Đáp: Đây là ba thứ độc tố mà hầu hết chúng ta đều bị
nó sai sử tạo nghiệp thọ khổ. Muốn diệt trừ nó, không phải là chuyện dễ dàng. Nếu
như dễ trừ dễ đoạn, thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn nổi trôi trong vòng
sanh tử khổ đau nữa.
Bởi chúng nó là những thứ có gốc rễ rất sâu dầy. Giống như
loại rễ cỏ cú ăn sâu trong lòng đất, muốn nhổ diệt tận gốc rễ của nó thật là rất
khó. Rất khó thôi, chớ không phải là không có cách tiêu diệt hết. Loại tâm sở
phiền não căn bản nầy cũng thế. Tuy khó trừ khó đoạn, nhưng nếu chúng ta bền
chí nỗ lực tu hành thì cũng có thể dẹp trừ được. Bởi chúng nó chỉ là hư vọng
không thật.
Trong Chứng Đạo Ca Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác có nói: “Tam độc thủy bào
hư xuất một”. Nghĩa là ba thứ tham, sân, si, giống như là bọt nước nổi lên rồi
mất. Vì bản chất của chúng là hư giả không có thực thể cố định, nên chúng ta
quyết tâm chuyên cần tu tập tất nhiên là chúng ta có thể chuyển hóa chúng được.
Nhưng với điều kiện là chúng ta phải hằng gia công nỗ lực bền chí tu tập.
Phương pháp chuyển hóa hay diệt trừ chúng, Phật Tổ dạy
có nhiều cách. Như quán tưởng, niệm Phật, tham thiền, tụng kinh, trì chú
v.v… Dù phương pháp nào cũng đòi hỏi sự bền tâm cố gắng lâu dài của chúng ta.
Đối
với căn cơ của chúng ta thì không phải tu một ngày một bữa mà có thể dứt trừ
chúng được. Cần phải trải qua thời gian lâu dài. Như chúng ta cố gắng niệm Phật
chú tâm niệm danh hiệu Phật miên mật già dặn lâu ngày, tất nhiên cường độ hiện
hành của chúng sẽ yếu dần đi. Sức hoạt động của chúng sẽ không còn mạnh bạo
hung hăng dữ tợn như trước kia nữa. Đó là chúng ta đã có tiến bộ khả quan trên
bước đường tu rồi.
Ngoài ra, chúng ta còn phải quán chiếu sâu vào lý
duyên sinh vô ngã. Mọi vật trên đời nầy không có vật gì tồn tại lâu dài. Tất cả
đều chịu chung định luật vô thường chi phối. Ngay như thân tâm ta cũng bị vô thường
thay đổi luôn luôn.
Vạn pháp đều do nhân duyên sinh. Đã do nhân duyên sinh, thì
chúng không có thực thể. Đó là vô ngã, tức không có cái chủ thể chân thật. Thân
nầy khi hết duyên cũng tan rã. Hằng dùng trí huệ bát nhã quán chiếu như thế,
thì lòng tham chấp ngã pháp của chúng ta sẽ giảm dần.
Từ đó, ba món tham,
sân, si, lần lần cũng phải tiêu mòn và rồi một ngày nào đó, chúng sẽ hoàn toàn
biến mất. Đến đây, hành giả mới thật sự giải thoát hoàn toàn.
Tác giả bài viết: TK Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự