Mùi sữa

Thứ sáu - 03/07/2009 20:08
Thằng bé rướn mình, ngậm chặt cái núm trên bình sữa mút lấy, mút để..., mồ hôi rịn ướt lông tơ, gương mặt ửng dần; hai bàn tay bé xíu, líu ríu... tìm hơi ấm. "Tội nghiệp, nó chưa bao giờ biết mùi sữa mẹ!". Sư cô An Sơn kể: "Mấy tháng trước, mẹ nó "xổ" vội "bầu tâm sự", quấn vào khăn, bỏ giữa cái giỏ kẹp, đặt bên đường. Một người đi chợ sớm nhặt được đem đến Mái ấm Anh Đào; lúc mở ra, hài nhi xanh tím, còn oi oi mùi nước ối! Rất may, bữa đó trong nhà còn sữa...".

Bây giờ, cu cậu đã hơn  6 tháng tuổi, háu ăn lắm. Vì không có nguồn trợ cấp ổn định, sư cô đành nấu cháo loãng pha đường thay sữa, vậy mà  mấy mươi  đứa trẻ bị bỏ rơi, gửi vào đây lớn nhanh như thổi.

Tiếng khóc bơ vơ

Gần trưa, "nhà" có khách, lũ trẻ lễ phép đồng thanh chào rồi lặng lẽ..."việc ai, nấy làm". Đứa lớn lau nhà, đứa lớn hơn xách nước tưới cây, sửa soạn nấu cơm; nhóm tuổi mẫu giáo lanh chanh, tung tăng... bên thùng quà. Cứ mỗi lần đến thăm cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi Anh Đào, tâm thần tôi lại xốn xang theo "cảnh đời". Quả là khó kìm nén cảm xúc khi sư cô An Sơn xướng tên từng cháu và giới thiệu "trích ngang"lai lịch những đứa trẻ bị bỏ rơi. Không hiểu chúng đã được sinh ra như thế nào, chỉ biết rằng nỗi bất hạnh giống hệt nhau từ lúc mới chào đời.

Còn nhớ, Tết Nguyên đán Đinh Hợi (2007), thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, đại diện Tập đoàn sữa Nam Yang (Hàn Quốc) tại Việt Nam  cũng đã đến thăm  Mái ấm Anh Đào. Bữa đó, Chị Nguyễn Thị Thu Phương-TGĐ Công ty CP XNK Nam Dương, ngồi lặng hàng giờ... âu yếm một bé trai có gương mặt y hệt con lai.

Theo lời kể của sư cô An Sơn, sáng sớm mùa đông, người phụ nữ bán rau hành "nhặt" được một hài nhi trước cổng chợ, ôm đến Mái ấm Anh Đào đúng lúc mặt trời ló dạng, sư cô An Sơn lấy họ Phạm của mình đặt tên cho "con" là Phạm Minh Nhật. Tết năm ấy, Minh Nhật được "bú" thoải mái sữa X.O; còn bây giờ, cu cậu đã biết chạy, biết nói và làm nũng "mẹ" nuôi. Chị Thu Phương rất vui khi nhận ra "gương mặt lai" kháu khỉnh, đẹp trai, khúc khích cười... đón khách.

Sinh 1975, xuất gia năm 19 tuổi, Thích nữ An Sơn vốn là con gái nhà nông, quê ở xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Tuổi thơ nhọc nhằn ám ảnh hoài trong suy nghĩ. Suốt một thập niên tu học, chân tâm hướng Phật mà lòng trĩu nặng việc đời. Năm 2004, sư cô An Sơn quyết định rời TP.Hồ Chí Minh, về quê nhà, một mình đứng ra xin phép UBND huyện Ninh Hoà mở cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đầu 2005, "Mái ấm Anh Đào" ra đời với dự định tiếp nhận khoảng 20 trẻ mồ côi ở trong làng và các xã lân cận.
 
Chẳng ngờ, "mái ấm" vừa "mở cửa" đã nghe tiếng khóc oe oe... dập dồn. Năm ấy, sư cô An Sơn vừa tròn 30 tuổi, can đảm nhận trọng trách làm "mẹ" một lúc 30 đứa trẻ bơ vơ. Bấy giờ khó khăn lắm, nguồn trợ giúp có hạn, sư cô vừa "chạy" sữa từng bữa cho con nhỏ, vừa cuốc đất trồng rau làm thức ăn nuôi con lớn.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ Nha Trang, Phan Thiết, TP.Hồ Chí Minh... đến thăm đã phát tâm góp tiền xây dựng nhà lầu cho con trẻ. Hiện, Mái ấm Anh Đào đang che chở 62 trẻ mồ côi, hầu hết mất cả cha lẫn mẹ; đứa lớn nhất đang học lớp 12, đứa bé nhất 6 tháng tuổi, 23 cháu là học sinh tiểu học, 10 cháu học sinh THCS và 3 cháu đã lên đến bậc THPT. Rất mừng vì bà con khắp làng trên, xóm dưới thường xuyên rủ nhau phụ giúp sư cô, có 7 "mẹ" đã luống tuổi tự nguyện ở lại "mái ấm" chăm lo, nuôi dạy trẻ.

Chúng tôi dừng khá lâu bên bàn thờ, lặng nhìn sư cô ngân ngấn... khấn thầm trước tấm hình một hài nhi dị dạng. Cháu bé trong ảnh tên là Phạm Minh Đào, cách đây không lâu, ai đó  đặt bé trước cổng chùa Vạn Bửu (cách xa Mái ấm Anh Đào gần 50km), đứa trẻ xấu số này sau đó được đem đến Phòng LĐTBXH huyện Vạn Ninh, nhưng ở Vạn Ninh chưa có cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nên huyện "bàn giao" cho Mái ấm Anh Đào.
 
Sư cô An Sơn kể: "Lúc đặt tên, vẫn biết con bé bị đa tật bẩm sinh, nhưng thương một kiếp người nên cả "nhà" xúm xít chăm nuôi, bón, mớm...; 40 ngày "con" không chịu ăn, cứ khóc hoài rồi... mất". Sư cô lo chôn cất tử tế và lập bàn thờ theo nghi lễ, bởi vì lần đầu tiên có một linh hồn "trở về" ẩn dật nơi "mái ấm". Nhìn ảnh "con", sư cô An Sơn day dứt, bùi ngùi... thương tiếng khóc: "Con bé khóc lạ lắm, tiếng rất loãng, nghe thảm  thiết... bơ vơ!".

Mùi sữa

Giác quan người mẹ gợi nhớ trong tôi... có một mùi gì đó  như mùi sữa. Mùi từ miệng những đứa trẻ còn bú mẹ, không hoi hắt, nồng nàn... mà thoang thoảng ấm, thơm... mùi của mẹ! "Nhà tình thương" của "bố" Tống Phước Phúc ở 56/4 Phương Sài, TP.Nha Trang vừa được xây lại khang trang. Nuôi dưỡng 38 đứa trẻ bị bỏ rơi lúc sơ sinh, "bố"  Phúc luôn luôn cần sữa.
 
Thật cảm động, ngày ngày có những người âm thầm quyên góp, âm thầm sẻ chia bầu "sữa mẹ" để nuôi dưỡng bầy "chim non". Tôi đã gặp những người mẹ trẻ vì bồng bột, dại dột... định quyên sinh, phút cuối được "bố" Phúc cưu mang,  "mẹ và con" trú ngụ trong ngôi nhà tình thương cho đến ngày "ở cữ". Nhờ tình người... giác ngộ, "vượt cạn" xong, mẹ ở lại bên con và "tạ ơn" cuộc đời bằng... "sữa mẹ"!

 Nhưng, từ Mái ấm Anh Đào đến chùa Phú Quang, chùa Lộc Thọ, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hoà, vào Nhà dòng Khiết tâm đức mẹ Nha Trang, hay nhà tình thương Têrrêsa  huyện Cam Lâm...; chúng tôi thực sự đau lòng bởi cảm nhận trống không mùi sữa. Sư bà Diệu YÁ, 74 tuổi, trụ trì chùa Lộc Thọ (Nha Trang), giãi bày: "Ở những nơi trẻ thơ phải ăn chay và sống nhờ nguồn cứu trợ, mỗi lần nhận được sữa bột dinh dưỡng, cả "nhà" ưu tiên cho bé sơ sinh và đau ốm".

Chuyến đi này, đại diện của Nam Yang đem đến Khánh Hoà gần 500 sản phẩm X.O các loại. Chị Thu Phương cho biết: "Ngoài phần quà quy ra... sữa, tuỳ điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nơi, công ty còn hỗ trợ thêm tiền để mua bút, mực, sách, vở...chuẩn bị cho trẻ đón năm học mới".  

Ngành LĐTBXH nước ta chưa thống kê, cập nhật số liệu trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng chắc hẳn sự thay đổi trong lối sống và quan hệ nam - nữ hiện đại đã để lại nhiều hậu quả nặng nề.
 
Riêng tỉnh Khánh Hoà, 3 năm gần đây số lượng trẻ vị thành niên nạo hút thai tăng nhanh, tại bệnh viện tỉnh và các trung tâm KHHGĐ, ngày nào  cũng có hài nhi bị bỏ rơi, không có người chăm sóc. Tỉnh Khánh Hoà  đã thành lập 5 trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, mồ côi; các tổ chức tôn giáo, xã hội và một số cá nhân cũng đã hình thành nhiều "mái ấm", đó là chưa kể một số gia đình lặng lẽ... đón trẻ.

Chị Thanh Mai - PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hoà - cho hay: "Khoảng trên dưới 700 cháu đã được nuôi dạy tập trung tại 15 cơ sở, riêng trẻ mồ côi trong "mái ấm", sống hoàn toàn phụ thuộc ở... tình thương nên dinh dưỡng rất thất thường. Chúng tôi luôn tạo điều kiện kết nối và mở rộng các hình thức hoạt động từ thiện trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ và chia sẻ gánh nặng với xã hội".

Vâng, tháng 6 là tháng "hành động vì trẻ em", cứ đến dịp này cả nước lại "chung tay, góp sức" chăm lo nhiều hơn cho con trẻ. Hạ tuần tháng 6, theo chân đoàn từ thiện của Tập đoàn sữa Nam Yang đi thăm 9 trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật...trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, lắng nghe ...tiếng lòng" những người mẹ chưa bao giờ làm... mẹ và chứng kiến bao bé thơ... bơ vơ, cơ nhỡ; chúng tôi ước ao: "Giá mà mỗi năm có 12 tháng 6!".

Nguồn tin: Theo: Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây