thần linh trên đời. Rồi “thầy” bắt đầu hò hét, cả thân hình và cái đầu được trùm dưới tấm khăn choàng đỏ bắt đầu lắc lư.

“Thầy” rùng mình đứng dậy, miệng hô vang:“Hôm nay ta thấu tình tâm nguyện, về đây giúp, các con có mưu cầu gì cứ nói”. Đám hầu sinh cúi rạp người, miệng đồng thanh: “Con lạy thầy!”

“Thầy” bắt đầu ứng nghiệm. Trong những pha nhập vai “cô Tám, cô Chín, ông Hoàng Mười…”, mỗi kiểu “thầy” hóa thân đều được hai hầu đồng theo sau tự bố trí, trang điểm. Trên khuôn mặt “thầy” son phấn bôi lòe loẹt, hàng lông mày được kẻ đậm. Mấy người đi cùng tiết lộ: “Thầy là pê-đê đấy”.

Tại gian chính của ngôi đền, với những vai “nhập hồn”, “thầy” cứ xúng xính trong bộ váy nhảy nhót loạn xạ. Vừa nhảy tay “thầy” vừa cầm thuốc lá đốt liên hoàn. Nhưng dù có “nhập vai”, dù có “lên đồng” thì “thầy” đều biểu diễn đúng một chiêu bài: Hai chân nhảy vòng quanh, chân nam đá chân chiêu, tay cầm quạt phe phẩy.

Đối với những vị “thần linh nữ” như “cô Tám, cô Chín”, thầy diễn điệu đà hơn một chút. Đối với những “thân linh nam”, thầy dùng kiếm (gỗ), múa ngang lượn dọc, khiến đám hầu sinh tái mặt mỗi khi thầy vung… kiếm.

Vừa diễn xong tiết mục “cậu nhỏ lên núi”, “thầy” bảo tạm dừng cho các con vệ sinh, kiếm cái gì lót dạ. Ngó xuống đồng hồ, đã điểm sang 2h chiều.

“Thầy” vừa dứt lời, đám hầu sinh không kịp kiêng lễ phép nơi chốn linh thiêng, tháo chạy ồ ạt tìm nơi “giải quyết nhu cầu”. Mấy đứa bé đi cùng do đã có “lệnh cấm” của “thầy” khi được phép ra ngoài, nhìn xuống đã thấy đủng quần ướt mèm, hóa ra các cháu  giải quyết “tâm sự” luôn tại trận.

Bố "lên đồng", con nhặt tiền

Sau 30 phút tạm nghỉ, vở diễn của “thầy” bắt đầu lên đến đỉnh điểm. Không ai bảo ai, những đám hầu sinh trên tay cầm sẵn từng xấp tiền từ 1.000 đến 10.000 đồng, thậm chí cả loại tiền mệnh giá 50.000- 100.000 đồng.

Màn kịch cũ tái diễn. “Thầy” lại nhảy nhưng phương án tiếp cận với đám hầu sinh “thân thiện” hơn. Giờ, sau mỗi lần “lên đồng”, miệng “thầy” hô vang: “Các con ai thành tâm cứ đặt tiền vào lễ, rồi muốn xin bao nhiêu “lộc” cũng được. Âm duyên dù có chia lìa ngăn cách, ta sẽ xem xét ra tay trị hạn”. Lần lượt, số tiền được đặt vào lễ tăng dần.

“Thầy” lấy xấp tiền mệnh giá 200 và 500 đồng rải khắp, ném tứ phía cho đám hầu sinh. Tuy nhiên, những người nào đặt lễ nhiều và thân quen thì “thầy” tập trung ném tiền về phía đó. Đám hầu sinh hầu cạnh cũng “hưởng xái” phần lộc nhiều hơn.

Nhẩm tính sơ sơ, số tiền “thầy” vứt ra khoảng 500.000 đồng. Còn số tiền của đám hầu sinh đặt vào bàn lễ nhẩm sơ sơ cũng tới gần chục triệu.

Vợ con thầy theo cạnh. Đứa bé chừng 3 tuổi, con ‘thầy” bất chấp bố đang “lên đồng”, cứ thấy tiền là ngó nghiêng, chạy bên này, bên kia, lấy tiền nhét vào túi. Đám hầu sinh cười: “Chắc nó cũng “lên đồng” rồi đấy! Con “thầy” có khác, khôn đáo để”.

Kết thúc buổi hành lễ, kéo dài gần 12 tiếng đồng hồ, trên khuôn mặt đám hầu sinh ủ rủ, mệt nhoài. Y lệnh “thầy”, lần lượt những “đôi uyên ương” được đem ra phía góc sau gian chùa chính hỏa táng.

Ngoài trời mưa đổ tầm tã, sấm chớp nhì nhoằng.  “Thầy" trấn an: “Ta đã bảo mà, cầu được ước thấy. Mưa là “lộc" đấy!. Nói xong, “thầy” lên xe ô tô khuất bóng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây