Tuổi
thơ nghèo nàn nhưng rất đẹp…
Tôi có một tuổi thơ nghèo nàn về vật chất vì tôi đã sống trong một thời gian
rất dài trong một xóm – hay nói chính xác hơn đó là một mảnh đất nằm trong một
cái đình – và trong đó hầu hết là những gia đình nghệ sĩ cải lương, hát bội.
Hàng năm có một ngày giỗ kỵ thì tất cả mọi người cùng vẽ mặt và hát hò với
nhau.
Đó là một xóm rất nghèo về vật chất với văn nghệ sĩ nhưng lại không nghèo nàn
chút nào về mặt tinh thần vì ngày nào tôi và những đứa trẻ cũng được sống trong
ánh sáng lung linh và mầu sắc của sân khấu. Đời sống nghệ sĩ nghèo nhưng rất
vui vẻ, ngày nào cũng trống nhạc ì xèo và nó đã đi sâu vào trong tiềm thức của
mình đến nỗi tôi nghĩ là khi lớn lên mình cũng sẽ là một kép cải lương.
Tôi cứ nhớ hoài về những mùa trung thu, hầu hết trẻ con trong xóm đều tụ tập
với nhau và cùng làm lồng đèn. Ngày xưa mỗi dịp trung thu đến, lũ trẻ chúng tôi
cứ nhìn những chiếc lồng đèn được làm bằng giấy kính trong suốt mà thèm nhưng
lúc đó làm sao có tiền để mua được mà chỉ có những chiếc lồng đèn xếp truyền
thống, đèn quả bí này kia bằng giấy gió nhưng rồi cho đến bây giờ thì tôi thấy
những chiếc lồng đèn xếp đó lại đẹp hơn rất nhiều vì lồng đèn xếp thì ánh sáng
nó hội tụ chứ không khuyếch tán ra.
Cả xóm mấy chục đứa trẻ cùng xếp hàng và đi vòng qua các con phố như một con
rắn khổng lồ rất đẹp, đến nỗi nhiều người đi đường người ta còn thắng xe lại để
nhìn vì nó đẹp quá. Còn chúng tôi thì rất vui vì những chiếc đèn xếp của đám
nhà nghèo còn đẹp hơn cả đèn của đám nhà giàu ấy.
Khi
tôi còn nhỏ thì tên tuổi của nữ nghệ sĩ Kim Cương đã rất nổi, hồi đó chị Kim
Cương có tên gọi là Kỳ nữ Kim Cương với vở Lá sầu riêng gắn liền với tên tuổi.
Tôi nhớ đó là năm 1968, lúc đó tôi 7 tuổi thì chị Kim Cương thu hình vở kịch Lá
sầu riêng để phát trên tivi và đi tìm một diễn viên nhí để đóng vai Sang lúc
còn nhỏ. Chị đã tìm đến xóm nghèo của chúng tôi. Ngày xưa ba má tôi cũng là
những nghệ sĩ nổi tiếng và chị đã đến gặp ba má tôi và muốn gặp tôi.
Tôi nhớ lúc đấy mình đang chơi u và mê chơi quá nên khi mọi người nói là có
nghệ sĩ Kim Cương đến kiếm thì chợt thấy hốt hoảng vì nghĩ có khi nào mình gặp
nghệ sĩ Kim Cương đâu. Sau khi bị mọi người kéo tay đến chỗ quán nước, phần vì
sợ, phần vì vẫn đang ham chơi nên tôi khóc, khóc quá trời khóc và giãy lên đành
đạch như ai bắt mình đi cắt tiết vậy. Tôi nhớ hoài một câu chị Kim Cương nói mà
đến bây giờ nó vẫn trong đầu tôi “Trời ơi, con của văn nghệ sĩ gì mà nhát hít
vậy thì ai mà dám nhờ gì, rồi làm gì được hở trời”.
Và dĩ nhiên sau đó là một người khác đóng vai đó chứ không phải tôi. Khi vở Lá
sầu riêng được phát trên tivi thì tôi bị cả xóm chọc quê quá trời: “Trời ơi,
thấy chưa? Nhát hít nên giờ người ta lên tivi mà mình không được lên tivi
kìa…”. Lúc đó tôi ức lắm vì chỉ một phút ham chơi mà mình đã không được lên
tivi và tôi nhớ luôn cả câu nói của chị Kim Cương trước đó nữa. Sau đó 1 năm,
khi mà nghệ sĩ hài Xuân Phát (bố của diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn) mở một
cuộc tuyển sinh diễn viên nhí cho chương trình thiếu nhi của ông và ông đã tìm
đến ba má tôi. Lúc đó tôi nhận lời ngay lập tức với ý nghĩ sẽ “phục hận” câu
nói của nghệ sĩ Kim Cương đã nói mình và đã cố gắng bằng hết những khả năng
mình có được.
Chỉ sau một thời gian ngắn sau khi chương trình đó được phát thì cái tên “Bé
Thành Tâm” đã nổi tiếng trên hệ thống của đài truyền hình Sài Gòn. Lúc đó, tôi
chợt có một ý nghĩ rất trẻ con là “không biết chị Kim Cương có xem chương trình
này không ta? Và có thấy là con nghệ sĩ không phải là nhát hít như chị nói
không ta?”. Về sau này khi đã là đồng nghiệp, có một lần chị Kim Cương nhờ tôi
diễn một vai trong vở “Người mua hạnh phúc”, tôi đã nói rằng một trong những lý
do tôi bước chân vào nghệ thuật chính là để phục thù câu nói của chị năm nào.
Con đường đến nghệ thuật của tôi là thế đấy.
Từ
bé Thành Tâm đến… NSƯT Thành Lộc…
Tên khai sinh của tôi là Thành Lộc nhưng ngày xưa tôi vốn là một đứa trẻ ốm
yếu, đau ốm suốt ngày. Trong một lần bị ban sởi rất nặng thì bị sốt đến mức là
đã… chết trên tay mẹ tôi rồi. Khi đó, má tôi ẵm tôi - mà đúng hơn là ẵm xác tôi
- chạy đến ngôi chùa mà ba má tôi thường hay đến là chùa Tân Nghĩa ở bên Gò Vấp
- giờ thì ngôi chùa đó đã không còn - nhờ ông sư trụ trì ở đó đọc kinh cầu như
một sự cầu cứu trong lúc đang hoang mang.
Thầy trụ trì đã đem xác tôi để dưới một cái chuông lớn và dong một tiếng chuông
rất lớn, thế là tôi giật mình mở mắt ra và cười khanh khách. Lúc đó ông thầy
mới cười bảo “À, như vậy là thằng nhỏ này đã sống hết một kiếp rồi và đây sẽ là
một kiếp khác…” và cho rằng ba má tôi không phù hợp để nuôi con trai trong nhà
nên ngay lúc đó đã cho tôi quy y ngay tại chùa với pháp danh trong đạo Phật là
Thích Thiện Tâm với một điều kiện là từ đó cho tới lúc 7 tuổi tôi phải… giả
gái, phải mặc đồ con gái, phải để tóc dài như con gái và không ai được kêu tên
thật của tôi nên gọi là Thành Tâm.
Cho đến khi tôi đi học lớp 1 thì mới được cắt tóc và làm con trai thật sự. Vì
thế trong suốt cả khoảng thời gian dài tôi sinh hoạt trên đài truyền hình, ở
ban kịch thiếu nhi cho đến kịch người lớn cũng không ai biết tên thật của tôi.
Đến khi tốt nghiệp trường sân khấu thì tôi mới quyết định lấy tên thật làm nghệ
danh cho mình là Thành Lộc cho đến ngày hôm nay.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự