Đưa giáo dục an toàn giao thông vào chính khóa: Vấn đề cấp thiết

Thứ tư - 14/03/2012 04:56
Theo đánh giá của ngành chức năng, có trên 95% vụ tai nạn và va chạm giao thông từ năm 2011 đến nay là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông, trong đó đối tượng dưới 18 tuổi và từ đủ 18 tuổi đến 25 tuổi chiếm đa số.

Hàng năm, trong toàn tỉnh vẫn có hàng trăm người chết, bị thương, thiệt hại lớn về tài sản do tai nạn giao thông (TNGT). Để góp phần giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đã lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức an toàn giao thông (ATGT) vào chương trình chính khóa; đồng thời phối hợp thường xuyên với lực lượng công an, đoàn thanh niên các cấp triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh, sinh viên.


Tình trạng học sinh đi xe đạp hàng 3 ở thành phố Lạng Sơn vẫn phổ biến

Ngay từ cấp học mầm non, các cháu mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đã được cô giáo truyền đạt những kiến thức đơn giản, dễ nhớ như khi tham gia giao thông như: trên đường phải đi cùng người lớn; không tự ý chạy qua đường; phân biệt tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ tại tại các ngã 3, ngã 4; đi bộ trên vỉa hè...

Không chỉ trong giờ lên lớp mà khi hoạt động ngoại khóa, giờ ra chơi hàng ngày, các cô giáo cũng đưa nội dung của Luật giao thông đường bộ xen lẫn với các trò chơi tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong cả lớp. Cô giáo Dương Thị Chí, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5, thành phố Lạng Sơn cho biết, hàng năm các cháu mầm non đều được học môn phương tiện giao thông.

Các cô giáo trong trường đều chú trọng đến việc rèn thói quen chấp hành luật giao thông từ những việc đơn giản, quen thuộc đối với trẻ để từ đó giúp các cháu sớm hình thành nhận thức đúng đắn về trật tự ATGT.

Đối với học sinh bậc tiểu học thì kiến thức về ATGT được mở rộng hơn trong các tiết học. Đây là một trong những môn học chính, tất cả học sinh đều được học 6 bài về ATGT. Học sinh lớp 1 học các bài tìm hiểu về đường phố, đèn tín hiệu giao thông. Lớp 2 học về hiệu lệnh cảnh sát giao thông và các biển báo đi bộ và qua đường an toàn.

Các lớp 3,4,5 kiến thức về giao thông được nâng cao hơn như: ATGT đường thủy, đường sắt, cách đi xe đạp an toàn, nguyên nhân gây tai nạn giao thông… Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, nhiều trường còn sáng tạo tiểu phẩm, lồng ghép luật giao thông vào các buổi chào cờ, sinh hoạt đoàn đội và một số tiết học khác như lịch sử, giáo dục công dân, giờ ngoại khóa.

Đến cấp THCS thì kiến thức ATGT trong môn học chính khóa giảm đi. Theo ý kiến của một số giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân ở cấp THCS thì trong toàn bộ chương trình của các lớp 6,7,8,9 chỉ có một bài về ATGT nằm trong chương trình lớp 6. Với 2 tiết đứng lớp, giáo viên chưa thể trao đổi hết với các em về vấn đề ATGT.

Khác với bậc mầm non, tiểu học và THCS, trong chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên các trường THPT đến trung học chuyên nghiệp, cao đẳng không có môn học nào liên quan đến luật giao thông. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì việc cung cấp kiến thức bổ ích về ATGT cho đối tượng học sinh, sinh viên này thì hàng năm vào dịp khai giảng năm học mới, các trường đều phát động Tháng An toàn giao thông, đồng thời phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông với nhiều hình thức khác nhau.

Phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình quản lý chặt chẽ con em trong việc sử dụng phương tiện đi học. Song tại các trường THPT đến các trường cao đẳng lại không khó để bắt gặp hiện tượng học sinh, sinh viên đi xe máy chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, dàn hàng 3 hàng 4 hoặc nghênh ngang giữa lòng đường…

Mặc dù đã có nhiều hướng đi tích cực trong việc đưa giáo dục ATGT vào giờ học chính khóa, song thực tế hiệu quả của việc làm này chưa cao. Trong khi số đối tượng vi phạm luật giao thông lại chủ yếu rơi vào độ tuổi học sinh, sinh viên từ THCS trở lên thì kiến thức về ATGT ở khối này lại quá ít; việc tuyên truyền đôi lúc còn mờ nhạt, khô khan, đơn điệu, mang tính hô hào.

Mặt khác, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng chiều theo sự đòi hỏi của con cái nên dường như kiến thức các em được trang bị ở nhà trường đã ít lại càng như muối bỏ biển. Thế nên học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông hàng năm vẫn ở mức cao. Để kiềm chế học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông, Thượng tá Bế Thế Huyên, Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết, năm 2012 lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp với các nhà trường tuyên truyền luật giao thông. Chú ý đặc biệt đến các trường gần quốc lộ, huyện lộ có lượng xe lưu thông lớn; bổ sung giáo trình tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường sắt đối với các trường có học sinh đi học qua nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Có thể nói, việc giáo dục, tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng về ATGT cho đối tượng học sinh, sinh viên ngay từ cấp học đầu tiên là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông có diễn biến phúc tạp như hiện nay.

Thiết nghĩ, chương trình giáo dục về ATGT trong nhà trường phải được bổ sung đồng bộ ở các cấp học, lớp học phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Các hình thức tuyên truyền cũng cần sinh động hơn như tổ chức sân khấu hóa, thi kết hợp tuyên truyền miệng, cho học sinh xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông; kết hợp chặt chẽ với gia đình trong việc hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm ATGT.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây