Lễ hội đầu pháo đền Tả Phủ, Kỳ Lừa thường tổ chức trong tháng Giêng âm lịch
Thành phố hiện tại mỗi năm có 7 lễ hội được tổ chức là: lễ hội đình Pác Moòng, lễ hội chùa Nhị, Tam Thanh, lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng, lễ hội chùa Tiên, lễ hội Tả Phủ, Kỳ Cùng, lễ hội đền Vua Lê. Trong đó, có những lễ hội lớn nằm trong chương trình lễ hội Xuân Xứ Lạng như lễ hội Tả Phủ - Kỳ Cùng… luôn thu hút đông đảo, nhân dân du khách về dự.
Qua các năm tổ chức, những nét đẹp truyền thống, giàu bản sắc văn hóa dân tộc trong các lễ hội luôn được quan tâm duy trì, bảo tồn và phát huy, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, nhu cầu vui hội, vui xuân của mọi người. Không những thế, các lễ hội còn thực sự là một tâm điểm đoàn kết của cả cộng đồng, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, góp phần vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Đối với hoạt động du lịch thì lễ hội trên địa bàn đã trở thành một tài nguyên quan trọng, một nội dung không thể thiếu trong hành trình du xuân, vãn cảnh, cầu tài lộc và những điều hạnh phúc, tốt lành, viên mãn của du khách đến Lạng Sơn.
Xác định rõ vị trí, vai trò của địa bàn trong hành trình du lịch của du khách cũng như là nơi có những lễ hội lớn trong chương trình lễ hội Xuân Xứ Lạng nên ngay từ những ngày tháng cuối năm cũ, các ngành, các cấp, các địa bàn có lễ hội xuân diễn ra đều tích cực chuẩn bị các điều kiện cho công tác tổ chức.
Chị Trần Thị Thu Huyền, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố cho biết, đến nay, các phường, xã có lễ hội đều có chương trình, kế hoạch tổ chức lễ hội xuân. Theo đó, các nét đẹp truyền thống, bản sắc được quan tâm phát huy.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giới thiệu, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa thông qua lễ hội sẽ được tăng cường hơn. Hiện công tác trang trí các tuyến đường trên địa bàn thành phố đã và đang được tiến hành khẩn trương, trong đó có sự phối hợp giữa các đơn vị để thực hiện xã hội hóa công tác này.
Bao giờ cũng vậy, ngay sau tết Nguyên đán là mọi người náo nức đi dự các lễ hội. Đối với địa bàn thành phố có lễ hội sớm nhất là lễ hội đình Pác Moòng, xã Quảng Lạc và lễ hội cuối cùng của tháng giêng là lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng. Do đó, lễ hội đình Pác Moòng luôn thu hút được đông đảo nhân dân, du khách về dự. Trong trí nhớ của nhiều người và hay gọi quen thuộc là Hội mía cây số 5 (đường 1A cũ).
Trong lễ hội, có rất nhiều mía được bày bán phục vụ người dự hội. Theo quan niệm dân gian, mùa xuân đi hội mía, ăn mía, mua mía về làm quà là sự ước vọng, cầu mong sự may mắn, sức khỏe, tài lộc và những điều tốt lành sẽ đến như những cây mía ngon ngọt của mùa xuân. Vì thế mà đến hội, mọi người vẫn thường thấy rất nhiều người sau vui hội mua những bó mía thật to mang về nhà…. Qua các năm tổ chức, lễ hội tiếp tục thu hút nhiều người về dự.
Bên cạnh việc về lễ đình, cầu an thì nhiều trò chơi, trò diễn được gìn giữ và phát huy luôn có sức hấp dẫn mọi người, như: múa sư tử, ném còn, thi bày mâm cỗ đẹp, gói bánh chưng, đặc biệt, có hoạt động hát dân ca sli, lượn thật náo nức…
Hay đối với lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng được tổ chức song song với nhau về thời gian (từ 22 – 27 tháng giêng), thì nổi bật có nghi lễ rước kiệu thần ngày càng được tổ chức quy mô và chu đáo, lôi cuốn người dự hội hơn. Đơn cử như thế để thấy rằng, từ lễ hội đầu tiên cho đến lễ hội cuối cùng đều có sự chú trọng trong công tác tổ chức, quản lý.
Qua đó làm cho hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo “lễ ra lễ, hội ra hội”. Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố, các lễ hội trên địa bàn kể cả được chọn điểm và không chọn điểm tổ chức thì đều có sự quan tâm sâu sắc. Phòng cũng đã có kế hoạch để giúp đỡ về mặt chuyên môn cho các Ban tổ chức lễ hội tại các phường, xã trên địa bàn. Theo đó, tại các lễ hội năm nay sẽ có thêm nhiều nét mới, hấp dẫn được nghiên cứu, bổ sung.
Thời gian qua, số lượt du khách đến với địa bàn thành phố tiếp tục tăng, góp một tỷ lệ lớn trong tổng số lượt du khách đến với địa bàn tỉnh. Trong đó, các hoạt động du lịch lễ hội mùa xuân, du lịch mua sắm… trên địa bàn được kết hợp, tiếp tục thu hút du khách lựa chọn và hướng đến nhiều.
Đây chính là một lợi thế của thành phố cần phát huy mạnh mẽ. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm tổ chức, quản lý tốt các hoạt động văn hóa, du lịch nói chung, lễ hội nói riêng, thành phố sẽ tiếp tục là điểm đến ý nghĩa của du khách.
Vậy nên, chủ động, sẵn sàng đón mùa lễ hội, phát huy các tiềm năng, lợi thế của mình, thành phố đã và đang góp phần tích cực vào việc tổ chức thành công chương trình Lễ hội Xuân Xứ Lạng 2012.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự