Đáp: Như ở câu hỏi số 33 trên, chúng tôi có thưa qua về
việc cúng Phật bằng những hình thức lễ nghi phẩm vật, mục đích là nhằm biểu lộ
tấm lòng thành kính của chúng ta. Tuy đó là hình thức lễ nghi bề ngoài, nhưng
chúng ta cũng phải giữ gìn cho trang nghiêm tinh khiết.
Thật ra, nếu chúng ta
chưng bày thiết cúng bằng nhang điện hay hoa quả giả, nếu so với phẩm vật tươi,
thì nó kém đi phần trang nhã tươi mát và xinh lịch hơn. Tuy nhiên, vấn đề nầy
còn tùy thuộc vào tâm nguyện, hiểu biết, sở thích, khung cảnh không gian và
hoàn cảnh của mỗi người. Bất kính hay là có lỗi không, thì hoàn toàn ở nơi cõi
lòng của Phật tử, chớ không phải ở nơi đồ vật. Phật tử nên tự hỏi lại cõi lòng của
Phật tử.
Nếu như Phật tử dâng cúng những phẩm vật sang trọng, đẹp đẽ, giá trị,
tinh khiết, mà Phật tử không có lòng chí thành trong khi dâng cúng, thì đó mới
là mất trang nghiêm, bất kính và có lỗi. Không phải Phật tử có lỗi với Phật, vì
Phật có bao giờ bắt lỗi Phật tử đâu, nhưng chính Phật tử có lỗi với lương tâm của
Phật tử. Thế nên, làm bất cứ điều gì, cần nhứt là ở nơi tâm thành. Người xưa
nói: “chí thành thông thánh” là vậy.
Xưa kia, thời Phật còn tại thế, có một bà già đi ăn
xin, bà nhịn ăn trong ngày để dành tiền mua dầu cúng Phật. Cúng xong, tất cả những
cây đèn của vua chúa, trưởng giả, những nhà quý phái giàu có sang trọng, tất cả
những ngọn đèn đó, ngài Mục Kiền Liên đều quạt tắt hết. Chỉ có ngọn đèn của bà
già ăn xin kia, ngài quạt hoài không tắt.
Thậm chí ngài dùng đến thần
thông quạt mà nó cũng không tắt. Thấy thế, ngài bạch trình với Phật. Phật nói,
ngọn đèn đó là của một bà già ăn xin. Thay vì bà dùng đồng tiền xin được để mua
thức ăn, nhưng bà lại nhịn đói để mua dầu cúng dường. Do lòng chí thành tha thiết
đó, nên kết quả bà mới được công đức vô lượng tốt đẹp như thế.
Hiện chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kỹ thuật
điện tử, nên thường người ta trần thiết trang trí bày biện những vật dụng để cúng
Phật, phần nhiều là bằng những loại mang tính chất điện tử cả. Như đèn, nhang,
hào quang v.v… mọi thứ đều được thiết trí bằng những hình thức giả tạo.
Điều nầy, nếu xét trên phương diện hình thức, ta thấy
cũng rất trang nghiêm và đồng thời cũng giữ cho môi trường sinh hoạt được tinh
khiết trong lành. Đây cũng là điều rất quan trọng để bảo vệ cho sức khỏe của mọi
người. Thường trong nhà, nếu ta thắp nhang đèn, thì lượng khói của nó sẽ lan tỏa
ra khắp không gian làm cho chúng ta bị choáng ngợp rất là khó thở. Lý do, là vì
khung cảnh không gian trong nhà quá chật hẹp.
Do đó, mà mùi khói khó có lối
thoát. Hơn nữa, có nhiều người dễ bị dị ứng mùi khói nhang. Theo các nhà khoa học
cho biết, mùi khói nhang cũng dễ gây ra cho người ta bị bệnh. Do đó, ngay cả
trong chùa, chư Tăng Ni cũng vẫn thường sử dụng thiết trí các loại nhang đèn bằng
điện. Ngoại trừ những buổi lễ quan trọng, thì người ta mới thắp nhang thiệt và
tối đa chỉ có 3 cây thôi.
Có nơi, sau khi nguyện hương xong, người ta đem cấm
nhang ở một nơi khác, chớ không có cấm vào cái lư hương trên bàn thờ Phật ở
chánh điện. Vì để tránh mùi khói nhang gây ra làm cho mọi người khó chịu. Tuy nhiên,
vấn đề nầy, vào những ngày đại lễ quan trọng ở trong chùa, đối với người Phật tử
thì có khác.
Cần nói thêm, theo lệ thường, ở Việt Nam, mỗi khi người Phật tử đến
chùa lễ Phật, trước tiên là họ thắp hương đem cấm vào các bàn thờ Phật và nhất
là các bàn thờ vong. Rồi sau đó họ mới đến bàn thờ chánh để lạy Phật.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin được mạng phép góp chút
thành ý trong vấn đề thắp hương của người Phật tử chúng ta. Theo phong tục của
người Á Đông nói chung, người Việt
Phần thì số lượng người quá đông đảo, phần
thì hít thở hưởng mùi khói nhang ai nấy đều muốn nghẹt thở. Vẫn biết, đây là một
phong tục cổ truyền lâu đời khó bỏ, nhưng nếu mạnh ai nấy thắp, nhất là những
người Hoa, họ thắp rất nhiều nhang. Thế thì, bảo sao không gây nên tình trạng ô
nhiễm môi trường chung quanh cho được? Và nhất là rất có hại cho sức khỏe của
con người. Dĩ nhiên, trong đó cũng có họ nữa.
Tuy biết đây là phong tục, nhưng nếu chúng ta xét thấy,
điều gì bất lợi không còn phù hợp vệ sinh cho môi trường sống nữa, thì chúng ta
cũng nên suy xét mà cải thiện giảm bớt đi. Chúng ta không nên quá câu nệ cố chấp
vào hình thức mà gây nên tai hại chung cho tập thể. Nếu chúng ta chưa có thể bỏ
hẳn được, thì chúng tôi xin đề nghị là nên giảm bớt.
Giảm bớt như thế nào? Giả
như, có nhiều thành viên trong một gia đình cùng đi chùa lễ Phật, thì chỉ một
người đại diện thắp một cây nhang là đủ. Còn những người khác thành tâm chấp
tay khấn nguyện, xong rồi, mọi người đồng lạy Phật. Còn nếu là cá nhân không phải
chung trong gia đình, thì mỗi người chỉ nên thắp một cây nhang thôi, không nên
thắp nhiều quá.
Xin thưa, việc cầu nguyện là do ở nơi lòng thành của
chúng ta, chớ không phải ở nơi thắp nhang nhiều hay ít. Không phải thắp nhiều
chư Phật mới chứng minh, còn thắp ít thì chư Phật không ngó tới. Có người sợ thắp
ít nhang quá, thì Phật không chứng minh cho lời cầu nguyện của mình.
Đó là một
quan niệm rất sai lầm, thật quá mê tín, ta cần nên bỏ. Người Phật tử chúng ta
nên ý thức và hiểu rõ điều đó. Nếu mỗi người ý thức giảm bớt tối thiểu, thì quả
đó là chúng ta tiếp tay đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, và tạo nên bầu
không khí trong lành để mọi người cùng chung lạc hưởng.
Tóm lại, việc làm của Phật tử, theo tôi, thì không có
gì là mất trang nghiêm, bất kính hay có lỗi cả. Có lỗi hay không là ở nơi tâm
ý, thái độ, và việc làm của chúng ta. Điều quan trọng là ở nơi tấm lòng thành
kính của Phật Tử. Tổ Ấn Quang thường dạy, có một phần thành kính là có thêm một
phần phước đức.
Tuy nhiên, tôi xin đề nghị với Phật tử là ngày thường thì Phật
tử có thể chưng bày như thế được, nhưng đến những ngày rằm hay ba mươi (
nếu tháng thiếu là 29 ), Phật tử nên mua hoa quả tươi cúng Phật thì hay hơn.
Hình thức tuy cũng rất cần, nhưng tùy hoàn cảnh mà chúng ta khéo léo linh động
cho phù hợp với môi trường và hoàn cảnh nếp sống của chúng ta. Kính chúc Phật tử
vui sống trong an lành và hạnh phúc.
Tác giả bài viết: TK Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự