Vệ sinh an toàn thực phẩm: Đến hội lại ... lo

Thứ ba - 07/02/2012 07:15
Ở Lạng Sơn, mỗi năm có trên 300 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức trong suốt tháng giêng Âm lịch. Đi kèm với lễ hội là các dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên tại các lễ hội, dịch vụ ăn uống phần lớn đều tạm bợ, lều quán chật chội, thiếu các điều kiện chế biến, bảo quản thức ăn.... Chính vì thế, mùa lễ hội cũng là thời điểm gia tăng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).


Khách du xuân vô tư ăn uống tại hàng quán trong lễ hội

Lạng Sơn những ngày này đang tưng bừng không khí lễ hội xuân. Thời tiết giá rét, mưa phùn song dòng người đi trẩy hội vẫn rất đông đúc. Tại các hàng quán ăn uống phục vụ khách du xuân có cơ hội nở rộ.

Hội Khánh Khê, huyện Văn Quan diễn ra ngày 6 tháng giêng dù chỉ với quy mô cấp làng, xã song số lượng hàng, quán phục vụ ăn uống cũng tới con số hàng chục, đấy là chưa kể những sạp hàng tạm bày bán hoa quả, đồ nướng, bánh mỳ... la liệt khắp lối đi. Lều quán tạm bợ, không chỗ thu gom rác, đồ ăn thức uống không được che đậy để giữ vệ sinh, người bán hàng thì vô tư chế biến thực phẩm với đôi tay “trần”... thế nhưng những quán hàng này vẫn nhộn nhịp thực khách.

Với mặt hàng hoa quả như táo, xoài dầm được bày cách nền đất chỉ với một tấm ni lông hoặc bao tải dứa thì du khách vẫn mua và thưởng thức luôn tại chỗ. Dường như cả người bán lẫn người mua đều chẳng ai có khái niệm về thực phẩm an toàn.

Chị Hoàng Thị Nhài, bán cá chỉ vàng nướng tại hội Khánh Khê cho biết: Cả năm mới có một lần hội, tôi tranh thủ bán đồ ăn uống để kiếm thêm, người ta bán quanh năm mới cần hàng quán, bàn ghế chứ mình vài buổi thì chỉ một chỗ ngồi, chậu than, vỉ nướng, vài chiếc đĩa, bát đựng tương ớt là đủ.

Không chỉ ở hội làng, xã mà ngay cả những lễ hội lớn, sự nở bung của dịch vụ ăn uống đi kèm lễ hội cũng đặt ra những nỗi lo về an toàn thực phẩm. Tại lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng vừa được tổ chức ngày 10 tháng giêng vừa qua, suốt đầu đoạn rẽ từ quốc lộ 1A vào thị trấn cho đến dọc đoạn đường dẫn về Đền Mẫu, hàng quán ăn uống: bún, phở, xúc xích, thịt nướng, trứng vịt lộn, hoa quả dầm, bánh mỳ ba-tê... mở ra san sát. Song, bên cạnh những hàng quán khá tươm tất, vẫn còn không ít lều quán ngoài trời, tạm bợ và đều chung một tình trạng: bày bán ngay cạnh đường đi mà không hề được che đậy để tránh bụi bẩn.

Tại nhiều hàng bún, phở, đồ nướng, thức ăn chín, sống được bày lẫn lộn, người phục vụ không găng tay, tạp dề mà vẫn thoăn thoắt bốc thức ăn vào bát để phục vụ các “thượng đế”. Do lượng người đi lại đông đúc, khách ra vào dồn dập; không ít quán hàng, bát đũa sử dụng xong chỉ được rửa qua loa để còn kịp phục vụ tốp khách khác.

Anh Hoàng Văn Tài, ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn-một du khách chia sẻ: Sau một hồi trẩy hội, cả nhà tôi ghé vào quán ăn ven đường, nhìn bà chủ quán tay trần bốc phở, thịt vào bát, nhìn cái cốc nước mang ra quanh miệng cáu bẩn mà hãi quá nhưng cũng đành ăn cho qua bữa.

Dịp tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các đoàn liên ngành VSATTP toàn tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với 797 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn, qua đó đã phát hiện, nhắc nhở 31 cơ sở vi phạm ở mức độ nhẹ, xử lý hành chính 48 cơ sở.

Ông Hoàng Văn Tiến, Chánh Thanh tra Sở Y tế nhận định: Ngay sau tết Nguyên đán là mùa Lễ hội xuân, bên cạnh những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống cố định, sẽ xuất hiện nhiều hàng quán mang tính thời vụ để phục vụ nhu cầu ăn uống tại các lễ hội. Mùa lễ hội cũng là thời điểm mưa phùn, ẩm ướt, thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc lây lan, làm đồ ăn thức uống dễ bị hư hỏng nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây qua thực phẩm là rất lớn.

Để đảm bảo VSATTP, công tác thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã sẽ tiếp tục được tăng cường. Riêng đoàn liên ngành của tỉnh, trong dịp này sẽ làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành các huyện, thành phố, các phòng y tế... và kiểm tra điểm một số cơ sở do tuyến huyện quản lý.

Lạng Sơn hiện có 6.685 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Đây là con số được quản lý còn trên thực tế, vào mùa lễ hội hàng năm số hàng quán thời vụ mọc lên như nấm thì khó có thể thống kê và kiểm soát. Vì thế, chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội cần tăng cường kiểm tra, bản thân người tiêu dùng cần cẩn trọng với thực phẩm lễ hội để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây