Thiền viện Phước Sơn Đồng Nai: Lễ cúng đèn đầu năm

Thứ năm - 12/02/2009 08:02
Khoảng 3.000 Phật tử từ Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận đã đổ về Thiền viện Phước Sơn tọa lạc trên đồi Lá Giang thuộc ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, Đồng Nai vào lúc 6g ngày 11/02/2009 (tức 17 tháng giêng âm lịch) để tham dự lễ cúng đèn truyền thống cúng dường Tam Bảo và cầu an đầu năm. Lễ cúng đèn được tổ chức tại thiền viện hàng năm vào các tối ngày 16 tháng giêng, 16/04 16/07 và 16 tháng 10 Âm lịch. Tuy nhiên lễ cúng đèn tổ chức vào tháng giêng là lớn nhất. Vào khoảng 5g15 chiều, mưa khá lớn bắt đầu đổ xuống Đồng Nai và khoảng 10 phút trước khi lễ cúng đèn thì bắt đầu bắt đầu ngớt dần.

Do dự đoán Phật tử sẽ về tham gia Thiền viện tham  lễ cúng đèn đầu năm tương đối sẽ khá đông nên các sư đã thiết lập một chính điện lộ thiên để tất cả mọi người đều có thể tham gia. Tuy nhiên khi buổi lễ vừa bắt đầu thì mưa lại xuất hiện nên buổi lễ buộc phải dời vào lại trong chính điện. Một số rất lớn Phật tử vì vậy phải đứng bên ngoài, trú dưới các mái hiên hoặc dưới tán của các chiếc dù lớn và làm lễ theo tiếng đọc kinh của các sư vọng ra từ chính điện. Tuy nhiên mọi người đều rất thành kính. Mưa càng ngày càng nặng hạt. Tôi và người bạn làm ở báo Giác Ngộ do phải chạy tới chạy lui để chụp hình nên áo quần và tóc tai ướt đẫm. Lo rằng các ngọn nến sẽ tắt  do trời  mưa nên sau khi chụp một số hình của buổi lễ đọc kinh cúng dường Tam Bảo tại chính điện xong, chúng tôi quyết định đội mưa đi đến một số nơi khác để tranh thủ chụp ít tấm hình. Tuy nhiên do mưa khá lớn nên chúng tôi không thể đến tháp tổ và thiền đường vì hai nơi này cách chính điện khá xa.

Sau khi thuợng tọa Thích Giác Chánh trụ trì chùa Bửu Đức ban xong thời pháp thì chư tăng bắt đầu đọc kinh cầu an. Bạn tôi nói với tôi mưa lớn như vầy chắc phải hủy phần lễ rước đèn. Tuy nhiên, khi các sư vừa đọc kinh cầu an xong và bắt đầu lễ nghi lễ cúng đèn thì trời lại bắt đầu ngớt mưa.  Và thật kỳ diệu thay trời đã tạnh mưa hẵn khi nghi lễ cúng đèn chấm dứt cũng là lúc mà tất cả Phật tử bắt đầu phải ra hết ngoài sân để thực hiện nghi lễ rước đèn ngoài  trời. Ngoài sân lúc này đông nghẹt Phật tử với ánh nến lập lòe trên tay.

Thượng tọa Thích Bửu Chánh dẫn đầu đoàn người rước đèn, có rất nhiều Phật tử áo quần, tóc tai ướt nhèm, nhưng ai cũng thành tâm hoan hỷ. Buổi lễ kết thúc tốt đẹp. Bất chấp trời mưa, các ngọn nến vẫn tiếp tục cháy. Mọi lối đi, mọi nơi trong thiền viện đều sáng rực ánh nến. Tập tục cúng đèn cho Tam Bảo được bắt nguồn từ Ấn Độ. Có một câu chuyện thật cảm động về một bà lão rất nghèo cúng dường đèn cho Phật như sau:

Một thời đức Phật ở nước La-duyệt-Kỳ tại núi Kỳ-xà-Quật, lúc bấy giờ vua A-Xà-Thế thỉnh đức Phật dự lễ trai tăng trong hoàng cung. Sau khi thọ trai, đức Phật trở về Tinh-Xá Kỳ-hoàn. Vua bèn hỏi Kỳ-Bà rằng: "Ta thỉnh Phật thọ trai xong, nay không biết nên làm gì?"

Kỳ-Bà nói: "Ngài nên đem rất nhiều đèn để cúng dường Phật."

Vua liền sai chở một trăm thùng dầu về Tinh-Xá Kỳ-Hoàn.

Có một bà lão nhà rất nghèo, có tâm chí thành muốn cúng dường đức Phật mà không có tiền. Bà thấy vua A-Xà-Thế làm công đức như vậy, rất lấy làm cảm kích. Bà đi xin được hai tiền, liền đến nhà hàng mua dầu.

Chủ hàng hỏi: "Bà rất nghèo túng, xin được hai tiền, sao không mua đồ ăn mà lại mua dầu?"

Bà già đáp rằng: "Tôi nghe ở đời gặp đức Phật rất khó, vạn kiếp mới được một lần. Tôi nay may mắn được sinh cùng thời với Phật, mà chưa có dịp cúng dường. Ngày nay tôi thấy Vua làm việc đại công đức, tôi tuy cùng khổ, cũng muốn cúng dường ngọn đèn để gieo chút nghiệp lành cho đời sau."

Người chủ quán do cảm phục chí nguyện của bà lão, liền đong cho thêm ba tiền thành được năm tiền dầu. Bà đến trước đức Phật thắp đèn lên, tự nghĩ dầu thắp không quá nửa đêm, bà phát nguyện rằng: "Nếu sau này tôi được chứng đạo Vô thượng như Đức Phật thời ngọn đèn này sẽ đỏ suốt đêm và sáng tỏ khác thường." Phát nguyện xong bà lễ Phật rồi về.

Các ngọn đèn của Vua cúng dường, có ngọn tắt, có ngọn đỏ mặc dù có người để mắt nhìn chừng, riêng ngọn đèn của bà lão, suốt đêm không tắt, dầu lại không hao.

Trời sáng, đức Phật bảo Ngài Mục-Kiền-Liên rằng: "Trời đã sáng, hãy vào tắt các ngọn đèn."

Ngài Mục-Kiền-Liên vâng lời tuần tự đi tắt các ngọn đèn, riêng ngọn đèn của bà lão ngài thổi ba lần cũng không tắt được; ngài lấy áo cà sa mà quạt thì ngọn đèn lại cháy rực rỡ hơn. Ðức Phật bèn bảo rằng: "Hãy dừng lại, ngọn đèn ấy là hào quang công đức của một vị Phật tương lai, không thể lấy thần thông của người mà dập tắt được."

Vua A-Xà-Thế nghe nói, liền hỏi Kỳ-Bà rằng: "Ta làm công đức rộng lớn như vậy mà đức Phật không thọ ký cho ta thành Phật, còn bà già kia chỉ thắp một ngọn đèn mà được thọ ký là cớ làm sao?"

Kỳ-Bà đáp rằng: "Ngài cúng đèn tuy nhiều mà tâm không chuyên nhất, không bằng được tâm thuần thành của bà kia đối với đức Phật."

Đèn tượng trưng cho trí tuệ. Theo kinh "Phật vì trưởng giả Thủ-ca mà nói về nghiệp báo sai biệt",  người cúng đèn sẽ được 10 điều phước phước đức trong đời này và đời sau: 

1. Người cúng đèn đời này và đời sau giống ngọn đèn sáng của thế gian, chuyển sinh làm người là vua trong loài người, giống như thượng sư như ý bảo, huệ đăng chiếu sáng toàn thế giới.

2. Mắt không bao giờ hư hoại

3. Đắc được ngũ nhãn

4. Có trí huệ phân biệt được thiện ác

5. Có trí huệ siêu việt, diệt trừ tam độc

6. Trí huệ xuất chúng, không bị ngoại giới nhu nhuyễn lôi kéo

7. Không sinh ở nơi tà kiến và địa phương hắc ám

8. Sinh ra là người có phước báo

9. Lâm chung không đọa ác thú, mà sinh nơi thiên giới

10. Chứng quả vị thánh mau lẹ















 

 

Nguồn tin: theo PTVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây