KHI BAN
QUẢN LÝ ĐỘC QUYỀN TỪ "CÔNG ĐỨC"
Chưa bước vào
chính điện chùa Côn Sơn, Phật tử và thiện nam tín nữ đã nghe rõ tiếng loa phát
giọng ngọt ngào, khuyến khích mà cương quyết, đanh thép của một cô gái trẻ trực
bàn ghi công đức của Ban quản lý di tích: “Quý khách thập phương chú ý, chỉ có
một nơi duy nhất để ghi công đức là phía bên phải của chùa....” Bên trong chùa,
về phía bên phải là bàn ghi công đức của Ban quản lý với những cô gái trẻ ăn
diện đang tán chuyện sôi nổi, đèn điện sáng choang, trưng biển ghi công đức to,
rõ ràng, trang bị âm thanh đầy đủ. Cứ mỗi khi có người phát tâm công đức, chiếc
loa lại được dịp oang oang phá tan bầu không khí thanh tịnh cần có của chốn
thiền môn, át đi cả tiếng tụng kinh, niệm Phật, cầu khấn.
Khách thập phương
sẽ thấy những điều thông tin trên loa của Ban quản lý là bình thường nếu như
không nhìn sang phía đối diện. Ở đó có cũng có một chiếc bàn nhưng lặng lẽ hơn,
bình dị hơn, không đèn điện chiếu sáng, không bảng hiệu, không loa mà chỉ có
màu nâu sòng của Phật tử chấp tác, của sư ông cũng đang ngồi nhận tịnh tài cúng
dàng Tam bảo.
Bên trong chùa,
khu nhà Tổ còn có nhiều hòm công đức có dán niêm phong của Ban quản lý và Phòng
Kế hoạch – Tài chính huyện Chí Linh. Do khách thập phương thường không có thói
quen để tiền vào hòm công đức mà đặt lên ban thờ nên luôn có người của Ban quản
lý di tích túc trực để mau chóng thu lượm tiền cho vào hòm.
Khi được hỏi vì
sao lại có hai nơi ghi công đức trong Chùa, một cô gái trẻ liếc xéo sang phía
đối diện rồi đáp: “Họ nói với anh thế hả? Họ lừa đấy. Ở đây mới ghi công đức
thôi, còn bên ấy là nơi cúng dàng Tam bảo để cho các sư tiêu...” Thì ra, với
cách hiểu như vậy thì tiếng loa kia cũng có lý. Chỉ khổ khách thập phương không
biết nên “ghi công đức” hay “cúng dàng Tam bảo”!!! Người viết bài cũng xin miễn
bình luận về hiểu biết, cái tâm và cách làm việc của những người làm quản lý di
tích ở đây.
Đại đức Thích
Thanh Viễn, trụ trì chùa Côn Sơn cho biết Nhà Chùa không được biết, không được
sử dụng và cũng không được giám sát quá trình chi tiêu, sử dụng tiền công đức
do Ban quản lý di tích thu.
NHỮNG HỆ
LỤY
Thực trạng chính
quyền các địa phương (thông qua ban quản lý di tích) lấy danh nghĩa tạo nguồn
kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia để bán vé tham quan, quản lý toàn
bộ tiền công đức như ở chùa Côn Sơn không phải là hiện tượng hiếm gặp, và chỉ
là phần nổi của một vấn đề lớn hơn nhiều, đó là quản lý việc chùa như thế nào.
Đại đức Thích Thanh Viễn cho biết thêm là những việc khác như trùng tu, xây
dựng liên quan đến chùa, kể cả việc tổ chức lễ hội cuối tháng giêng hàng năm
cũng do Ban quản lý di tích phụ trách toàn bộ mà không có sự phối hợp và hỏi ý
kiến Chùa. Thậm chí, khi Ban quản lý di tích xây dãy nhà hành lang bên tả và
hữu, Nhà Chùa phải đề nghị nhiều lần mới được mở thêm một cửa để tạo thuận lợi
cho việc đi lại giữa khu nhà Tăng và Chùa. Các Thầy ở chùa chỉ có bổn phận là
tụng kinh, niệm Phật và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử.
Việc lấy cớ tạo
nguồn kinh phí tu bổ di tích để chính quyền bán vé tham quan, quản lý toàn bộ
tiền công đức, quản lý việc xây dựng tu bổ chưa chắc đã thuyết phục. Phật tử,
thiện nam tín nữ thường tin tưởng ở các vị Tăng Ni hơn vì họ là một trong Tam
Bảo, là người Thầy dẫn dắt họ trên đường giác ngộ và giải thoát. Về mặt thế
gian, Tăng Ni là người xuất gia, chỉ thuần túy dùng tịnh tài vào phụng sự Đạo
Pháp. Hiện nay, hàng nghìn ngôi chùa trên cả nước được phục dựng, tôn tạo hay
xây mới chính là nhờ sự đứng ra kêu gọi, vận động của chư Tăng Ni. Việc xây dựng
chùa Đồng và việc Ban Quản lý di tích Yên Tử bỏ vé tham quan chính là ví dụ
sống động nhất.
Hơn nữa, chùa là
một cơ sở tôn giáo, là đơn vị của Giáo hội. Vì thế, chùa phải là nơi thờ tự,
nơi hoằng pháp lợi sinh, kế thừa, duy trì và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa,
đạo đức và tâm linh truyền thống của dân tộc, là nơi hành đạo của Tăng Ni, Phật
Tử. Để làm tốt chức năng này, không ai khác mà chính là các Tăng Ni, Phật tử ở
chùa phải giữa vai trò chủ động, quyết định. Các chùa như Phật Quang (Bà Rịa –
Vũng Tàu), Hoằng Pháp, Vĩnh Nghiêm, Từ Tân (TP. Hồ Chí Minh), hệ thống thiền viện
Trúc Lâm trên cả nước do HT. Thích Thanh Từ làm Viện chủ, Lý Triều Quốc Sư,
Trấn Quốc, Quán Sứ (Hà Nội)... chính là những điển hình đã phát huy được giá
trị của ngôi chùa. Trong khi đó các chùa có bán vé tham quan như Côn Sơn, Tây
Phương, chùa Thầy, chùa Dâu, Bút Tháp thì giống như các hiện vật trong bảo
tàng, hàng ngày để khách thập phương đến tham quan, ngó nghiêng, thắp vài ba
nén hương, cầu khấn dăm điều, chụp mấy kiểu ảnh rồi ra về.
Ngoài ra, dường
như có xu hướng coi các lễ hội, các chùa nổi tiếng là nơi tạo nguồn thu do địa
phương dẫn đến hiện tượng tận thu (tiền vé thăm quan, vé gửi xe máy, ô tô, tiền
công đức), thương mại hóa lễ hội (thu tiền chỗ bán hàng, tổ chức các trò chơi
mang tính may rủi, mua bán ồn ào, xô bồ, đắt đỏ trong khu di tích) trong khi
lại ít quan tâm đến những giá trị như đã đề cập ở trên. Người dân địa phương
cũng có tâm lý làm một mùa lễ hội, ăn cả năm nên sẵn sàng chèo kéo, đeo bám,
nói thách, chặt chém khách thập phương.
MÔ HÌNH
NÀO CHO QUẢN LÝ CHÙA DI TÍCH QUỐC GIA
Trước những thực
trạng trên, Giáo hội và Bộ Văn hóa cần phối hợp để tìm ra một mô hình quản lý
hiệu quả các chùa là di tích lịch sử cấp quốc gia, trong đó phải đảm bảo các
nguyên tắc:
- Chùa là cơ sở
của Giáo hội, là nơi hành đạo, là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của Phật
tử. Mọi hoạt động quản lý trước hết phải phục vụ và khuyến khích những hoạt
động này.
- Ban quản lý di
tích bao gồm Tăng Ni, Phật tử của chùa, phải do vị sư trụ trì đứng đầu, có
tiếng nói quyết định. Nhân sự của ngành văn hóa, của chính quyền địa phương chỉ
đóng vai trò tư vấn, giám sát, hỗ trợ.
- Tiền công đức
phải công khai, minh bạch, không đưa trực tiếp vào ngân sách địa phương mà do
Ban quản lý di tích quản lý thu chi, được sử dụng vào các mục đích:
+ Tôn tạo, tu bổ,
xây dựng di tích (cùng với ngân sách do Nhà nước cấp) thông qua dự án, các
chương trình hay các sự vụ
+ Tiền dầu đèn
hương đăng
+ Chi phí sinh
hoạt tôn giáo: tổ chức lễ hội, in ấn kinh sách, thuyết pháp, từ thiện xã hội
+ Đóng góp cho
ngân sách Tỉnh hội, Trung ương Giáo hội
+ Nộp ngân sách
địa phương (nếu dư)
Chùa chỉ thực sự
là chùa nếu như ở đó, những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức Phật giáo được
phát huy, vai trò của Tăng Ni, Phật tử được coi trọng. Chúng ta vẫn tiếp tục mơ
ước một ngày, chùa Côn Sơn sẽ lại trở thành một trung tâm Phật giáo như thời
của Thiền Sư Huyền Quang, đệ tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm, và các danh lam cổ tự
khác cũng thế.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự