Trốn tránh không phải là giải pháp. Đối diện theo kiểu liều mạng lại càng không phải là giải pháp. Trốn tránh và bỏ mặc là hai thái độ cực đoan, nếu không nói là thiếu trách nhiệm.
Chuyện kể rằng có một thiếu nữ tên là Magadida, thuộc hàng danh môn vọng tộc. Cô xinh đẹp đến độ các công tôn, vương tử thoạt nhìn đều si mê, như có sự cuốn hút lạ lùng. Sắc đẹp đó đã làm cho cô đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Được quá nhiều người thương và săn đón từ: thái tử, phú hộ, kẻ hào hiệp cho đến người thường dân, cô không biết phải lựa chọn ý trung nhân nào. Cha cô muốn con mình được hạnh phúc, môn đăng hộ đối cùng giai cấp, nên không đồng ý cho cô đính hôn với ai thuộc giai cấp thấp hơn. Ông tìm khắp nơi nhưng vẫn chưa hài lòng về ứng cử viên tương xứng. Một hôm nọ, ông đến thành Xá-vệ, thấy đức Phật đang đi khất thực, ông không tin vào mắt mình khi nhìn thấy một người đẹp trai lạ lùng đến thế! Với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, mặc dù chiếc y của Ngài mặc đã quá cũ, nhưng Phật vẫn đẹp và hấp dẫn. Ông nảy sinh ý định chọn Phật làm rể. Sau đó, ông lập kế thỉnh Phật về nhà cúng trai Tăng và dặn dò con gái:
- Con ơi, ba sẽ cưới cho con một người rất xứng đáng. Nét đẹp và sự phương phi của người này là điều không người đàn ông nào có thể hơn được. Nhất định khi lấy anh ta, con sẽ rất hạnh phúc. Đây là niềm mơ ước của ba.
Hôm ấy, đức Phật và Tăng đoàn đến nhà ông bá hộ theo lời thỉnh cầu. Ngài đi nhẹ nhàng với bước chân thảnh thơi, ngồi xuống trong tư thế an lạc. Gia đình ông ai cũng phấn chấn bởi nghĩ Phật sẽ trở thành chú rể. Suốt đêm, Magadida sửa soạn, trầm tư không ngủ được. Khi Phật đến nhà, cô không chịu ra, ở trong phòng trang điểm tăng thêm hương sắc và tập điệu bộ, dáng đi, cách thể hiện ánh mắt, nụ cười để quyến rũ Phật chấp nhận làm chồng mình. Trái với dự kiến, khi cô bước ra khỏi phòng, đức Phật dường như không quan tâm đến. Theo truyền thống, sau khi nhận phẩm vật cúng dường của ai, Phật tạ ơn bằng cách thuyết giảng pháp thoại, như thực phẩm tâm linh. Trong sự giao hoán này, một bên hiến vật chất, một bên tặng tâm linh.
Phật dụng ý giảng về sự bất tịnh của thân. Thân thể con người dù đẹp cũng chỉ là nghĩa trang, chứa đầy xác chết bên trong. Khi ăn thịt các loài thú, nói chung là loài có sự sống, ta đã biến bao tử này thành nghĩa trang tập thể. Phật phê phán thái độ hãnh diện tự hào về sắc đẹp. Theo Phật, sắc đẹp của thân chỉ là chiếc túi da chứa đựng những thứ bất tịnh mà thôi. Lời thuyết pháp của Phật như cơn sấm sét, tấn công vào não trạng của cô. Cô tức giận, cho rằng Thế Tôn chọc tức và khinh mình. Cô thầm nghĩ mình thuộc hàng sắc nước hương trời mà ông thầy tu lại so sánh cô như nghĩa địa hay cái túi da hư thúi, thì còn gì đau đớn cho bằng. Cô giữ mối thù đó và nói với cha:
- Ba ơi, con không thèm cưới ông này. Ông này đẹp trai nhưng chảnh quá, lại nghèo rớt mồng tơi sao làm chồng con được.
Trong tâm cô oán hận, thầm nghĩ: “Đến ngày nổi tiếng, tôi sẽ cho ông biết tay, để ông không khinh thường tôi nữa”. Niềm uất hận đó đã được nuôi dưỡng trong lòng cô ngày càng lớn. Ba năm sau có đợt tuyển cung, vì là người đẹp nhất nên cô đã được nhà vua tuyển làm quý phi và được sủng ái hơn hoàng hậu. Nhà vua là Phật tử thuần thành. Một hôm, vua thỉnh đức Phật đến hoàng cung thuyết pháp. Khi nghe tin đó quý phi thuê người đứng dọc đường đến kinh thành, chửi bới đức Phật. Điều đó đã làm A Nan xót xa, thưa đức Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, con thấy chỗ này không yên, nếu Thầy trò ta ở đây thêm nữa, vô tình tạo tội lỗi cho kẻ xấu. Chi bằng ta hãy đi nơi khác.
Đức Phật nói:
- Nếu đi chỗ khác cũng bị chửi bới tương tự thì sao?
A Nan thưa:
- Thì đi tiếp nữa.
Đức Phật nói:
- Nếu chỗ tiếp đó nữa cũng gặp tình trạng tương tự hoặc nặng hơn thì tính sao?
- Thì đi chỗ khác tiếp.
Triết lý của câu chuyện là khi con người để tình yêu giới tính mang tính chiếm hữu khống chế, thì các quan hệ sẽ dẫn đến tình trạng nếu không độc hữu về tình yêu được thì sanh tâm thù hận. Cô gái trong câu chuyện không quên được cái tự ái một chiều, khi nghĩ rằng Phật đã khinh thường cô, mà trên thực tế muốn giúp cô vượt qua cái tôi cao ngạo về ngoại hình. Tự ái sai lầm dẫn đến thù hận, rồi trả đũa bằng cách thuê người sỉ nhục đức Phật quả là một chuỗi sai lầm. Điều chính yếu của câu chuyện là trong nghịch cảnh đó, đức Phật dạy A Nan phải giữ tâm vững chãi để vượt qua, thay vì đầu hàng nó một cách vô điều kiện.
Câu chuyện trên còn cho thấy, kéo dài sự lẩn tránh không phải là giải pháp. Nghịch cảnh xuất hiện chỗ nào thì đối diện tháo gỡ chỗ đó. Nghệ thuật tháo gỡ khổ đau theo nhà Phật là đối diện với thực tại khổ đau đó và nhận diện mặt mũi khổ đau, truy nguyên nguồn gốc và nguyên nhân, để chuyển hóa và vượt lên trên nó. Trốn tránh không phải là giải pháp. Đối diện theo kiểu liều mạng lại càng không phải là giải pháp. Trốn tránh và bỏ mặc là hai thái độ cực đoan, nếu không nói là thiếu trách nhiệm. Cứ quan sát, nhìn nhận sự việc xảy ra như là một sự kiện. Lúc đó, nhìn thấy sự vật chỉ đơn thuần là sự thấy, nghe các âm thanh chỉ đơn thuần là sự nghe dù có chửi bới hay khen chê thì cũng chỉ là âm thanh. Quán được như vậy là đang nhìn thấy được chân tướng của sự vật. Lúc đó, ta không còn chạy theo phản ứng thuận và nghịch của cảm xúc. Tất cả dụng ý xấu của người khác không hề tác động đến thành trì kiên cố của đời sống nội tâm. Bằng cách thực tập như vừa nêu, nỗi khổ đau dù có mặt cũng không làm ta bị khủng hoảng.
Trong câu chuyện đức Phật đã chuyển hóa được những thành phần đâm thuê, chém mướn bằng thái độ thản nhiên và không hận thù. Những hành động chửi bới, ném liệng của họ không hề làm cho đức Phật cảm thấy bực dọc, thù hằn. Ánh mắt của Ngài đối với họ chan chứa tâm từ ái. Ứng xử này, giúp cho người xấu nghĩ đây phải là một nhân vật siêu phàm với tính cách đặc biệt. Tâm hóa giải của Ngài đã làm cho mọi hận thù tan biến rất nhanh. Cuối cùng Ngài cũng độ được bà quý phi thoát khỏi mặc cảm, tự ái và thù hận. Nếu tự ái tạo ra hận thù, thì tự ái sai lầm là tự sát. Trong tình yêu giới tính, thái độ đòi hỏi luôn cao hơn nhu cầu ban tặng. Trong tình bạn, sự ban tặng nhiều hơn là sự tiếp nhận. Trong kinh Tăng Chi, Phật dạy có bảy cách làm vợ chồng: vợ như là người mẹ, chị, em gái, bạn đời, người đầy tớ, kẻ sát nhân. Trong các loại trên, vợ chồng như bạn là lý tưởng nhất.
Quan hệ vợ chồng như bạn, sẽ không có phân biệt đối xử trọng khinh, cao thấp, cả hai luôn sống trong sự chia sẻ khổ đau và hạnh phúc. Người chồng không đòi hỏi người vợ phải chiều anh ta bằng cách này cách nọ. Trong cách ứng xử ngang hàng như vậy, tình yêu chân thật sẽ trưởng thành, đơm hoa kết trái bền vững cả đời. Thương ai không phải để người đó mang lại cho mình gia tài, sự nghiệp, địa vị, danh vọng, hoặc để hãnh diện với bà con về nhan sắc, văn bằng học vị, vai trò vị trí xã hội mà họ có. Những thứ đó sẽ không bền vững. Quan niệm tình yêu như tình bạn, sẽ không có sự hơn thua; thay vào đó là sự hy sinh cho nhau. Trong tình yêu vị kỷ, luôn có điều kiện để buộc người yêu thuộc về mình. Do vậy, khi không đạt được mục đích, rất dễ sinh ra thù oán nhau.
Đừng ứng xử theo cách tự ái, vì tự ái là biến dạng của thù hận. Trong tình yêu nếu để chất liệu tự ái trưởng thành thì dễ bị đổ vỡ. Đức Phật dạy, hãy lấy chất liệu tình bạn đặt vào tình yêu, nên dầu cưới nhau mấy mươi năm vẫn xem nhau như hai người bạn quý. Thường xuyên hâm nóng lại tinh thần đó. Phương Tây thường tổ chức kỷ niệm 50 năm sau hôn nhân, hoặc ngắn hơn như 20 năm, 10 năm, để thắp sáng tinh thần bằng hữu hay thiện hữu tri thức, nói theo đạo Phật. Thiện tri thức là bạn có đạo đức, tuệ giác, nương tựa lẫn nhau, dìu dắt nhau để cả hai người cùng hướng về con đường hạnh phúc. Sống như vậy thì sự đổ vỡ sẽ không xuất hiện. Cần nhổ lên hạt giống tự ái trong các mỗi quan hệ. Được vậy, thế giới này sẽ có được màu xanh của bình yên bất tận.