ĐÁP: Bạn Nguyễn Chí Hào thân mến!
Giáo lý Phật giáo có đề cập đến bốn loại ma: Phiền não
ma, Ngũ ấm ma, Tử ma và Thiên ma. Theo Luận Đại Trí Độ (q.5): Phiền não ma là
những dục vọng, tham muốn, sân hận… tạo ra nghiệp xấu ác, làm não hại thân tâm,
khiến chúng sanh trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Ngũ ấm ma là thân năm uẩn
chính là nguồn gốc phát sinh mọi khổ đau cho chúng sanh.
Tử ma là sự chết, thây
chết, sự hủy hoại, chấm dứt sự sống con người. Thiên ma là ma vương trời Tha
Hóa Tự Tại, còn gọi ma Ba Tuần, thường phá hoại sự nghiệp tu hành hướng thiện của
con người. Trong đó, Thiên ma ở bên ngoài (ngoại ma) còn các loại ma khác từ
nơi thân tâm chúng ta lưu xuất (nội ma).
Giáo điển Kim cương thừa cũng đề cập đến bốn thứ ma:
Ma xiềng xích gồm những phiền não, sự bám víu hay ghét bỏ đối với sự vật,
hiện tượng bên ngoài. Ma buông thả tức những dục vọng, tà tư duy gây đau
khổ trong tâm. Ma hoan hỷ tức sự vui thích, tự mãn, hãnh diện, nhất là sự bám
víu hỷ lạc thiền định. Ma kiêu căng là sự tự kiêu, ngã mạn và chấp thủ tự ngã.
Như vậy, ma theo quan điểm Phật giáo, là tất cả những
phiền não như tham dục, sân hận, mê mờ, tà kiến, chấp thủ tự ngã do vô minh che
lấp mà biến hiện, sanh khởi, trú ẩn nơi thân tâm mỗi người. Những ảo giác, ảo ảnh
mà không ít người nghĩ là “ma” xuất hiện trong giấc mơ chỉ là những biểu hiện,
kiềm tỏa của nội ma.
Do vậy cần phải nhiếp tâm, an trú tâm vào thiền định bằng
cách thực hành các pháp Chỉ - Quán, niệm Phật, tụng kinh, trì chú v.v… nhằm thiết
lập và duy trì chánh niệm. Chánh niệm càng lớn thì sự loạn động, quấy nhiễu của
“ma” càng bớt đi. Đối với sự phá hoại của Thiên ma, thiết nghĩ chúng ta không cần
lưu tâm, vì hầu hết chúng ta chưa phải là đối tượng của Thiên ma, trừ các bậc sắp
chứng đạt Thánh quả.
Về một phương diện khác, những ảo giác ma mị bạn thường
gặp trong giấc ngủ ban trưa mà không hề gặp trong giấc ngủ ban đêm, nên bạn cần
lưu ý đến các điều kiện khác như chỗ ngủ trưa quá nóng bức, bị chiếu sáng, áo
quần quá chật v.v… cũng là những nguyên nhân gây nên ảo giác, mơ gặp “ma”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự