Bức tử cây đa 500 tuổi để chiếm đất chùa

Thứ năm - 23/07/2009 17:39
Vậy là cây đa trên 500 tuổi ở chùa Mỗ Lao thuộc phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội không còn nữa. Cây không chết vì già mà chết bởi lòng tham của con người. Cây đa chết, mấy chục mét vuông đất liền mặt đường Thanh Bình của chùa Mỗ Lao có nguy cơ rơi vào tay “kẻ làm liều”...

Ai là Phật tử của tỉnh Hà Tây (cũ) chắc biết rõ chùa Mỗ Lao là Trụ sở Phật giáo tỉnh Hà Tây. Chùa được Bộ Văn hoá - Thông tin (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hoá năm 1996. Cũng chính trên đất chùa Mỗ Lao này, Trường Trung cấp Phật giáo Hà Nội đã được thành lập. Sư thầy Thích Đàm Phương trụ trì chùa cho biết: Mỗi khoá học, trường đào tạo 120 tăng ni sinh. Các tăng ni sinh ở các huyện xa có thể ở lại chùa trong quá trình tu học. Đích thân Hoà thượng Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường xuyên đến khai giảng và bế giảng các khoá học. Hiện tại, chùa Mỗ Lao là cơ sở II của Thành hội Phật giáo Hà Nội...

Tiếng là thế, nhưng từ khuôn viên rộng trên 10 ngàn m2 trước kia đã bị “teo tóp”,  chỉ còn trên 4000 m2. Nhiều hộ dân sinh sống trên đất chùa đã được cấp quyền sử dụng đất. Không giải phóng được nhiều hộ dân “nhảy vào” đất chùa từ năm 1959 nên chính quyền địa phương đã bàn bạc với nhà chùa: Chấp nhận cho các hộ dân định cư với điều kiện: Các hộ tự khai báo và đền bù 300 ngàn/m2. Gia đình bà Phùng Thị Xuyên cũng nằm trong những hộ dân này. Khi nộp tiền gia đình bà Xuyên nộp 15 triệu đồng đền bù tương đương 50m2.

Vậy mà không hiểu sao, khi cấp giấy quyền sử dụng đất, nhà bà Xuyên lại được sử dụng 111,30m2, tức là trội lên trên 61m2. Sư thầy Thích Đàm Phương cho biết: “Phần lớn diện tích đất nhà bà Xuyên thuộc khu vực cây đa có độ tuổi 500 – 600 năm”.

Nói về việc bức tử cây đa cổ thụ có độ tuổi hơn nửa thiên niên kỷ, tức là khoảng 20 thế hệ con người làng Mộ Lao gắn bó, nhiều người dân rất bức xúc. Đại diện Chi hội người cao tuổi khối Mộ Lao – ông Bạch Ngọc Thụy nói: “Chúng tôi đã tổ chức họp và kiến nghị nhiều lần lên UBND phường Mộ Lao về việc tình trạng lấn chiếm đất chùa mà điển hình là hộ nhà bà Xuyên. Chính quyền cũng đã xuống họp để giải quyết nhưng kết quả rất thấp, kéo dài và làm không triệt để nên thỉnh thoảng lại bùng phát. Mỗi khi hoà giải hay giải quyết thường ở phạm vi hẹp, thiếu sự dân chủ, còn chung chung nên việc giải quyết chưa đạt kết quả tích cực...”.

Được chính quyền “làm ngơ” nên việc bức tử cây đa của gia đình bà Xuyên đã thực hiện trót lọt sau hơn 10 năm cảnh báo. Ngày 28/3/1998, ông Bùi Nghi thay mặt BCH Hội người cao tuổi, BQL di tích chùa Mỗ Lao cùng đại diện nhân dân 5 xóm đã viết đơn lên Đảng uỷ, UBND phường Văn Mỗ (cũ) đề nghị có biện pháp nhằm bảo vệ cây đa cổ thụ. Lá đơn này cũng đề nghị: Để thực hiện tính dân chủ (Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra), khi cắm mốc giới để đo đạc làm sổ đỏ cho 16 hộ dân lấn chiếm đất chùa phải có mặt: “BQL di tích, BCH Chi hội người cao tuổi, nhà sư trụ trì chùa Mỗ Lao”.

Thế nhưng UBND phường Văn Mỗ (cũ) đã phớt lờ việc này. Vì vậy, đất chùa bị xâm phạm nghiêm trọng, sư thầy Thích Đàm Phương nói: “Có gia đình ở trên đất chùa đã 5 - 7 lần mang dao đe doạ đánh và xỉ nhục tôi, đòi trục xuất tôi nhưng tôi vẫn một lòng quyết tâm giữ chùa. Cũng vì thấy đất chùa bị mất nhiều quá nên tôi phải vào làng kêu gọi các cụ người cao tuổi ra để giữ đất chùa. Nhiều cụ rất nhiệt tình hăng hái như cụ Soạn, cụ Sợi, Cụ Tẻo, ông Tích, ông Phẩm, ông Khoan...”.

Việc bức tử cây đa cổ thụ được gia đình bà Xuyên tiến hành từng bước nhẹ nhàng. Từ chục năm về trước, họ cho người chặt tỉa một nửa phần thân cây đa phía giáp nhà. Không thấy phản ứng của chính quyền, họ tiếp tục tỉa cành đa. Vẫn không thấy chính quyền can thiệp, họ tiếp tục xây hai kiốt sát gốc đa. Dĩ nhiên là diện tích đất của hai kiốt này nằm ngoài diện tích 111,30m2 đất gia đình bà Xuyên được cấp giấy quyền sử dụng. Bấy giờ sư trụ trì Thích Đàm Phương cùng BQL di tích, Hội người cao tuổi khối Mộ Lao đồng loạt kiến nghị mạnh mẽ lên UBND phường Văn Mỗ. Sư thầy Thích Đàm Phương nói: “UBND phường cũng đã xuống và hứa năm lần bảy lượt rằng sẽ giải tỏa, cứ như là ngay ngày mai sẽ phá dỡ tức thì. Thế nhưng chẳng hiểu sao qua ngày hẹn 30/6/2008 chính quyền vẫn... “lặng thinh”.

Gia đình nhà bà Xuyên tiếp tục đào gốc đa, tỉa dần dễ cây cho ngả dần ra phía đường Thanh Bình. Cây đa cổ thụ ngả đến đâu, họ chèn gạch đá vào gốc cây đến đấy, rồi tiếp tục cho người tỉa cành, đào móng. Thấy cây đa lâu chết, họ còn đổ dầu đốt gốc, thậm chí đóng cọc sắt vào gốc... Chính quyền vẫn chẳng lập biên bản xử lý.

Khi cây đa bị tỉa chỉ còn trơ vài mét thân cây, sư trụ trì và Chi hội người cao tuổi đã tới can thiệp. Nhưng bẵng đi một thời gian, gia đình bà Xuyên tiếp tục sát hại cây đa. Rồi thảm cảnh cũng xảy ra gây nhức nhối lương tâm đối với những người cao tuổi Mộ Lao. Đó là ngày 14/6/2008, phần thân và gốc đa còn lại đã đổ gục ra đường Thanh Bình. Đường Thanh Bình rộng rãi không còn cảnh thanh bình nữa mà nhốn nháo hẳn lên vì tắc đường. Gia đình bà Xuyên thản nhiên coi như chuyện thường ngày ở phố. Lòng từ bi của nhà chùa nhìn cảnh đó không đang tâm nên đã bỏ tiền ra thuê thợ dọn dẹp. Số tiền chi phí hết 5 triệu đồng.

Cây đa chết, gia đình bà Xuyên hỉ hả đổ nền định sẽ san bằng khu đất chiếm thêm hơn 31 m2 để sử dụng. Nhưng không, các cụ cao tuổi khối Mộ Lao, BQL di tích đã lên tiếng. Họ đã đến ngăn chặn việc làm xấu này và quyết tâm trồng bằng được một cây đa con vào đúng gốc cây đa cổ thụ đã từng sống nửa thiên niên kỷ. Lòng tham của gia đình bà Xuyên đâu đã chịu. Giữa hàng rào sắt B40 quây quanh gốc đa con, bà Xuyên đã trồng những cây mùng tơi che phủ lên...

Hai kiốt lấn chiếm đất chùa của gia đình bà Xuyên vẫn còn đó. Tính mệnh của cây đa con cũng chưa biết thế nào. Sự việc vẫn âm ỉ tiếp diễn như cười nhạo chính quyền, thách thức nhà chùa, báng bổ vào lương tâm đang day dứt của những người cao tuổi ở Mộ Lao.

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây