Hữu Lũng phát huy nội lực, phát triển nhanh và bền vững

Thứ ba - 23/08/2011 03:15
Hữu Lũng là huyện phía nam của tỉnh Lạng Sơn, là nơi tiếp nối những địa danh lịch sử Chi Lăng – Xương Giang gắn liền với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Quân và dân các dân tộc huyện Hữu Lũng luôn nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống kiên cường, bất khuất đấu tranh giành độc lập, viết lên những trang sử vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Những chiến công vang dội năm xưa mãi mãi là niềm tự hào, là truyền thống quý báu để ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng tiếp tục giữ gìn và phát huy trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, huyện Hữu Lũng đã tham gia hàng triệu ngày công phục vụ kháng chiến, đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, có 8.260 thanh niên con em các dân tộc lên đường tham gia chiến đấu trên các mặt trận, trong đó: có trên 500 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 270 thương binh, bệnh binh; có 2 đồng chí được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 8 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; đặc biệt, năm 2005, 2 xã Tân Thành và Yên Bình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lưỡng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể, đơn vị trên địa bàn huyện được tặng thưởng Huân chương quân công và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Để ghi nhận thành tích trên, ngày 18/6/2003 Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng.


Một cơ sở chế biến gỗ ở Hữu Lũng.  Ảnh: Công Quân

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, tiếp tục kế thừa truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng lại đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm vươn lên đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giành nhiều thành tích đáng tự hào, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Từ  năm 1986 đến năm 2005, cùng với cả nước bước vào thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nền kinh tế của huyện đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ trên 6% năm 1986 lên trên 10% năm 2005; tổng sản lượng lương thực có hạt từ 15.109 tấn (năm 1986) lên 41.541 tấn năm 2005; 100% xã có đường ô tô tới trung tâm; 21/26 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia; 77% số hộ được dùng điện; 26/26 xã, thị trấn có điện thoại; 100% xã có nhà trạm y tế; số hộ đói, nghèo giảm đáng kể, toàn huyện năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo còn 12% (Theo tiêu chí cũ).

Đặc biệt trong công tác lãnh đạo, Đảng bộ huyện đã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng ngành nghề và phát triển các mô hình kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, do đó đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Bên cạnh đó các lĩnh vực giao thông, công nghiệp, dịch vụ cũng được quan tâm, phát huy thế mạnh của địa phương, nâng tỷ trọng ngành công nghiệp dịch vụ lên 22% vào năm 2005. Lĩnh vực giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, toàn huyện có 2 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia; chất lượng công tác giáo dục ngày càng được nâng lên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được duy trì phát triển.

Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo tiếp tục được quan tâm đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Quốc phòng an ninh không ngừng được tăng cường và giữ vững.

Với những thành tích trên, năm 2000 nhân dân và cán bộ huyện Hữu Lũng được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2002 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2006 được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong giai đoạn 2006-2010, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo thực hiện vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, bộ máy, cán bộ của chính quyền và các đoàn thể; thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời tích cực chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chi Minh”.

Trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010, các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn đạt bình quân 10,56%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5 triệu đồng năm 2005 lên trên 12 triệu đồng năm 2010, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp: cụ thể nông lâm nghiệp: từ 42,5% giảm xuống còn 36,1%, công nghiệp – xây dựng: tăng từ 22% lên 26,7%, thơng mại - dịch vụ: tăng từ 35,5% lên 37,2%. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được tăng cường.

Đặc biệt là những chương trình dự án cho vùng sâu vùng xa, như chương trình 134, 135 đã khích lệ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, phát triển kinh tế hộ gia đình; hăng hái thi đua đóng góp sức người, sức của, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn như làm đường giao thông nông thôn, đưa điện lưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt đến các xã, thôn, bản; xây dựng hệ thống thuỷ lợi, cứng hoá kênh mương, xây dựng các trạm bơm, chợ, trạm y tế, trường học; quy mô, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được thực hiện tốt hơn, từ đó đời sống của đại bộ phận nông dân nông thôn từng bước được cải thiện và nâng cao; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục được chú trọng, đổi mới phương thức hoạt động.

Những nỗ lực và kết quả đạt được trong giai đoạn 2006-2010 của nhân dân và cán bộ huyện Hữu Lũng đã nhiều lần được tỉnh, các bộ, ngành trung ương, Nhà nước khen thưởng. Điển hình như nhân dân và cán bộ các xã Vân Nham (2006), Yên Vượng (2007), nhân dân và cán bộ huyện Hữu Lũng (2007, 2010) đã được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ…

Đó là những thành tích to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng đạt được trong 5 năm qua, tạo tiền đề vững chắc cho Hữu Lũng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hữu Lũng lần thứ XXII.

Từ những thành tích đạt được ở trên, nhân dịp kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại này của đất nước và cũng là dịp kỷ niệm 66 năm địa phương được giải phóng, nhân dân và cán bộ huyện Hữu Lũng vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Vinh dự này thuộc về toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng, là nguồn cổ vũ lớn lao, động viên toàn Đảng bộ, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, ra sức thi đua lập thành tích trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây