ĐÁP: Bạn Nguyên Hùng thân mến!
Người Ấn Độ xưa chia thời gian một ngày đêm (24 giờ)
thành sáu thời, mỗi thời tương ứng với 4 giờ hiện nay. Sáu thời gồm: Đầu ngày,
giữa ngày, cuối ngày (3 thời ban ngày) và đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm (3 thời
ban đêm).
Sáu thời tương ứng với cách tính giờ hiện nay như sau:
Đầu ngày (từ 6 giờ đến 10 giờ), giữa ngày (từ 10 giờ đến 14 giờ), cuối ngày (từ
14 giờ đến 18 giờ) và đầu đêm (từ 18 giờ đến 22 giờ), giữa đêm (từ 22 giờ đến 2
giờ), cuối đêm (từ 2 giờ đến 6 giờ).
Khi Phật giáo truyền qua Trung Hoa (dù người Trung Hoa
dùng 12 thời Tí, Sửu,… Tuất, Hợi) nhưng sáu thời (cách tính giờ của Ấn Độ) vẫn
được chư Tăng, Ni Trung Hoa sử dụng trong sinh hoạt thiền môn. Thời Đông Tấn,
ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn đã chế ra thủy thời kế (dụng cụ đo thời gian bằng nước)
chia một ngày đêm thành sáu thời để tu niệm. Đời Đường, ngài Thiện Đạo soạn Lục
thời lễ tán (Vãng sanh lễ tán), phương thức đảnh lễ tán dương công đức Phật và
Bồ tát trong sáu thời, làm thời khóa tu tập cho các hành giả Tịnh Độ tông.
Ngoài ra, còn có pháp tu Lục thời tam muội, ngày đêm
nhất tâm tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật, lễ sám. Một trong 33 hóa thân của Bồ
tát Quán Âm là Lục thời Quán Âm, vị Bồ tát thường che chở, cứu độ chúng sanh suốt
ngày đêm, không ngừng nghỉ, không gián đoạn.
Kinh cầu an của Phật giáo Việt Nam hiện nay có đoạn
“Đêm ngày sáu thời đều an lành” được dịch từ tiếng Trung Hoa “Trú dạ lục thời hằng
kiết tường”. Câu kinh này, có thể dịch thoát ý cho dễ hiểu là “Đêm ngày 24 giờ
đều an lành”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự