Đồng chí Đoàn Thị Tĩnh, Phó Giám đốc thường trực Sở GD&ĐT đọc báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Quán triệt Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 3-2-2007 của Bộ Chính trị về “ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác giáo dục quốc phòng – an ninh và các văn bản chỉ đạo của cấp trên, từ năm 2009 đến nay, công tác bồi dưỡng kiến thức giáo dục quốc phòng – an ninh cho các đối tượng cũng như giáo dục quốc phòng – an ninh trong các nhà trường đã có những chuyển biến mới về nội dung chương trình cũng như chất lượng và hiệu quả.
Xác định môn giáo dục quốc phòng – an ninh là một trong 23 môn học chính khóa đối với các trường THPT, công tác quản lý, thực hiện chương trình bộ môn đã có sự đổi mới cả về nội dung, chương trình, thời gian, đào tạo sử dụng đội ngũ giáo viên, sự phối hợp giữa các nhà trường và Ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố và thực dạy bộ môn.
Tùy điều kiện của mỗi địa phương, các nhà trường chủ động bố trí theo 3 phương thức như học tập trung vào tuần đầu năm học hoặc cuối học kỳ I; học rải rác các tiết trong 1 học kỳ hoặc cả năm; học rải rác các tiết lý thuyết và học thực hành tập trung. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bộ môn, ngành đã cử đội ngũ giáo viên đi tập huấn, mở lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên các môn khoa học xã hội.
Đầu tư kinh phí trang bị thiết bị dạy học, ứng dụng phần mềm trong giảng dạy lý thuyết, tăng phần thực hành để học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản của bộ môn. Kết quả, từ năm 2009 đến nay đã có 1107 người thuộc các đối tượng 2,3,4,5 được bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Hằng năm đã có gần 27 ngàn học sinh, sinh viên được học tập bộ môn này. Tư tưởng xem nhẹ môn học đã từng bước được khắc phục.
Tại hội thảo, các tham luận của các nhà trường và ý kiến của lãnh đạo các ngành chức năng đều thống nhất khẳng định tầm quan trọng của môn học trong việc xây dựng trách nhiệm, nghĩa vụ của học sinh, sinh viên đối với các hoạt động quốc phòng – an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các tham luận cũng nêu lên những bài học kinh nghiệm trong giáo dục bộ môn, những thuận lợi, khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như sự phối hợp giữa các nhà trường và các cơ quan quân sự, công an địa phương trong công tác giáo dục quốc phòng – an ninh cho học sinh.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự