Kỷ lục gia bị tố cáo đạo nhạc

Thứ ba - 23/06/2009 20:33
Ngày 24.5.2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS) đã chứng nhận 14 kỷ lục Phật giáo, trong đó kỷ lục Người sáng tác nhạc Phật giáo nhiều nhất được trao cho ông Vũ Ngọc Toản. Sự việc này đã làm rộ lên nhiều phản ứng khác nhau...

Đặt lời mới có phải là sáng tác?

Một số nhạc sĩ, soạn giả cho rằng ông Vũ Ngọc Toản không xứng đáng được nhận danh hiệu Người sáng tác nhạc Phật giáo nhiều nhất bởi lẽ ông này đã lấy những bài dân ca, nhạc quốc tế, nhạc Hoa, thậm chí lấy cả những ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam đương đại rồi đặt lời mới làm mất đi ý nghĩa và tính tôn nghiêm của Phật pháp. Kèm theo những thư này là CD những ca khúc được cho là “có vấn đề” của ông Vũ Ngọc Toản làm bằng chứng. Trong đó chúng tôi nhận thấy có khá nhiều ca khúc quen thuộc đã được đặt lời mới, chẳng hạn: Trống cơm, Bà Rằng - Bà Rí, Lý ngựa ô,... (dân ca); Mùa thu lá bay, Người đến từ Triều Châu, Mộng đẹp ngày xưa, nhạc phim Bao Công... (nhạc Hoa), Five hundreds miles, Alibaba... (nhạc ngoại quốc). Ông đặt lời mới cho các ca khúc của các nhạc sĩ đương đại:  Sao em nỡ vội lấy chồng (Trần Tiến), Ra giêng anh cưới em (Lư Nhất Vũ phát triển trên giai điệu Lý Cống Chùa, lời Lê Giang), Về dưới mái nhà, Khúc hát ân tình (Y Vân - Xuân Tiên), Em bé quê ( Phạm Duy)...

Ông Vũ Ngọc Toản được đề xuất xét trao bằng Kỷ lục Việt Nam với thành tích sau 5 năm (tính đến thời điểm đề xuất là ngày 11.11.2008) đã sáng tác 639 ca khúc Phật giáo, nhiều hơn các nhạc sĩ Võ Tá Hân (khoảng 400 bài), nhạc sĩ Hằng Vang (khoảng 300 bài), nhạc sĩ Uy Thi Ca (khoảng 150 bài), nhạc sĩ Giác An (khoảng 60 bài), nhạc sĩ Chúc Linh (khoảng 50 bài), nhạc sĩ Quý Luân (khoảng 30 bài)... Không chỉ thiện nam, tín nữ mà tất cả mọi người sẽ “tâm phục, khẩu phục” khi tất cả ca khúc trên đều là sáng tác - là lao động nghệ thuật đích thị của một nghệ sĩ có thực tài.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, chuyện “lấn cấn” ở đây là trong cái “gia tài ca khúc đồ sộ” của ông Toản, không ít những ca khúc không thể gọi  là sáng tác! Chính vì điều này mà một số danh sĩ Phật giáo như các nhạc sĩ Hằng Vang, Quý Luân, Giác An, Đặng Được, Đặng Công Ninh, Thanh Hiệp, soạn giả Dương Kinh Thành, MC Tánh Thuần, nhóm ảnh Nhất Chi Mai, Trung tâm Hương Đạo (Pháp) đã phản đối kịch liệt các ca khúc được cho là “sáng tác” này và đề nghị VIETKINGS thu hồi bằng “kỷ lục”.

Người trong cuộc nói gì?

Lý giải về điều này, trên Giác Ngộ online, đại đức Thích Nhật Từ nói: “Thời gian qua, tôi nhận đủ thư từ than phiền với lời lẽ rất nặng nề, thiếu tinh thần xây dựng. Khi đề xuất kỷ lục này, tôi đã yêu cầu nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản cung cấp toàn bộ các ca khúc về Phật giáo mà anh hiện đang có nằm ở trong 2 tập nhạc. Tập một gồm 639 ca khúc do chính anh phổ từ thơ của các phật tử, tập hai gồm khoảng 90 bài gồm nhạc nước ngoài và dân ca được anh đặt lời mới, điều đáng nói là ở trên đầu trang của mỗi bản nhạc đều có ghi xuất xứ là “nhạc nước ngoài” hoặc “dân ca”, lời Vũ Ngọc Toản. Tập hai (đặt lời mới) chỉ có tính cách tham khảo còn tập một (639 ca khúc, mà 98% là phổ từ thơ của người khác, có ghi rõ tên nhà thơ) mới là tập nhạc nộp cho VIETKINGS để xét trao kỷ lục. Vì thế tôi nghĩ nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản không thể bị cáo buộc là người “nhái nhạc” hay “đạo nhạc” được!”.

Người bị cáo buộc cũng đã phân trần: “Họ nói thế vì chưa nắm rõ danh sách những bài dự thi của tôi. Tôi khẳng định 639 bài hát dự thi hoàn toàn là đứa con tinh thần của tôi, nếu cần thì xin mời thẩm tra biên bản... Còn các bài hát khác tôi đều ghi rõ là nhạc ngoại quốc lời Việt. Tôi vận dụng nó như một phương tiện để đưa Phật pháp vào cuộc sống. Hơn nữa, những bản nhạc này rất phổ biến nên tôi đã viết thêm lời Việt để tạo sự gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ...”.

Như thế, ông Vũ Ngọc Toản đã tránh đề cập tới những ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam đương đại mà ông đã sử dụng phần nhạc của họ. Tuy nhiên ngay cả nhạc nước ngoài khi sử dụng mà không có sự đồng ý của bên nguyên bản thì vẫn có thể bị kiện vì vi phạm quyền tác giả. Thiết nghĩ, Ban tổ chức Guinness VN nên công khai 639 ca khúc của ông Vũ Ngọc Toản trên các phương tiện thông tin (tốt nhất là trên website) nhằm làm sáng tỏ và giải tỏa những “ấm ức” cho cả đôi bên. Đồng thời chúng tôi cũng đồng tình với nhận định nếu vận dụng các làn điệu dân ca để đặt lời mới thì vẫn có thể chấp nhận được nhưng đem Phật pháp mà đặt vào nhạc Hoa, nhạc ngoại quốc và cả nhạc đương đại (thí dụ: Ai bảo ăn chay là khổ, ăn chay sướng lắm chứ!... - cải biên lời ca khúc Em bé quê của nhạc sĩ Phạm Duy) thì nghe rất phản cảm! Một phật tử nói: “Khi hát về Phật chúng tôi hát với tất cả thành tâm nhưng phải luyến láy theo nhạc Hoa thì quả là... dở khóc dở cười!”.

* Nhạc sĩ lão thành Hằng Vang (hơn 50 năm gắn bó với âm nhạc Phật giáo): “Tôi kiến nghị: thu hồi bằng xác nhận kỷ lục đối với nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản, công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thực hiện lại quá trình đề xuất, lấy ý kiến công luận. Ban cố vấn Trung tâm Sách kỷ lục VN nên có thêm các vị am hiểu văn hóa văn nghệ Phật giáo”.

* Nhạc sĩ Trần Tiến (bị lấy nguyên phần nhạc Sao em nỡ vội lấy chồng đổi lời, đổi tựa thành Tinh Tấn): “Tôi chưa được nghe bài Tinh Tấn nhưng nếu lấy y chang phần nhạc của tôi thì đã vi phạm Luật Bản quyền mất rồi ! Ngoài ra ca khúc này tôi viết cho tình yêu, cho nhân dân mà nay lại bị đổi thành Phật ca thì không nên chút nào!”.

Nguồn tin: theo thanhnien

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây