Lạng Sơn 5 năm thực hiện Đề án “Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng”

Chủ nhật - 08/08/2010 21:15
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ 2005-2007, Lạng Sơn có 1.346 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), từ 2007 đến nay, số đối tượng này là 1.728 trẻ thuộc các diện: mồ côi, bị nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân chất độc hoá học, trẻ tàn tật nặng, trẻ bị bỏ rơi.

Đáng chú ý là phần lớn các em sinh sống ở những vùng khó khăn và là con em của hộ nghèo, do đó các em càng ít có điều kiện được phát triển bình đẳng như những bạn bè cùng trang lứa.

 

Tặng quà trẻ có HCĐB khó khăn tại cao Lộc

Thực hiện Quyết định 65/2005 ngày 25/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Chăm sóc trẻ có HCĐB dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005-2010", trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch triển khai công tác chăm sóc trẻ có HCĐB của tỉnh. Để thực hiện đề án, tỉnh đã dành nguồn kinh phí đáng kể từ ngân sách địa phương cho các hoạt động: truyền thông, tập huấn, khám sàng lọc, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, dạy nghề cho trẻ. Riêng từ năm 2008 đến nay, tổng kinh phí tỉnh chi cho đề án là hơn 1,024 tỷ đồng.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong triển khai đề án, Sở LĐTB&XH tỉnh đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH 11 huyện, thành phố điều tra, rà soát, thống kê trẻ có HCĐB trên địa bàn; thực hiện các chế độ, chính sách chăm sóc sức khoẻ, trợ cấp xã hội, trợ cấp giáo dục, y tế... đối với trẻ em có HCĐB. Cùng với đó, hàng năm Sở đều tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ em của các huyện, thành phố về kiến thức, kỹ năng kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ, chính sách đối với trẻ em có HCĐB. Công tác truyền thông vận động xã hội cũng được chú trọng, ngành đã xây dựng và in ấn tài liệu, tờ rơi, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng đến tận khu dân cư để thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với trẻ em có HCĐB đồng thời huy động nhiều nguồn lực từ cộng đồng giúp đỡ các em.

 

Tặng quà trẻ có HCĐB khó khăn tại TP Lạng Sơn

Với những nỗ lực đó, trong 5 năm qua, Lạng Sơn luôn đảm bảo 100% trẻ có HCĐB dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí, 100% trẻ có HCĐB được hưởng trợ cấp xã hội bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện cho các em hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và có cơ hội được đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em. Từ năm 2005 đến nay, 514 trẻ có HCĐB trên toàn tỉnh đã được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, được hưởng chế độ bảo trợ theo Nghị định 67/2007 của Thủ tướng Chính phủ; các em còn lại đều được hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc được gia đình nhận nuôi theo quy định, được miễn giảm học phí, hỗ trợ đồ dùng học tập, sách vở... Riêng các em bị nhiễm HIV/AIDS đều được khám và cấp phát thuốc điều trị kháng virus (ARV) và các danh mục thuốc đi kèm khi trẻ có triệu chứng khác. Đối với nhóm trẻ em tàn tật, hàng năm, ngành LĐTB&XH đều phối hợp với Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật Bắc Thái tổ chức khám sàng lọc cho khoảng 160 em và tiến hành phẫu thuật cho hơn 60 em.

Từ 2005 đến nay, đã có 904 trẻ được khám và 306 trẻ được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng. Mặc dù công tác dạy nghề cho trẻ có HCĐB thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn song từ năm 2006 đến nay, Lạng Sơn cũng đã mở được 6 lớp dạy nghề cho hơn 200 trẻ có HCĐB nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề phù hợp để sau này các em có cơ hội việc làm, vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Đi đôi với việc thực hiện các chế độ chính sách, hàng năm vào các ngày lễ, tết, các cấp, ngành đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà trẻ có HCĐB, vận động các tập thể, cá nhân hảo tâm hỗ trợ trẻ có HCĐB vươn lên trong cuộc sống. Riêng trong dịp Tết Trung thu 2009, tại chương trình giao lưu "Đêm hội trăng rằm", các tập thể, cá nhân hảo tâm đã tặng hơn 1000 suất quà cho trẻ có HCĐB, ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Lạng Sơn. Đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án "Chăm sóc trẻ có HCĐB dựa vào cộng đồng", ông Vi Xuân Mai-Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH nhận định đây là đề án có ý nghĩa thiết thực, các nội dung trong đề án như trợ cấp xã hội, chỉnh hình phục hồi chức năng được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên quá trình thực hiện đề án còn một số hạn chế như kinh phí hỗ trợ dạy nghề, phẫu thuật...

Cùng với việc tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong chỉ đạo triển khai đề án thời gian tiếp theo, ngành LĐTB&XH sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác chăm sóc trẻ có HCĐB, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, vận động xã hội để huy động ngày càng nhiều nguồn lực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ có HCĐB, tạo điều kiện cho các em được phát triển bình đẳng.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây