Na là một loại trái cây nhiệt đới thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Không chỉ bổ dưỡng, na còn là một vị thuốc chữa bệnh rất tốt. Lá, rễ, quả na đều có thể dùng làm thuốc.
Bài thuốc dân gian từ quả na
Theo Đông y, quả na vị ngọt, chua, tính ấm, có tác dụng hạ khí, tiêu đờm.
- Bồi bổ cho người già, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh: Na chín ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 quả.
- Đi lỵ ra nước không dứt: Do chứa nhiều tanin nên quả na ương được dùng làm thuốc chữa tiêu chảy, đi lỵ. Cách làm: 10 quả na ương (chín nửa chừng) lấy thịt ra, còn vỏ và hạt cho vào hai bát nước, sắc còn một bát, ăn thịt quả và uống nước sắc.
- Chữa tiêu chảy: Dùng quả na điếc 20g (quả lúc đang lớn bị một loài nấm làm hỏng, khô xác, có màu nâu đỏ tím, là vị thuốc được dùng phổ biến trong Đông y), đốt cháy tồn tính, cỏ lào ngọn non 50g, gạo tẻ 30g rang thật vàng, cho tất cả vào sắc uống, ngày 1 thang chia 3 lần.
- Chữa nhọt ở vú: Dùng ngoài, quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, hòa với giấm, bôi nhiều lần trong ngày.
- Trị viêm họng: Quả na điếc 50g, sinh địa 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo 25g.
Tất cả phơi khô (riêng quả na điếc đốt tồn tính, giã nhỏ tán bột mịn, rồi trộn với 150g đường kính đã nấu thành xi rô làm thành hoàn mỗi viên nặng 0,5g. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3 – 4 viên. Trẻ em tùy tuổi mà ngày uống từ 3 – 6 viên chia 2 lần. Cần uống 3 – 5 ngày.
- Chữa sốt rét: Quả na điếc 40g, giun đất (loại khoang cổ) 80g, phèn phi 20g. Cách làm: Quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu sao vàng. Giun đất lộn ruột ra ngoài, rửa sạch và tẩy rượu, phơi khô, sao vàng.
Trộn 2 thứ trên với phèn phi, tán bột mịn, và luyện với nước tỏi làm hoàn bằng hạt đậu xanh, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.
Bài thuốc dân gian từ hạt na
Hạt na có vị đắng, hơi hôi, tính lạnh, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng. Do đó, hạt na thường được dùng diệt côn trùng, trừ chấy rận rất hiệu quả.
Vì thế không được cắn vỡ hạt na, không uống nước hạt na, và không để dung dịch hạt na bắn vào mắt.
- Chữa răng bị đau nhức: Lấy hạt na giã nhỏ ngâm rượu, rồi lấy rượu đã ngâm hạt na ngậm vào chỗ răng sưng đau, sau ngậm chừng 10 - 15 phút thì nhổ nước này đi. Ngày cần ngậm vài ba lần.
- Trị chấy rận: Lấy nước hạt na giã ngâm rượu đặc cho lên đầu tóc, sau ủ kín bằng vải trùm đầu để chừng 30 phút thì gội đầu. Cũng lấy dung dịch rượu ngâm hạt na này cho vào quần áo ngâm.
Bài thuốc dân gian từ lá na
Lá na cũng có tác dụng kháng sinh tiêu viêm, sát trùng hiệu quả.
- Chữa sưng vú: Lá na 1 nắm, giã nát cùng với lá bồ công anh đắp vào chỗ vú sưng. Ngày thay 1 lần.
- Mụn đầu đinh: Lá na, lá bồ công anh, lá táo, lá ớt, lá từ vi giã nát, đắp vào vị trí có mụn nhọt mủ, mụn đầu đinh.
- Chữa bong gân chấn thương: Lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, vôi tôi 5g, Muối ăn 5g, tất cả giã chung cho nát rồi hơ lửa cho nóng đắp vào vùng tổn thương. Ngày đắp 1 lần.
- Trị sốt rét: Lấy lá na 20 – 30g, giã nhỏ, chế thêm nước vắt lấy 1 bát nước cốt, lọc qua vải, phơi sương, sang ngày sau cho chút rượu khuấy và uống trước khi lên cơn sốt rét khoảng 2 giờ. Mỗi ngày uống 1 lần, cần uống liền từ 5 – 7 ngày.
Bài thuốc dân gian từ rễ na
- Tẩy giun đũa: Rễ na 30 – 50g, thái nhỏ, rửa sạch, sao qua, sắc lấy nước đặc uống 1 lần vào buổi sáng.
- Trị giun đũa chòi lên ợ ra nước trong: Dùng một nắm rễ na mọc về hướng Đông, rửa sạch, sao qua, sắc uống thì giun ra.
- Trị sốt rét: Lấy 50g rễ na sắc uống với 30g rễ và lá cây ngâu rừng, 30g rễ xoan rừng.
Tổng hợp
(Theo Tuổi trẻ Thủ đô)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự