Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền giáo dục NSVM có nơi, có lúc thiếu sự định hướng kịp thời, thiếu những quy định cụ thể của Nhà nước đối với việc cưới, việc tang, lễ hội nên đã để phát sinh nhiều hiện tượng không lành mạnh trong xã hội. Có những gia đình trên địa bàn thành phố, vì động cơ nào đó đã tổ chức đám cưới, đám tang linh đình, phô trương hình thức, dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường phố gây cản trở giao thông; thực hiện một số hủ tục mê tín dị đoan, cúng tế linh đình kéo dài nhiều ngày gây lãng phí và phiền hà cho những người xung quanh... Những hiện tượng trên trở thành vấn đề xã hội, làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống cần kiệm, giản dị của dân tộc, phá hoại thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện Chỉ thị 27 CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Thông tư số 4/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thành phố đã tổ chức nhiều đợt triển khai, tuyên truyền vận động đến các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Phòng chức năng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Tiêu chí thực hiện NSVM trong việc cưới gồm 3 nội dung và việc tang gồm 5 nội dung. Các văn bản định hướng tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động văn hoá, tín ngưỡng; trong đó quan tâm đến các hội liên gia tiêu biểu, hội hiếu tiêu biểu và những người làm nghề thầy mo, thầy cúng, làm then và bói toán.
Trong việc cưới, đa số các đám cưới trên địa bàn thành phố thực hiện nghi lễ dạm ngõ, lễ hỏi, lễ cưới lành mạnh, văn minh, tiết kiệm. Trước đây, đám cưới thường tổ chức từ 2-3 ngày nay rút lại còn 1-1,5 ngày, các nghi lễ diễn ra ngắn gọn, đảm bảo giữ được bản sắc dân tộc. Đối với việc tang, trên địa bàn thành phố đều tổ chức trang nghiêm, khi có người qua đời, các đám hiếu theo phong tục địa phương đều mời thầy mo, thầy cúng giúp gia đình làm các thủ tục cho người đã khuất. Một số khu phố, thôn, bản đã vận động nhân dân không nên dùng nhà táng gây lãnh phí; có nơi quy định không để linh cữu trong nhà quá 48 giờ; trường hợp người chết có bệnh truyền nhiễm thực hiện đưa tang trước 24 giờ. Các thủ thục lăn đường, khóc mướn, ăn chay dần được bãi bỏ. Không sử dụng nhạc cụ tang trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm... Một số khu phố thực hiện tốt quy định, quy ước NSVM như: khối 11 phường Hoàng văn Thụ, khối 7 phường Đông Kinh.
Đối với những người làm nghề thầy mo, thầy cúng, bói toán, làm then trên địa bàn thành phố có 131 người. Các đối tượng làm nghề này trước đây thường bày vẽ kéo dài gây tốn kém cho gia đình mỗi khi có việc. Để hướng các thôn, khu phố thực hiện NSVM, bà Trần Thị Thu Huyền, Trường Phòng văn hoá- Thông tin thành phố cho biết: thực hiện tốt Chỉ thị 27 CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện NSVH trong việc cưới, việc tang, cuối tháng 8/2013, UBND thành phố đã tổ chức buổi gặp mặt những người hành nghề thầy cúng, thầy mo và làm then trên địa bàn, tuyên truyền các tiêu chí thực hiện NSVM; động viên những người này không vì động cơ cá nhân, gương mẫu thực hiện nghiêm các quy ước, hương ước của thôn, của khu phố trong việc thực hiện nếp sống văn hoá; các việc cưới, việc tang và các nghi lễ truyền thống tại cộng đồng dân cư phải gắn với phương châm thực hành tiết kiệm, tránh phô trương, kéo dài thời gian và gây lãng phí tiền của cho các gia đình.
Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 27 CT/TW và Thông tư số 4/2011/TT-BVHTTDL, về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, các cấp uỷ Đảng và chính quyền phải coi đó là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, nêu cao vai trò làm chủ, ý thức tự giác của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, CNVC và lực lượng vũ trang phải gương mẫu chấp hành những quy định về NSVM; nghiêm khắc phê bình và xử lý kỷ luật thích đáng đối với những đảng viên, đoàn viên, cán bộ và chiến sĩ vi phạm NSVM.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự