Để khắc phục tình trạng chậm phát triển, huyện Bình Gia xác định phải đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, coi đó là một khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển mới.
Lễ kết nạp đảng viên mới tại trường tiểu học Vĩnh Quang, xã Hoa Thám (Bình Gia)
Triển khai thực hiện Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg, ngày 8/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2010, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức ở các vùng đặc biệt khó khăn của huyện đã được quan tâm đặc biệt. Trong giai đoạn này, huyện đã lựa chọn được 20 chỉ tiêu là con em dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đi học đại học theo chế độ cử tuyển nhằm đạo tạo nguồn cán bộ tại cơ sở.
Hiện nay tổng số cán bộ, công chức cấp xã toàn huyện là 372 người dân tộc thiểu số, trong đó cán bộ chuyên trách xã là 196 người, công chức xã là 176 người, 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Từ năm 2005-2010, huyện đã cử 113 cán bộ chuyên trách cấp xã đi bồi dưỡng lý luận chính trị trình độ trung cấp, chiếm 57,65%, đào tạo chuyên môn có trình độ trung cấp cho 7 đồng chí cán bộ chuyên trách xã, chiếm 3,5%.
Thực hiện quy định của Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với nhiều chương trình đào tạo phù hợp. Trong đó tập trung đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, tin học văn phòng cho cán bộ chuyên trách cấp xã.
Đến nay, toàn bộ cán bộ chủ chốt cấp xã đã được bồi dưỡng kỹ năng quản lý nhà nước ở cơ sở và 154 cán bộ công chức cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý kinh tế nông lâm. Nhờ vậy, trình độ đội ngũ cán bộ công chức cơ sở vùng đặc biệt khó khăn của huyện đã có nhiều chuyển biến. Cán bộ công chức cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo và kỹ năng điều hành của hệ thống chính trị cấp xã.
Từ công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với hoạt động thực tiễn nhiệm vụ chính trị được giao cơ bản đội ngũ cán bộ đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Việc cụ thể hoá các Nghị quyết Đảng của HĐND, UBND, vào cuộc sống đã trúng và chất lượng hơn. Nhờ đó, chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở vùng đặc biệt khó khăn có nhiều chuyển biến về chất.
Năm 2006 có 3 xã được xếp loại chính quyền xuất sắc, đến năm 2010 có 7 xã được xếp loại chính quyền xuất sắc, không có xếp loại yếu kém. Ngoài thực hiện các quy định của trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở, huyện còn triển khai đề án của Tỉnh uỷ về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2006-2010.
Theo đó, huyện đã tổ chức kết nạp được 737 đảng viên mới. Đồng thời chú trọng xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.
Ông Lăng Đình Thu, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: nhiệm vụ xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức các cấp luôn là vấn đề được huyện quan tâm hàng đầu, nhưng hiện nay khó khăn nhất trong công tác tạo nguồn cán bộ tại cơ sở là thiếu nguồn cán bộ đầu vào.
Những năm qua, đã có nhiều học sinh của huyện được cử tuyển tốt nghiệp ra trường nhưng huyện không quản lý được, một số em sau khi ra trường đã không trở về địa phương làm việc hoặc về địa phương nhưng khó bố trí công việc do chuyên ngành đào tạo không phù hợp với yêu cầu.
Do vậy nhiệm vụ đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục bậc trung học phổ thông và cử tuyển đi học đại học, có cơ chế thông thoáng thu hút lao động chất lượng vào các cơ quan làm việc vẫn là giải pháp tối ưu trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực của huyện trong thời gian tới.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự