Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn sẵn sàng cho công tác điều trị cúm A (H7N9)

Thứ hai - 15/04/2013 14:43
Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, ngoài việc khám và điều trị các bệnh thông thường, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn được giao nhiệm vụ tham gia điều trị các bệnh dịch nguy hiểm ở người, mà trước mắt là chuẩn bị thật tốt các nguồn lực cho công tác điều trị cúm A(H7N9).
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện đã nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch do đồng chí Phó Giám đốc làm trưởng ban; các thành viên là trưởng các khoa, phòng. Ban chỉ đạo đã họp và ra kế hoạch thực hiện nhiệm vụ. Theo kế hoạch này, 3 tiểu ban được thành lập: tiểu ban 1 có nhiệm vụ tập huấn, giám sát, khám sàng lọc, phân loại, điều trị và chi viện cho cơ sở; tiểu ban 2 có nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và ngân sách cho hoạt động chống dịch; tiểu ban 3 có nhiệm vụ làm công tác vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, tiêu độc khử trùng khu cách ly, xử lý bệnh phẩm...

Những năm trước đây, Sở Y tế đã xác định Bệnh viện là nơi điều trị các dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm A(H1N1), H5N1; nơi tiếp nhận, cấp cứu, điều trị các trường hợp do thiên tai, thảm họa trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, cho dù đã và đang xuống cấp, thiếu phòng bệnh nhân và trang thiết bị song Bệnh viện vẫn dành 3 phòng cách ly với 10 giường bệnh tại Khoa Truyền nhiễm cho công tác điều trị cúm A( H7N9). Ưu tiên dành các loại máy móc và thiết bị tốt cho công tác này như máy thở, máy truyền dịch, bơm kim tiêm điện, máy tạo ôxy... Các loại vật tư, thuốc men, hóa chất như cơ số thuốc Tamiflu 568 viên, thuốc sát khuẩn ClominB, ống nghiệm lấy bệnh phẩm, các phương tiện bảo hộ và phương tiện chuyên chở bệnh nhân. Với bệnh cúm A (H7N9), các loại phương tiện và thuốc men dự phòng này có đủ khả năng điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Ngày 10/4/2013, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H7N9) ở người. Theo kế hoạch, ngày 12/4/2013, bệnh viện cử 3 cán bộ đi dự tập huấn tại Bộ Y tế; sau tập huấn sẽ về tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ trong Ban chỉ đạo, các y bác sĩ, hộ lý tại bệnh viện.  Bác sĩ Đoàn Thế Mỹ, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9) được xác định là một công việc quan trọng của bệnh viện trong thời gian trước mắt.

Đây là một nhiệm vụ chính trị đồng thời là một hoạt động chuyên môn cao đòi hỏi có sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện và sự phối hợp tốt, đồng bộ ở tất cả các khâu; trước hết là khâu khám sàng lọc và tuân thủ phác đồ điều trị mà Bộ Y tế đề ra, sau đó là khâu tiêu độc khử trùng, vệ sinh bệnh viện để tránh sự lây nhiễm chéo trong bệnh viện và lây lan ra cộng đồng. Bởi vậy, với tinh thần trách nhiệm cao, sự thống nhất trong hành động và sự chuẩn bị chu đáo, bệnh viện sẽ đáp ứng một cách tốt nhất khi có dịch bệnh xảy ra.

Ngoài sự chuẩn bị của bệnh viện, theo Dự án phòng chống H5N1 của Nhật Bản được triển khai tại Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, thì những trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm đều được đưa thẳng từ bệnh viện các huyện về bệnh viện Bạch Mai để xét nghiệm và điều trị mà không phải “chuyển tuyến” qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo “kênh” này, ngày 10/4/2013, 1 trường hợp người bệnh tại Văn Lãng đã được đưa xuống Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tích cực. Như vậy, nhờ có “kênh dự án” nên Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn sẽ đỡ hơn rất nhiều trong công tác tập trung nhân lực, vật lực để “đón” bệnh nhân nghi nhiễm từ tuyến dưới chuyển lên.

Nguồn tin: theo baolangson

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây