Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2009
Thứ tư - 11/02/2009 19:52
Ngày 10/2 (tức 16 tháng Giêng), UBND tỉnh Hải Dương tổ chức khai mạc Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc và tưởng niệm 675 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn Giả (1334 - 2009) tại quần thể di tích quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc. Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn ấn tượng với nhiều chương trình phong phú và hấp dẫn như: lễ rước nước, lễ mục dục, lễ Mông Sơn thí thực... trong ngày khai mạc, khi trời còn mờ hơi sương, tại sân lễ hội đã tấp nập người chuẩn bị cho lễ rước nước từ hồ Côn Sơn về chùa Côn Sơn để tắm tượng - một trong những hoạt động truyền thống không thể thiếu. Lễ rước nước được tổ chức với quy mô lớn, huy động kiệu của ba xã Cộng Hoà, Lê Lợi và Hưng Đạo đã trở thành nét đẹp văn hoá đặc trưng của Lễ hội Côn Sơn, thể hiện tập quán cư dân nông nghiệp lúa nước của người Việt.
Giờ phút linh thiêng (8h15phút) của ngày hội, chiếc lư hương lớn của chùa Côn Sơn toả hương trầm thơm ngát làm không khí thêm trang trọng. Bên cạnh phần lễ là phần hội rất náo nhiệt, tưng bừng với các hoạt động văn hoá, thể thao như: đấu vật, chọi gà, cờ tướng, rối nước, hát quan họ, đu tiên, viết thư pháp và các trò chơi dân gian khác.
Ngay từ mùng 1 Tết Kỷ Sửu, nhân dân từ mọi miền đất nước đã về trẩy hội Côn Sơn, trung bình mỗi ngày trên 1 vạn khách, cao điểm từ mùng 1- 5 Tết, mỗi ngày có trên 4 vạn khách. Lễ hội năm nay được tổ chức đến ngày 12/2 (tức 18 tháng Giêng).
Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc mang đậm vẻ linh thiêng của vùng đất phát tích Phật giáo Trúc Lâm. Đường vào chùa Côn Sơn uốn khúc nên thơ với những nét đặc trưng vùng non nước hữu tình.
Chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang - vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Ngày 22 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), nhà sư Huyền Quang mất tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông cho 10 lạng vàng xây Đăng Minh bảo tháp đặt xá lị của Huyền Quang để lưu giữ.
Từ đó đến nay, ngày mất của Huyền Quang dần trở thành Hội Xuân Côn Sơn. Sau này, đến thời nhà Lê, Nguyễn Trãi đã về tĩnh dưỡng tuổi già ở Côn Sơn. Nguyễn Trãi thường lên bàn cờ Tiên, Thanh Hư động và ra suối Thạch Bàn thưởng ngoạn đất trời, làm thơ cũng như suy ngẫm việc đời.
Sau khi Nguyễn Trãi mất, nhân dân đã tạc tượng thờ tại nhà thờ Tổ sau chùa Côn Sơn. Vì thế, đến Côn Sơn ngày nay, du khách vừa thăm chùa, thăm nơi thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), đến thăm thắng cảnh, di tích lịch sử gắn với tên tuổi người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Nguồn tin: http://phatgiaovnn.com