Nó không chỉ giúp cho du khách hiểu được những tầng sâu văn hóa của nhân loại, bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, vùng miền, địa phương mà còn bồi dưỡng, vun đắp cho mọi người không ngừng tìm tòi và vươn tới chân – thiện – mỹ trong cuộc sống. Nhận rõ xu hướng phát triển nên những năm qua, tỉnh đã hết sức quan tâm đến việc phát huy bản sắc văn hóa Xứ Lạng trong phát triển du lịch. Trong đó, luôn lấy văn hóa là cốt lõi, là yếu tố để đảm bảo cho du lịch cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Dân ca thường xuyên được mang trình diễn trong các chương trình chào mừng các sự kiện lớn của địa phương, đất nước
Từ nhận thức đến hành động, ngành chức năng đã có nhiều động thái tích cực nhằm bảo tồn và phát huy các tài nguyên văn hóa. Ngành văn hóa hiện có đơn vị chức năng nhằm thực hiện các công việc trên như: Ban Quản lý di tích tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh;… Theo đó, ngành đã luôn đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa (DSVH) thông qua các hoạt động như: đầu tư, trùng tu tôn tạo các di tích, danh thắng; sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê các DSVH phi vật thể. Đồng thời, chú trọng việc trao truyền, phổ biến, giới thiệu, quảng bá giá trị các DSVH.
Đặc biệt, có thể kể đến việc phát huy các DSVH phi vật thể như: lễ hội truyền thống, dân ca, và những nét bản sắc văn hóa đặc trưng. Hàng năm, Lạng Sơn có đến cả trăm lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức. Trong đó, việc tổ chức các lễ hội điểm chính là điểm nhấn nhằm thu hút du khách. Với mỗi lễ hội, việc nâng cao chất lượng, nội dung, đảm bảo giữ gìn những nét truyền thống, bản sắc được tăng cường. Đơn cử, khai mạc lễ hội xuân Xứ Lạng bao giờ cũng được tổ chức chu đáo, quy mô xứng tầm. Xuân Nhâm Thìn 2012 là năm đầu tiên mở rộng đường rước kiệu trong lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo nhân dân, du khách. Hay, lễ hội Nhị - Tam Thanh, năm 2012 cũng là năm thứ 3 tổ chức nghi lễ rước kiệu góp phần làm cho lễ hội càng thêm vui tươi và ý nghĩa. Ngoài ra còn phải nói đến, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc xưa đã, đang được nghiên cứu, khôi phục tổ chức. Tiêu biểu, năm 2012 có lễ hội Ná Nhèm, Trấn Yên, Bắc Sơn được tổ chức trở lại sau hơn 50 năm bị gián đoạn…
Hiện Lạng Sơn cũng đang đẩy mạnh công tác tổng kiểm kê và lập hồ sơ DSVH phi vật thể đưa vào danh mục DSVH phi vật thể Quốc gia theo các bước quy định. Theo Kế hoạch của tỉnh từ nay đến năm 2015 thì mục tiêu và tiến độ thực hiện là: Trong năm 2012 – 2013, hoàn thành công tác kiểm kê sơ bộ các loại hình DSVH phi vật thể trên địa bàn các huyện, thành phố. Trong năm 2014 – 2015, hoàn thành việc lập danh mục, lập hồ sơ và lựa chọn khoảng 15 – 20 DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh đề nghị đưa vào danh mục DSVH phi vật thể Quốc gia.
Việc bảo tồn, phát huy dân ca cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, với các tổ chức, câu lạc bộ (CLB) được thành lập và hoạt động hiệu quả như CLB Đàn và hát dân ca tỉnh, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh và các CLB dân ca tại cơ sở. Trong đó, chú trọng đến các công tác: sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phổ biến và truyền dạy... Nhằm tích cực, chủ động trong việc phổ biến, quảng bá, giới thiệu dân ca, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh đã thành lập Đội dân ca Nộc Én với tính chất xung kích, năng động.
Cứ 2 năm một lần, Lạng Sơn lại tổ chức Ngày hội VH,TT&DL các dân tộc tỉnh. Đến nay đã tổ chức được 5 ngày hội. Đây vừa là dịp để tôn vinh, phát huy các DSVH; song cũng vừa là dịp để giới thiệu tiềm năng, tài nguyên du lịch của tỉnh tới du khách gần xa. Hàng năm, nhân ngày Du lịch Việt Nam 9/7, ngành đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm giới thiệu, quảng bá sâu đậm tiềm năng du lịch của tỉnh, nhất là các di sản, tài nguyên văn hóa.
Có thể thấy, trên phông màu, nền tảng văn hóa, du lịch Lạng Sơn đã, đang có những bước phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, tiếp tục tạo sức hấp dẫn du khách. Vậy nên, với những nét đặc trưng văn hóa, tin rằng du lịch Lạng Sơn sẽ tạo nên “thương hiệu” riêng có cho mình.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự