Đáp: Nếu bảo Phật tử thiếu bổn phận hay ích kỷ, theo
tôi nghĩ, thì không hẳn như thế. Tuổi trẻ đối với xã hội nầy, thật ra, chúng nó
cũng không cần đến sự bảo hộ chăm sóc của cha mẹ về vấn đề vật chất. Bởi vật chất
ở xứ Úc nầy, đâu có gì thiếu thốn.
Còn nói về tinh thần, thì đâu phải Phật tử
vào chùa xuất gia tu hành là không còn quan tâm gì đến con cái. Người xuất gia,
tuy trang trải tình thương rộng khắp, nhưng đối với những người thân ruột thịt
của mình, tất nhiên, mình cũng phải có sự quan tâm đến trước. Nếu không có tình
thương yêu như thế, thì đừng nói đến tình thương yêu rộng lớn khắp cả chúng
sanh.
Trong Kinh Phật thường nói, Phật thương tất cả chúng sanh như thương yêu
La Hầu La. La Hầu La là con trai của Phật. Như vậy, đức Phật thương yêu La Hầu
La như thế nào, thì Phật thương chúng sanh cũng như thế đó. Nếu không được vậy,
thì đó chẳng qua chỉ là một lời nói suông mà thôi!
Cũng như, bản thân mình, mình không biết quan tâm chăm
sóc thương mình, thì đừng nói đến tình thương người khác. Có những người họ
đang hủy hoại tàn hại bản thân của họ. Như họ đang bị bệnh gan nặng mà họ vẫn
tiếp tục uống các thứ rượu mạnh. Như có người bị bệnh lao phổi mà họ vẫn không
chịu bỏ hút thuốc lá. Như thế, có phải là họ đang tự hủy hoại tàn hại họ chết dần
chết mòn hay không? Họ có biết tự thương họ không?
Tự thương và khéo chăm sóc cho mình cả hai lãnh vực:
thể xác và tinh thần, thì đó không phải là ích kỷ. Mình có tu sửa, có an lạc hạnh
phúc, thì mình mới chia sẻ hiến tặng sự an lạc hạnh phúc đó đến cho mọi người.
Nếu nói Phật tử đi xuất gia, không lo tròn cho con cái là thiếu trách nhiệm bổn
phận, điều đó, theo tôi, cũng chưa hẳn là đúng. Thử hỏi biết đến bao giờ Phật tử
mới lo cho tròn trách nhiệm bổn phận đây? Hơn nữa, Phật tử đâu phải là người
còn trẻ, tuổi đời cũng đã cao. Như thế, thì cái chết cũng gần kề, nếu không tự
lo cho mình, thì thử hỏi biết đến bao giờ mới tự lo cho mình? Phật tử không tự
lo thì ai là người lo cho Phật tử? Khi Phật tử rơi vào hoàn cảnh đau khổ, có đứa
con đứa cháu nào, có thể thay thế nỗi khổ đau đó cho Phật tử hay không? Theo định
lý nhân quả ai gây nhân nào thì người đó sẽ gặt hái quả đó. Ai ăn nấy no, ai học
nấy biết chữ. Ai làm nấy chịu, không ai thay thế cho ai.
Theo như Phật tử nói, các đứa con của Phật tử tuy chưa
có lập gia đình hết, nhưng các người con cũng đã lớn khôn. Chúng nó tự lo bảo vệ
chăm sóc cho chúng nó được. Nếu trường hợp con của Phật tử tuổi còn nhỏ dại mà
Phật tử bỏ đi như thế, tất nhiên là Phật tử thiếu trách nhiệm bổn phận của một
người mẹ. Vì tưổi đó còn cần phải có sự chăm sóc bảo dưỡng trực tiếp của cha mẹ.
Còn nếu tuổi của chúng nó đã trưởng thành, thì không có gì gọi là thiếu bổn phận
cả.
Phật tử nên nhớ rằng, tuổi trẻ ở xứ nầy, chúng nó
thích sống đời sống tự do độc lập hơn, là có cha mẹ bên cạnh. Có mình ở bên cạnh,
đôi khi lại trở thành sự cản trở cho chúng nó không được tự do thoải mái với bạn
bè. Vả lại, khi Phật tử quyết định xuất gia, thì Phật tử cũng đã thảo luận rõ
ràng ý nguyện của Phật tử cho chúng nó biết, và chúng nó cũng rất vui vẻ đồng ý
để cho Phật tử được tròn sở nguyện.
Nếu chúng nó là những đứa con ngoan hiền hiếu
thảo, chắc chắn là chúng nó sẽ rất vui khi thấy Phật tử quyết định như thế. Phật
tử thử nghĩ, việc đời biết lo sao cho đầy đủ trọn vẹn! Giả sử như Phật tử không
còn có mặt trên cõi đời nầy nữa, thì chả lẽ chúng nó không sống được sao? Chúng
nó không biết tự lo bảo vệ cuộc sống của chúng nó sao? Vì mỗi người ai cũng có
cuộc sống riêng.
Hơn nữa, việc xuất gia của Phật tử, đâu phải là chỉ
nghĩ cho riêng mình. Vì người xuất gia là người của tất cả mọi người. Không có
cái ta sở hữu riêng biệt. Đó là hạnh nguyện cao cả tuyệt vời của người xuất gia.
Đó cũng là con đường chơn hạnh phúc cứu mình giúp người rộng ra là giúp cả muôn
loài đều được giải thoát.
Như thế, Phật tử không phải chỉ hưởng niềm vui riêng
mà còn đem lại nguồn an vui chung cho mọi loài, tất nhiên, trong đó có con cháu
của Phật tử rồi. Độ mình, độ người mà trước mắt là độ những đứa con và thân
nhân ruột thịt của mình trước đã. Và sau đó độ cho mọi người đều được an vui
thoát khổ. Đó là một lý tưởng cao đẹp nhất trên cõi đời nầy. Lẽ ra, chúng nó rất
vui mừng mới phải, chớ đâu có lý nào chúng nó lại trách cứ Phật tử đâu mà Phật
tử phải lo sợ.
Tóm lại, theo tôi, thì việc xuất gia của Phật tử không
phải là ích kỷ hay thiếu bổn phận với con cái. Điều quan trọng là sau khi xuất
gia, Phật tử có làm tròn hạnh nguyện cao đẹp của người xuất gia hay không? Điều
đó mới là điều quan yếu, mà Phật tử cần phải ý thức tư duy về việc làm phát
nguyện của mình.
Nếu sau khi xuất gia, Phật tử cố gắng tu học đàng hoàng để được
lợi mình, rồi sau đó làm lợi ích cho mọi người. Đó là Phật tử thật hành hạnh
nguyện cao cả của Bồ tát đạo. Được vậy, thì con cháu của Phật tử chúng nó rất
vui mừng khi nhìn thấy Phật tử đã được tròn sở nguyện. Kính chúc Phật tử tinh tấn
tu hành chóng đạt được giác ngộ và giải thoát, theo hạnh nguyện của người xuất
thế.
Tác giả bài viết: TK Thich Phuoc Thai
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự