Tuy nhiên, thực tế thì chúng tôi chỉ là những cư sĩ.
Khi nào khỏe thì đến chùa tu tập cùng với thầy và đại chúng còn những lúc khác
hay khi đau yếu thì tu tập ở nhà. Chúng tôi muốn hỏi quý báo rằng có cần thiết
phải thay đổi hình thức như người xuất gia không? Nếu muốn thực hiện điều đó cần
phải tuân theo những nghi thức nào? (PHÁP THIỆN, P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM)
Đáp: Bạn Pháp Thiện thân mến!
Trong sự nghiệp tu tập, hình thức bên ngoài cũng rất quan
trọng, có tác dụng trợ duyên rất nhiều trong việc thúc liễm thân tâm, tấn tu đạo
nghiệp. Phật chế định cho hàng đệ tử xuất gia phải tuân thủ hình thức "đầu
tròn áo vuông" cũng không ngoài mục đích ấy, tức người xuất gia thì
"tâm hình dị tục", hình tướng và tâm niệm phải khác hẳn người đời.
Tuy nhiên, đối với hàng Phật tử tại gia thì quy hướng
ba ngôi Tam bảo và giữ gìn năm nhân cách của người Phật tử (năm giới) mới thực
sự là điều cần yếu. Người Phật tử nói chung không cần phải tuân thủ theo một
hình thức đặc trưng xuất thế như chư vị Tăng Ni. Mặt khác, sau khi thọ Bồ tát
giới tại gia thì hành giả phải nỗ lực tu học nhưng từ nơi tâm niệm là chính,
nghĩa là thực hành tâm giới Bồ tát để cứu độ tự thân và cuộc đời.
Theo chúng tôi, một người cư sĩ, cho dù đó là cư sĩ tại
gia Bồ tát giới, thì cũng không nên và không nhất thiết cần mang hình thức giống
người xuất gia. Dẫu hiện nay, có không ít Phật tử phát tâm xuống tóc, mặc y phục
giống người xuất gia đồng thời xem điều đó như là một sự "tinh tấn",
và tất nhiên họ cũng vướng mắc không ít hệ lụy vì những điều bất cập.
Trước hết, việc cư sĩ xuống tóc và mặc y phục như người
xuất gia (dù không phải pháp phục-y hậu mà chỉ là thường phục) cũng rất dễ khiến
cho nhiều người nhầm lẫn vị cư sĩ ấy là Tăng sĩ. Và, khi người cư sĩ với hình
tướng đầu tròn, áo nâu (hoặc lam) hiện hữu ở chùa viện, nếu không phải người
trong chùa thì khó có thể biết rằng vị ấy là Phật tử, là cư sĩ. Dẫn đến việc
người đi lễ chùa không biết vị ấy là cư sĩ, cung kính với vị ấy như chư Tăng, dẫu
có nhận hay không thì vị cư sĩ ấy cũng bị tổn giảm phước đức. Đó là chưa kể đến
trường hợp nếu vị cư sĩ ấy khởi tâm tự mãn với sự cung kính thì càng bị suy giảm
phước đức nhiều hơn.
Trường hợp ngược lại, khi những vị cư sĩ "đầu
tròn" này ở nhà của mình thì dễ khiến cho những người khác trong thôn xóm chưa
hiểu ngọn nguồn ngỡ rằng vị cư sĩ ấy nay đã đi tu (bởi hình thức giống người
tu). Và nếu bà con láng giềng xét nét các hành vi, lời nói cùng những sinh hoạt
bình thường của vị cư sĩ ấy ở gia đình, dưới góc độ người tu thì rất có thể ảnh
hưởng không tốt đến thanh danh của người xuất gia nói chung; và điều ấy cũng
khiến cho vị cư sĩ kia tổn phước.
Như vậy, một người cư sĩ mà xuống tóc và mặc áo tu thì
khá lấn cấn trong hành xử và sinh hoạt. Vì người ấy tự tạo cho mình một hình thức
mà "Tăng cũng chẳng phải Tăng, và tục cũng chẳng phải tục". Ở nhà cũng
khó tránh khỏi "lời ra tiếng vào", lên chùa cũng dễ khiến cho người
ta nhầm lẫn là người xuất gia thì cũng khó thoát chuyện "lời vào tiếng
ra". Và như thế, để đối phó với tình cảnh này sẽ làm cho vị cư sĩ ấy bị phân
tâm và phiền não nhiều hơn lúc làm một vị cư sĩ "có tóc, mặc thế phục"
như bao cư sĩ bình thường khác.
Do đó, chúng tôi nghĩ rằng, một vị cư sĩ thì chỉ cần một
chiếc áo tràng (màu lam hoặc nâu tùy vùng miền) mặc trong lúc tụng kinh, lễ Phật
là hợp lý nhất. Không cần thay đổi hình thức bên ngoài cho giống với người xuất
gia, chỉ nên thực tập chuyển hóa nghiệp lực và học theo tâm nguyện của người xuất
gia mà thôi.
Chúc bạn tinh tấn!
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự