Sau khi đi mưa, cơ thể của chúng ta thường bị dính, ngấm nước mưa… Nước mưa không chỉ lạnh mà còn chứa rất nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh. Khi ngấm vào cơ thể, nó dễ dàng khiến cơ thể mắc các bệnh cảm lạnh, sốt, viêm phổi, viêm mũi họng…
Theo Đông y, cảm lạnh là thương hàn nghĩa là cảm thương phải khí hàn. Nguyên nhân thường do trời lạnh mặc không đủ ấm, do dầm mưa quá lâu, do thay đổi thời tiết đột ngột, do khi ngủ nằm nơi có gió lùa hoặc để quạt trực tiếp thổi vào người.
Biểu hiện thường thấy khi nhiễm hàn khí là thấy ớn lạnh dọc xương sống, hắt hơi, nhức đầu, mệt mỏi uể oải, đầy bụng, có khi đi tiêu phân lỏng, sốt nhẹ, có thể hạ đường huyết, bủn rủn chân tay, toát mồ hôi, chân không đứng vững...
Khi có những dấu hiệu này, bạn cần xử lý theo những bước sau để tránh bị cảm lạnh.
- Lau khô người, thay quần áo khô
Việc đầu tiên làm khi về nhà để tránh cảm lạnh là lau khô người, thay quần áo đã bị ướt, làm khô đầu tóc để tránh nhiễm lạnh sâu hơn.
- Dùng trà gừng
Đây là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để giúp cơ thể chống lại cảm lạnh.
Cách pha trà gừng như sau: 1 củ gừng tươi 15-20g, rửa sạch, thái lát, đổ 100ml nước đun sôi 20 phút, thêm đường và uống nóng.
Mùa mưa bão thất thường như hiện nay, nhất là những vùng có lũ lụt nên trữ sẵn trong nhà ít gừng (hoặc trà gừng bán sẵn) để phòng cảm lạnh.
Với những người phải ở môi trường lạnh, phải ngâm mình dưới nước lâu, lạnh rét nên mang theo 1 củ gừng tươi, thỉnh thoảng nhấm nháp để làm ấm cơ thể, phòng cảm lạnh, sốt, viêm phổi.
- Đánh gió
Nếu có những biểu hiện nhức đầu, đau người bạn có thể dùng gừng tươi đánh gió để giải cảm.
Cách làm: Gừng tươi 1 củ, giã nhỏ cả vỏ, trộng với tóc rối, bọc vào 1 miếng vải thưa rồi đánh gió. Chú ý, đánh từ trên xuống và tránh các hạch bạch huyết ở mang tai, nách, háng, khoeo chân, trong khuỷu tay và đánh kỹ dọc 2 bên sống lưng cho đến khi người thấy ấm lên.
Theo Đông y, vùng 2 bên sống lưng phân bố 2 kinh dương của cơ thể, đây là hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể khỏi cảm lạnh. Đánh gió bằng gừng sẽ trực tiếp mang khí nóng vào cơ thể, giúp cơ thể nâng cao chính khí – khí dương, đẩy hàn khí ra ngoài.
Nếu không có gừng tươi, bạn có thể dùng dầu gió chà xát dọc 2 bên cột sống từ vai gáy xuống rồi dùng đồng xu bạc đánh từ trên xuống dưới cũng giúp giải cảm hiệu quả.
- Xông
Đây là phương pháp thường được áp dụng khi cơ thể bị cảm. Những loại lá xông để giải cảm bao gồm lá tre, cúc tần, bưởi, sả, hương nhu, lá duối, bạc hà, gừng, ngải cứu…
Bạn nấu nước lá xông cho sôi lên rồi xông chừng 5-10 phút cho vã mồ hôi. Sau đó lau người bằng khăn khô rồi nằm nghỉ, tránh nơi gió lùa.
Khi xông hơi, những tinh dầu từ các loại lá xông theo hơi thở vào tận từng phế nang phổi, làm thông suốt đường hô hấp, giảm tiết dịch, giảm đau đầu, chóng mặt. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng, chỉ cần xông 1-2 lần, xông nhiều sẽ làm hao tân dịch, thoát dương, không tốt cho sức khỏe.
- Ăn cháo giải cảm
Khi bị cảm lạnh, ăn cháo giải cảm sẽ làm nhanh vã mồ hôi, đẩy hàn khí ra ngoài, mau phục hồi sức khỏe. Cháo hành tăm và cháo tía tô là 2 loại cháo dùng để giải cảm tốt nhất.
Cách nấu cháo hành tăm: Lấy 1 nắm hành tăm và 1/3 bát gạo cho vào nồi nấu thành cháo, có thể nấu cùng thịt nạc băm.
Hành tăm là một loại hành củ tròn, trắng, được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Nghệ An. Hành tăm có tính nóng, vị cay, có tác dụng tiêu đờm, giảm ho, trị cảm hàn, làm ra mồ hôi, giải độc.
Ăn cháo hành tăm khi còn nóng là cách chữa cảm lạnh vô cùng hiệu nghiệm mà đơn giản được người miền Trung ưa dùng.
Còn cháo tía tô thì được người miền Bắc ưa sử dụng để giải cảm. Khi ăn cháo tía tô và hành tăm, nên tranh thủ hít hơi nóng bốc lên từ tô cháo càng nhiều càng tốt, vì tinh dầu trong tía tô và hành tăm giúp làm ấm cơ thể rất nhanh.
Chú ý: Sau khi thực hiện các bước giải cảm trên, cơ thể sẽ vã nhiều mồ hôi. Lúc này nên lau khô mồ hôi, nằm nghỉ ở nơi kín gió, tránh ra nơi gió lùa vì các lỗ chân lông đang mở rộng, gió lạnh dễ xâm nhập vào người gây cảm nặng hơn.
Những lưu ý để không bao giờ bị cảm lạnh
- Luôn trữ sẵn những loại thuốc cảm, thuốc nhỏ mũi, trà gừng, gừng trong nhà.
- Mưa nhỏ cũng nên mặc áo mưa để tránh ngấm nước mưa vào người.
- Tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng của cơ thể, chống lại bệnh tật như dùng vitamin C, ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Tổng hợp
(Theo Tuổi trẻ Thủ đô)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự