Chứng minh và tham dự có TT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, TT. Thích Gia Quang – Phó tổng thư ký HĐTS, TT. Thích Thông Phương - Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, TT. Thích Thanh Vân - Trưởng BTS THPG Hải Dương cùng đông đảo chư tôn thượng toạ, đại đức, tăng ni, Phật tử tỉnh Hải Dương.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thế Doanh - Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, Tiến sỹ Đặng văn Bài - Cục trưởng cục di sản văn hoá - Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, PGS.TS. Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật, PGS.TS. Lê Hồng Quang – Phó viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật, TS. Nguyễn Văn Hoà - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Ban tuyên giáo TW cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các Bộ, ban ngành trung ương, các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học và lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh... các cơ quan thông tấn báo chí.
Bà Đặng Thị Bích Liên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thay mặt ban tổ chức đọc lời chào mừng hội thảo. Trong diễn văn chào mừng, Bà khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức Hội thảo khoa học nhân lễ tưởng niệm 675 năm ngày thị tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả; một thiền sư thi sĩ; người có công phát triển mở rộng và truyền bá tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam – hiện thân của sự kết hợp giữa Đạo và Đời để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Bà Liên hoan nghênh sáng kiến tổ chức Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 675 năm ngày thị tịch của Đệ tam Tổ ngay chính tại khu thánh tích Côn Sơn huyền thoại - nơi Người tu hành đắc đạo và về với cõi Phật, coi đây là dịp để tưởng nhớ công lao bày tỏ tri ân trân trọng tài đức của Người cũng như các bậc tiền nhân khác đối với đất nước; thể hiện quyết tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam.
Trong diễn văn bà khẳng định: “Tất cả các ý kiến trong hội thảo hôm nay sẽ định hướng cho việc khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của Thiền Phái Trúc Lâm tại Côn Sơn, góp phần quan trọng trong việc nâng cấp Lễ hội Côn Sơn giai đoạn 2006 – 2010 trở thành mộ lễ hội mang tầm cỡ quốc gia."
Qua hơn 30 bài nghiên cứu tham luận về cuộc đời và sự nghiệp đệ tam thánh Tổ Trúc Lâm Thiền phái, nội dung tập trung vào những vấn đề: Tư tưởng giải thoát của Huyền Quang, Huyền Quang - nhà sư thi sỹ, Đệ tam tổ Huyền Quang và tinh thần tam giáo, Sư tổ Huyền Quang: Đạo và đời... tất cả đều nhận định sự hiện diện của Ngài với tư cách là vị Tổ đời thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm đầy thế lực và uy tín đương thời chính là hiện tượng phản ánh một cách tập trung nhất nguyện vọng và định hướng tích hợp tư tưởng, sự khoan dung ý thức hệ, biểu hiện của tiếp biến văn hoá.
Huyền Quang tôn giả là sự hoàn thiện tất yếu mà thiền phái phải thực hiện, là đại diện lỗi lạc đầu tiên của một lối ứng xử mà về sau trở thành truyền thống kéo dài trong lịch sử tư tưởng, lịch sử tôn giáo và văn hoá Việt Nam: “Truyền thống Tam giáo đồng nguyên – dĩ Nho nhập Thích” .
Thiền phái Trúc Lâm còn tồn tại được đến ngày nay là do rất nhiều cơ duyên, nhiều sự phù hộ độ trì, trong đó có vai trò của những người kế nghiệp hậu lai là vô cùng quan trọng.
Đệ tam tổ Huyền Quang đã góp phần hữu ích trong việc đảm đương công việc truyền thừa mà lịch đại Tổ sư nói chung, Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói riêng đã sáng lập và dày công vun đắp...
Ông Nguyễn Thế Doanh (bên phải) - Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ
Những giá trị văn hoá đạo đức quý giá trong thân thế sự nghiệp của Huyền Quang tôn giả và Thiền phái Trúc Lâm sẽ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng GHPGVN ngày một hưng thịnh trong vinh quang của truyền thống Hộ quốc an dân và trong sự vững bền của đường hướng Đạo pháp - Dân tộc.
Nguồn tin: theo PTVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự