Giáo dục nhân cách cho trẻ qua lời cảm ơn: Vai trò của gia đình

Thứ năm - 28/06/2012 21:06
Giáo dục nhân cách cho con trẻ là vấn đề được các bậc phụ huynh rất quan tâm. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng có phương pháp giáo dục con đúng cách. Nên làm thế nào để dạy trẻ không chỉ biết nghĩ đến bản thân mà còn mở rộng lòng mình ra cùng với người khác? Điều này đặt ra vấn đề dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn ngay từ cách giáo dục con trong mỗi gia đình.


Gia đình và nhà trường có sự gắn bó chặt chẽ trong giáo dục nhân cách cho trẻ

Từ khi cô con gái lên 2 tuổi, bắt đầu nhận biết những thứ xung quanh, chị Trương Thị Thanh ở khối Đèo Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn thường than phiền về sự vô tâm, thụ hưởng một cách rất ích kỷ của con mình. Cháu không quan tâm đến người khác, ít nói lời cảm ơn.

Khi bắt buộc cháu lại nói những điều này ra như một cái máy chứ không phải xuất phát từ chính tâm của cháu. Đây có thể coi là tâm lý chung của các ông bố, bà mẹ có con trong lứa tuổi mầm non. Thực tế chứng minh, giáo dục trẻ biết cách cư xử không phải là điều dễ dàng, bởi lòng biết ơn không phải tự nhiên mà có. Nếu chúng ta không mong đợi ở trẻ sự biết ơn thì trẻ sẽ không bao giờ hiểu và bày tỏ ra điều đó.

Vấn đề đặt ra là các bậc phụ huynh nên áp dụng những phương pháp nào để trẻ có thể hiểu và bày tỏ lòng biết ơn? Về vấn đề này chị Dương Thị Chí, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, hình thành nhân cách cho trẻ.

Theo chị Chí, ở chương trình giáo dục mầm non mới, việc hình thành nhân cách nói chung và qua lời cảm ơn nói riêng được quan tâm ngay từ lớp mẫu giáo. Song để việc dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn phải có sự kết nối giữa gia đình và nhà trường. Sau mỗi buổi học, các giáo viên chủ nhiệm thường nhắc nhở phụ huynh chú ý từ những hành động nhỏ nhất để hình thành nhân cách tốt cho trẻ.

Như vậy, xét riêng về việc để có được lòng biết ơn thì rất cần sự kiên trì từ các bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ, định hướng nhân cách cho trẻ. Họ phải hình thành cho trẻ ngay từ lúc 2 tuổi khi trẻ cảm nhận được sự cho và nhận, hướng cho trẻ những câu nói đơn giản như “cảm ơn ông, bà, bố, mẹ”…

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh phải thể hiện sự biết ơn trong cách ứng xử với nhau, với người khác và trong gia đình; phải bày tỏ sự biết ơn đối với trẻ để trẻ bắt chước. Một điều lưu ý, khi phụ huynh dạy cho trẻ thể hiện lòng biết ơn, đồng thời cũng phải cho trẻ hiểu trong cuộc sống là sự ứng xử giữa người và người, không phải khi ai đó giúp mình sẽ phải đáp nghĩa lại ngay.

Khi trẻ còn nhỏ không biết nói lời cảm ơn, xin lỗi dần dần sẽ tạo thành thói quen, và đó sẽ là nguyên nhân hình thành trong trẻ tính ích kỷ, khiến cho trẻ không hiểu được thế nào là lòng biết ơn. Trong tâm lý học, thói quen là một thuộc tính, đã trở thành thói quen sẽ rất khó xóa. Vì thế, việc dạy lễ nghĩa từ khi còn nhỏ để trẻ có thể nhận thức được và dần hoàn thiện nhân cách là điều thuận lợi để hình thành tính cách thực sự tốt đẹp sau này.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây