Giải mã tục đốt vàng mã

Thứ sáu - 04/09/2009 11:12
Tục đốt vàng mã của người Việt đã có từ lâu lắm rồi. Tập tục này của người Việt một khi đã biến thành tập quán của một tộc người thì rất khó bỏ; do vậy mọi biện pháp cấm đoán, mọi lời cảnh báo trở nên xa vời với đời sống thực tế đang diễn ra. Cứ đến lễ tết, giỗ chạp là người ta lại đốt vàng mã cho người chết, cho ông bà tiên tổ, trong đó có cả tôi. Điềm tĩnh mà suy xét thì để có vàng mã đốt, chúng ta mang tiền thật đi đổi lấy tiền giấy, chỉ mong mang lại cho mình sự bình an linh thiêng mà cuộc sống mưu sinh thường nhật ít thấy.
Như vậy, nhìn từ khía cạnh kinh tế, dù dưới hình thức nào đi chăng nữa thì hành động đó của con người là đem tiền thật (hay đúng ra mang một phần thu nhập của mình) đi đốt cho cái tâm của mình trọn hưởng sự bình an và hy vọng cha ông, tiên tổ nhà mình được hưởng một chút lợi lộc từ lòng thành kính của con cháu.

Vậy ai là người đầu tiên đã đốt tiền vàng cho người chết? Rất may tôi đã tìm thấy một tài liệu như sau:

Truyện rằng vào thời Đông Hán, Trung Quốc (cách chúng ta hơn 2.000 năm) có người tên Thái Luân có nghề làm giấy. Thái Luân có người anh ruột tên là Thái Mạc và chị dâu tên là Tuệ Nương sống ở quê. Đôi vợ chồng này thấy được nhu cầu giấy của thị trường, Tuệ Nương bàn với chồng lên Kinh đô theo học nghề làm giấy. Thái Mạc ở với em học làm giấy được 3 tháng thì nằng nặc đòi về quê mở xưởng, Thái Luân là em nên phải tuân theo dù biết rằng Thái Mạc làm giấy chưa được tốt.

Thái Mạc đã rất cố gắng nhưng giấy làm ra xấu và khó viết chữ nên giấy bị ế không tiêu thụ được.

Thấy vậy, Tuệ Nương bèn bàn với chồng một mưa kế rồi hai vợ chồng bảo nhau thực hiện. Một hôm, thấy Tuệ Nương lăn ra chết, gia đình Thái Mạc cùng hàng xóm làm ma cho nàng. Đến ngày thứ 3, trước khi đi chôn, Thái Mạc đem một ôm giấy ra đốt bên cạnh quan tài vợ.

Sau khi Thái Mạc đốt giấy xong thì nghe tiếng Tuệ Nương ở trong quan tài kêu to gọi chồng. Mọi người hoảng sợ bỏ chạy. Bình tĩnh lại, họ thấy Tuệ Nương bước ra khỏi quan tài. Vừa đi vừa hát:

Dương gian tiền năng hành tứ hải
Âm gian chỉ tại tố mãi mại
Bất thị trượng phu bả chỉ thiêu
Thùy khẳng phóng ngã hồi gia lai


(Nghĩa là : Trên dương gian đồng tiền có thể làm được mọi việc ở mọi nơi, dưới âm phủ giấy cũng có thể dùng để mua bán. Nếu không phải chồng đốt cho giấy thì ai lại cho tôi quay về dương gian).

Nói rồi lại mang thêm hai bó giấy nữa để đốt.

Những người chứng kiến đều tin là đốt giấy thành tiền cho người âm phủ rất có lợi, mà bằng chứng là Tuệ Nương chết đã ba ngày vẫn sống lại được. Sau đó ai nấy đều về nhà lấy tiền đến nhà Thái Mạc mua giấy.

Tuệ Nương không lấy tiền của hàng xóm mà đều biếu mỗi nhà một bó giấy, với lý do vui mừng vừa được sống lại mà cũng vì tình nghĩa xóm làng. Mọi người đều vui vẻ đón nhận và mang giấy đó đến phần mộ tổ tiên để đốt. Họ không biết rằng cái chết này của Tuệ Nương chỉ là màn kịch hai vợ chồng nàng dựng lên.

Việc này lập tức truyền đi khắp xa gần, một truyền mười, mười truyền trăm, ai ai cũng muốn gửi tiền cho người thân ở cõi âm đỡ khổ cho nên người ở các nơi tranh nhau đến nhà Thái Mạc mua giấy. Không đến hai ngày, bao nhiêu giấy ế của hai vợ chồng Tuệ Nương đã hết sạch, thậm chí không đủ bán.

Ngày “Tuệ Nương sống lại” chính là ngày 1/10 vì thế sau này mọi người cho là ngày 1/10 là ngày Tam Công tào ở địa phủ có thể nhận tiền để giảm bớt công việc nặng nhọc cho người thân của họ. Đồng thời cũng nhân dịp này họ có thể gửi tiền cho người đã khuất nên đều đến phần mộ tổ tiên tế lễ, đốt tiền giấy biểu thị lòng tưởng nhớ.

Truyện đúng sai, chúng ta chưa phân định, nhưng kể từ đó về sau mọi người đều dùng giấy để đốt làm tiền cho người chết. Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ nên vàng mã được in mỗi ngày một đẹp và cầu kỳ. Đi cùng với tiền vàng là quần áo và nhiều vật dụng khác làm cho việc hóa vàng mã trở nên tốn kém.

Theo nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam, mỗi một năm, chúng ta đốt khoảng vài trăm tỷ đồng tiền vàng mã. Đây là một số tiền không nhỏ mà người sống chúng ta cúng cho người chết chỉ để hy vọng rằng được âm phù sẽ có dương trợ.

Hy vọng câu chuyện trên sẽ giúp cho bạn đọc có suy nghĩ đúng đắn về việc đốt vàng mã. Đã là tập tục thì khó bỏ chỉ trừ có sự đồng thuận của mọi người trong xã hội. Điều tôi muốn nói qua câu chuyện này là mọi người trước khi đốt vàng mã hãy suy ngẫm thật kỹ xem tác dụng thực của việc đốt vàng mã đến đâu, đốt như thế nào để lòng thành kính tổ tiên được giữ đúng nghĩa, đốt như thế nào để tâm được thoải mái, chứ không nhất thiết là lễ to hay lễ nhỏ, tiền nhiều hay ít, tiền đẹp hay tiền xấu.

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Mạnh Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây