Nguyên nhân gây cận thị và biện pháp phục hồi thị lực bất ngờ

Chủ nhật - 11/09/2016 23:30
Các nhà khoa học đã tìm ra một số nguyên nhân chính gây ra bệnh cận thị, đó là do di truyền, do sức khỏe của trẻ từ khi mới sinh, do ít ngủ và cuối cùng là do đọc sách nhiều, ngồi học sai tư thế, xem tivi nhiều, sử dụng máy vi tính nhiều.
Đánh đổi thị lực của con lấy cân nặng
Có một điều không thể phủ nhận, trẻ em ngày nay bị cận thị nhiều hơn ngày trước và trẻ ở thành phố bị cận nhiều hơn trẻ ở nông thôn. Điều này chứng tỏ rằng, lối sống là tác nhân chính gây ra căn bệnh cận thị.
 
Trước đây, các bậc cha mẹ vẫn thường nhắc trẻ không cúi sát mặt vào sách vở, đọc truyện trong điều kiện ánh sáng yếu… Họ cho rằng đó là nguyên nhân chính gây ra cận thị của trẻ.
 
Thế nhưng thời đó, điện rất yếu, bóng đèn sợi đốt đỏ lòm không thể sáng bằng các loại bóng đèn led, đèn huỳnh quang như bây giờ, thậm chí trẻ bây giờ còn có các thiết bị chống cúi gập, vậy mà càng ngày, tỷ lệ trẻ bị cận thị càng lớn. 
 
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trên cả nước mắc tật khúc xạ về mắt, trong đó 2/3 là bị cận thị, tập trung chủ yếu ở đô thị với tỷ lệ chiếm 30-35%. Như vậy, trung bình cứ 10 học sinh thì có ít nhất 3 học sinh bị cận thị hoặc bị các tật khúc xạ về mắt.
 
Các nhà khoa học đã tìm ra một số nguyên nhân chính gây ra bệnh cận thị, đó là do di truyền, do sức khỏe của trẻ từ khi mới sinh, do ít ngủ và cuối cùng là do đọc sách nhiều, ngồi học sai tư thế, xem tivi nhiều, sử dụng máy vi tính nhiều.
 
Nếu trẻ có có bố hoặc mẹ bị cận thị từ 6 đi ốp trở lên, khả năng trẻ bị cận do di truyền là rất lớn. Những trẻ sinh non hoặc sinh ra dưới 2kg thường bị cận thị từ rất sớm. Ngủ quá ít cũng rất dễ gây ra suy giảm thị lực ở mắt. Và yếu tố chính, quyết định đến tỷ lệ cận thị của trẻ nhỏ là do các em tiếp xúc quá sớm với các thiết bị công nghệ như tivi, máy vi tính, điện thoại thông minh, ipad…
 
Những thứ này vô cùng hấp dẫn trẻ nhỏ, có thể thu hút các em ngồi xem hàng giờ không chán, và hậu quả cuối cùng là trẻ bị cận thị.
 
Trong cuộc sống hiện đại, nhất là ở các thành phố lớn, các bậc cha mẹ thường rất bận rộn và có ít thời gian để đưa con đi chơi. Họ luôn đề cao chế độ dinh dưỡng cho con, muốn con to khỏe nên thường bắt con ăn rất nhiều.
 
Một trong những mẹo để trẻ ăn ngoan, đó là bật tivi, dvd, các chương trình ca nhạc thiếu nhi, phim hoạt hình, cho trẻ chơi điện thoại thông minh, ipad… để trẻ mải chú ý xem mà ăn trong vô thức.
 
Những thứ xuất hiện trên màn hình rất phong phú, từ biển cả, rừng xanh, công viên… và các vật thể di chuyển liên tục, thế nhưng không gian và các vật thể đó đều là giả. Thực tế là suốt nhiều giờ đồng hồ, đứa trẻ đó chỉ tập trung nhìn vào 1 vật phát ra ánh sáng ở một khoảng cách nhất định.
 
Mắt của trẻ sẽ bị mỏi, không có nhu cầu phải điều tiết xa gần nên dần dần sẽ suy giảm thị lực và cận thị. Nếu trẻ em xem tivi quá 2 giờ/ngày với khoảng cách giữa tivi và mắt dưới 3 mét thì thị lực của bé sẽ suy giảm rất nhanh.
 
Giúp mắt khỏe bằng cách chăm chỉ ra ngoài trời
 
Trẻ em ở thành phố bây giờ được “bao bọc” rất cẩn thận. Ở trường trẻ được “bảo vệ” nghiêm ngặt trong các bức tường của lớp học, của nhà trường. Về đến nhà là phải làm bài tập, học bài với máy vi tính. Rất ít khi tầm nhìn của các em được thoát ra quá 100m, hơn nữa, hầu hết thời gian trong ngày, các em quan sát qua ánh sáng nhân tạo không hề tốt cho mắt.
 
Vào năm 2007, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động bên ngoài không gian rộng, thoáng đãng sẽ làm giảm cận thị ở trẻ. Khi đó, mắt sẽ được điều tiết liên tục để nhìn gần và nhìn xa hết tầm khiến khả năng vận động của mắt được tăng cường.
 
Hơn nữa, khi ra ngoài trời nắng, các tế bào ở võng mạc giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh làm chậm quá trình lão hóa mắt và ngăn chặn sự kéo giãn trục mắt. Theo nghiên cứu, để mắt tiếp xúc 3 giờ mỗi ngày với ánh sáng tự nhiên có thể bảo vệ trẻ khỏi cận thị.
 
Lượng ánh sáng này phải đủ mạnh và thường là một ngày hè đầy nắng. Điều này rất có lý khi ở Việt Nam, những đứa trẻ ở nông thôn nghịch nắng suốt mùa hè gần như không bao giờ bị cận thị.
 
Ở các nước phát triển, họ thường xuyên khuyến khích trường học tổ chức cho trẻ tiếp xúc với không gian tự nhiên. Tại một trường đại học ở Đài Loan, người ta áp dụng biện pháp cho trẻ tiếp xúc với không gian ngoài trời hơn 80 phút mỗi ngày, tỷ lệ cận thị đã giảm xuống còn 8% so với 18% ở các trường học không áp dụng phương pháp này.
 
Ngay kể cả trường hợp có cha hoặc mẹ bị cận nặng, nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, thì nguy cơ cận thị sẽ giảm xuống gấp 3 lần. Một chuyên gia về mắt đã nói rằng: “Chẳng hiểu sao người ta lại thích đeo kính sẫm màu với mục đích là bảo vệ mắt. Trên thực tế, khi mắt tiếp nhận ánh sáng với đủ dải quang phổ, ánh sáng đó sẽ kích thích các dây thần kinh, tiết ra rất nhiều hooc-môn quan trọng, bao gồm cả những hormone ảnh hưởng tới cảm xúc.
 
Tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời không những giúp mắt khỏe hơn, mà còn là cách chữa trị hiệu quả đối với chứng trầm cảm, nhiễm trùng, đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi, mỏi và chảy nước mắt... Chính vì thế, ngoài các biện pháp chữa trị cận thị, có một cách giúp mắt khỏe vô cùng đơn giản, không tốn kém, đó là hãy ngồi học ở nơi có ánh sáng tự nhiên và tiếp xúc thật nhiều với không gian ngoài trời”. 
Bác sĩ đời sống
(Theo Tuổi trẻ & Đời sống)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây