Đây là hướng đi tiếp theo nhằm duy trì và phát huy được danh tiếng, uy tín, chất lượng cho sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm - một đặc sản không phải vùng (khu vực địa lý) nào cũng có được.
Ông Chu Văn Đường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết: Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp hồng Bảo Lâm khẳng định được thương hiệu mà còn giúp phân biệt với các giống hồng khác như hồng không hạt Bắc Kạn, hồng lai Nhật Bản ở Mai Châu (Hòa Bình)…
Sau khi được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cách nhận biết, phân biệt hồng Bảo Lâm với các loại hồng khác rất rõ ràng. Cụ thể: hồng không hạt Bảo Lâm thuộc họ thị, quả hồng tròn, nhỏ, có hình trái tim, không có hạt. Trên cuống có 4 tai nhỏ, khi hồng chín, các tai hóa gỗ có màu nâu và hơi cong lên phía trên. Thân quả có 4 - 6 rãnh kéo dài từ cuống đến giữa quả làm nổi nhẹ 6 - 8 múi. Quả chín vỏ có màu vàng đỏ hoặc màu vàng đất có ánh xanh lục; vỏ dày, nhẵn không bóng; thịt quả màu đỏ vàng da cam hoặc vàng đậm, mịn ăn giòn, thơm, ngọt đậm; mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 - 12 cánh đều nhau. Các cánh hoa thị này do các hạt lép tạo thành; mặt cắt dọc quả không có thớ, thịt quả mịn, hầu như không có đốm đen, không có hạt.
Có thể nói rằng, hồng không hạt Bảo Lâm là giống hồng nổi tiếng được trồng từ lâu đời tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc và các xã lân cận thuộc huyện Cao Lộc và một số huyện khác như Văn Lãng. Nhưng hồng được trồng ở khu vực huyện Cao Lộc, nhất là ở xã Bảo Lâm là cho năng suất cao hơn cả. Xung quanh khu vực xã Bảo Lâm, Thạch Đạn, Thanh Lòa là khu vực có điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng và khí hậu, thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây hồng không hạt.
Địa hình nơi đây là đồi núi thấp chia cắt ít, có độ cao trung bình từ 250 đến 300 m, khí hậu mát mẻ, độ dốc trung bình từ 8 đến 25 độ. Tại đây có 2 loại đất chính là đất đỏ vàng trên đá sét (Fs) và đất vàng đỏ trên đá macma axit (Fa). Độ ẩm cùng với lượng mưa thấp ở vùng trồng hồng Bảo Lâm của Lạng Sơn trong giai đoạn chín giúp cho hồng có chất lượng cao, góp phần duy trì hàm lượng các chất dinh dưỡng và quả có hình thức đẹp.
Tuy vậy, từ năm 2011 đến nay, việc chăm sóc, bảo quản, tiêu thụ… hồng Bảo Lâm vẫn còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân chính là do người trồng hồng Bảo Lâm vẫn còn tự phát, các hộ cứ trồng và bảo quản theo mỗi cách khác nhau, tìm thị trường tiêu thụ cũng không nhất quán… khiến chất lượng và giá trị hồng Bảo Lâm giảm sút. Theo ông Chu Văn Đường, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, việc gắn kết các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm trên địa bàn tỉnh lại trong một tổ chức hội để quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Bảo Lâm là rất cần thiết.
Thông qua hoạt động của Hội, những người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm sẽ hợp tác, hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật canh tác, chế biến và bảo quản sản phẩm. Từ đó, góp phần khẳng định thương hiệu của hồng Bảo Lâm của Lạng Sơn. Từ sự vận động của Sở KH&CN, bà con trồng hồng đã nhận thấy được sự cần thiết của việc tham gia Hội. Do vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay đã có 179 hộ tham gia. Các hộ tham gia sẽ được Sở KH&CN hỗ trợ tập huấn các kiến thức liên quan đến việc sản xuất hồng Bảo Lâm, được ngành hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ và được đảm bảo thu mua sản phẩm với giá quy định.
Tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 300 ha trồng hồng không hạt Bảo Lâm, với việc được đảm bảo về đầu ra và giá (trung bình 40.000 đồng/kg), bà con trồng hồng mỗi năm sẽ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha.